Tối ngày 14/9, Forbes Việt Nam vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất được chọn từ các đơn vị có kết quả kinh doanh tốt theo từng lĩnh vực. FPT lần thứ 5 liên tiếp nằm trong danh sách, kể từ lần đầu tiên được tạp chí này công bố năm 2013. Cùng với đó là nhiều thương hiệu mới như VietjetAir, Petrolimex, Novaland…
Theo Forbes Việt Nam, thương hiệu FPT được biết đến là công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam, tuy hoạt động trải rộng lên nhiều lĩnh vực bao gồm công nghệ phần mềm, dịch vụ giải pháp, viễn thông, phân phối và bán lẻ, giáo dục.
Anh Nguyễn Văn Khoa, GĐ FPT HCM kiêm TGĐ FPT Telecom, nhận vinh danh từ ông Nguyễn Bảo Hoàng, Chủ tịch Truyền thông Tương Tác, đơn vị vận hành Forbes Việt Nam và ông Phạm Phú Ngọc Trai, Cố vấn Cao cấp Forbes Việt Nam.
“Trong hoạt động lõi, mảng tích hợp hệ thống và gia công phần mềm, FPT lập văn phòng hoạt động tại 21 quốc gia. Mảng dịch vụ viễn thông, cuối năm 2016, FPT Telecom đạt hai triệu khách hàng, tăng 40 lần so với năm 2014”, Ban tổ chức nhận định. “Không chỉ quang hóa và có mặt tại hầu hết địa bàn chiến lược, FPT Telecom còn mang đến nhiều khác biệt với nhiều gói giá trị gia tăng cho khách hàng như gói truyền hình, phim truyện HD…”.
Forbes Việt Nam cho rằng, dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong hoạt động của FPT nhưng sau 10 năm, mảng giáo dục đã đào tạo khoảng 20.000 sinh viên với 14 chuyên ngành đại học và 2 chuyên ngành sau đại học, xây dựng cơ sở đào tạo tại bốn thành phố chiến lược: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.
"FPT đang đẩy mạnh phát triển mảng CNTT và Viễn thông; duy trì mức tăng trưởng trên 20%. Cạnh đó, toàn cầu hoá cũng là một hướng đi khả quan, là động lực tăng trưởng của FPT, duy trì mức tăng 30-40% trong nhiều năm gần đây. Riêng khối công nghệ, doanh thu từ thị trường nước ngoài đã vượt thị trường trong nước", anh Nguyễn Văn Khoa, GĐ FPT HCM, chia sẻ.
Danh sách xếp hạng dựa trên kết quả kinh doanh tốt nhất theo từng lĩnh vực mà cổ phiếu các công ty này giao dịch, tại 2 sàn chứng khoán TP HCM (HSX) và sàn Hà Nội (HNX). Các công ty được tính điểm dựa vào tỷ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ sinh lời và tăng trưởng trong giai đoạn 2012-2016.
Top 10 công ty niêm yết tốt nhất do Forbes công bố. Cột bên trái là doanh thu và cột còn lại là lợi nhuận.
FPT là công ty duy nhất trong lĩnh vực công nghệ được Forbes Việt Nam tôn vinh. Bất động sản, xây lắp, hạ tầng và tài chính là lĩnh vực có nhiều công ty góp mặt nhất, với 8 đơn vị mỗi lĩnh vực. Lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng cũng chiếm phần lớn trong danh sách với những đại diện có vốn hóa lớn trên thị trường.
Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam thời gian qua tập trung rất nhiều vào lĩnh vực bất động sản, khi xuất hiện nhiều đại gia ngành này trên sàn chứng khoán. Với ngân hàng, việc tái cơ cấu ngành bước sang năm thứ sáu với một số chuyển biến tích cực cũng khiến lĩnh vực tài chính tăng số đại diện.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa cũng tăng mạnh khiến nhiều công ty trong ngành phụ trợ như logistics đạt kết quả kinh doanh khả quan. Ngược lại, dầu khí, cao su tự nhiên vẫn chưa phục hồi sau đà suy giảm từ đầu năm 2016, khiến cả hai ngành không có đại diện nào trong danh sách.
Ngoài FPT, những tên tuổi lớn như Vingroup, Đất Xanh, Novaland, Nhà Khang Điền, Vietcombank, ACB, Vietinbank… đều góp mặt trong Top đầu của danh sách công ty được đánh giá niêm yết tốt nhất trên sàn chứng khoán hiện nay.
Đây là lần thứ 5 Forbes Việt Nam công bố danh sách này. Năm nay có thêm nhiều tên tuổi mới mà cổ phiếu các công ty này vừa niêm yết trên sàn chứng khoán từ đầu 2017, nhưng đã nằm trong nhóm dẫn đầu của nhiều ngành kinh tế như: Vietjet Air, Sabeco, Petrolimex, Novaland… với giá trị vốn hóa trung bình mỗi công ty lên tới hàng tỷ USD.
50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam chụp hình lưu niệm cùng Ban tổ chức.
Thống kê của Forbes Việt Nam, chỉ 50 công ty này nắm giữ tới 60% giá trị vốn hóa của hai sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay. Tổng doanh thu của 50 công ty trong năm qua lên tới 734.822 tỷ đồng, tương đương gần 32,4 tỷ USD, tăng 55% so với năm trước. Tổng lợi nhuận cũng lên tới 79.461 tỷ đồng, tăng 49%.
Hầu hết công ty trong danh sách lần này đều được niêm yết trên HOSE, chỉ có 4 cái tên niêm yết trên HNX. So với năm 2016, danh sách có thêm 12 công ty mới được xếp hạng, trong đó có 9 công ty lần đầu lọt vào danh sách. Trong số 10 doanh nghiệp có giá trị niêm yết lớn nhất trên sàn chứng khoán hiện nay, 7 đại diện lọt vào bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam.