Thứ Tư, Tháng Mười Một 27, 2024
spot_img

FPT Career Booming: Ứng dụng mạng Wifi thông minh cho sinh viên

Dựa trên khảo sát của sinh viên về 5 đề tài network, chương trình FPT Career Booming với chủ đề “Ứng dụng mạng wifi thông minh” đã được diễn ra và thu hút gần 300 bạn sinh viên chuyên ngành Công nghệ viễn thông thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông thành phố Hồ Chí Minh tham gia.

Từ khi Internet ra đời, chúng ta không thể phủ nhận được vai trò của chúng trong công việc, cuộc sống và trong sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, sự ra đời của các thiết bị kết nối mạng ngày càng hiện đại, đòi hỏi sự tiến bộ của đường truyền và hình thức phát mạng. Chính vì thế, Wifi thông minh đã trở thành những “người phục vụ” tận tụy giúp bạn kết nối với mọi người dễ dàng hơn thông qua sóng wifi chất lượng của chúng.

Để mang đến có bạn sinh viên cái nhìn tổng quan về hệ thống vận hành của network, đồng thời, hiểu rõ hơn về wifi thông minh, Ban Nhân sự FPT Telecom đã phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông Thành phố Hồ Chí Minh (PTIT) tổ chức chương trình với chủ đề “Ứng dụng mạng Wifi thông minh”.

Chương trình diễn ra với sự tham gia của chị Nguyễn Thị Hoài Thanh (Phó Ban Nhân sự), chị Võ Thị Kim Hồng (Trưởng phòng Tuyển dụng và Phát triển Nguồn nhân lực – Ban Nhân sự), anh Lê Trung (Giám đốc Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng Miền Nam), anh Nguyễn Viết Hiếu (Trưởng phòng CPE LAB – Trung tâm Phát triển và Quản lý hạ tầng miền Nam), anh Phạm Bùi Tuấn Vũ (Trưởng phòng Kỹ thuật Hệ thống – Trung tâm Phát triển và Quản lý hạ tầng miền Nam), anh Trịnh Minh Tiến (Phó phòng Kỹ thuật hệ thống – Trung tâm Phát triển và Quản lý hạ tầng miền Nam) và anh Ngô Ích Long (Kỹ sư điều hành hệ thống mạng).

Về phía nhà trường là sự tham gia của thầy Võ Nguyễn Quốc Bảo (Trưởng Khoa Viễn thông 2), thầy Trần Đình Thuần (Phó Khoa Viễn thông 2 – Kiêm Trưởng Bộ Môn Mạng Viễn Thông) và thầy Phạm Quốc Hợp (Trưởng Bộ môn Thông Tin Quang).

Mở đầu chương trình, Phó phòng Kỹ thuật hệ thống, anh Trịnh Minh Tiến (Phó phòng Kỹ thuật hệ thống – Trung tâm Phát triển và Quản lý hạ tầng miền Nam) đã có những giới thiệu về các phòng ban của công nghệ tại FPT Telecom, chia sẻ về công việc của các phòng ban và yêu cầu chuyên môn. Điều này giúp cho các bạn sinh viên tự định hướng được mục tiêu công việc từ đó là động lực và tạo ra những kế hoạch phù hợp đáp ứng nhu cầu công việc.

Tầm quan trọng của giải pháp nhận dạng và quản lý truy cập mạng (Network Access Control)

Theo anh Tiến, các doanh nghiệp sẽ thực hiện chuyển đổi số với mục tiêu ứng dụng công nghệ vào vận hành và phát triển doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có sự quy hoạch rõ ràng hạ tầng mạng Access.

Nhưng song song việc đó, việc sử dụng IoT (Internet of thing) như một nền tảng kết nối giúp các thiết bị trong hệ thống hệ thống mạng có thể trao đổi thông tin trực tiếp với nhau. Tuy nhiên việc này sẽ dẫn đến bài toán làm sao kiểm soát các thiết bị IoT (máy in, camera, hệ thống cửa từ, máy chấm công, …) tham gia vào hệ thống mạng, hơn nữa đa phần các thiết bị IoT không được chú trọng thiết kế cho việc bảo mật, rất dễ dàng để hacker tấn công xâm nhập và chiếm quyền điều khiển.

Vì lẽ này, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu các công nghệ mới về hạ tầng, từ đó, sẽ là giải pháp nhận dạng và quản lý truy cập mạng giúp giải quyết các bài toán trên. Đồng thời, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng đo kiểm bảo mật cho việc truy cập hệ thống mạng và cung cấp khả năng nhận biết các thiết bị nào đang kết nối vào hệ thống mạng.

Bên cạnh đó, quản trị mạng ngoại vi, cũng được anh Tiến nhắc đến với những phân tích chi tiết về cách thức vận hành của mạng ngoại vi. Anh Tiến cho biết: “Để tham gia vào hệ thống công nghệ viễn thông các bạn sinh viên cần phải có khả năng nghiên cứu, thử nghiệm các công nghệ mới, từ đó đưa ra những tiêu chuẩn thiết kế vận hành các thiết bị công nghệ. Đồng thời, phải hiểu rõ hạ tầng cấp viễn thông, rèn luyện tư duy phản biện và độc lập để đáp ứng nhu cầu công việc”

Giới thiệu về wifi và ứng dụng mạng wifi thông minh

Định nghĩa về Wifi, anh Nguyễn Viết Hiếu (Trưởng phòng CPE LAB – Trung tâm Phát triển và Quản lý hạ tầng miền Nam) cho rằng, Wifi là công nghệ mạng cho phép kết nối không dây với Internet. Sử dụng chuẩn IEEE 802.11 của mạng cục bộ không dây (WLAN).

Với nguyên tắc hoạt động của Wifi, anh bật mí: “Để tạo được kết nối Wifi nhất thiết phải có Router (bộ thu phát), Router này lấy thông tin từ mạng internet qua kết nối hữu tuyến rồi chuyển nó sang tín hiệu vô tuyến và gửi đi, bộ chuyển tín hiệu không dây (adapter) trên các thiết bị di động thu nhận tín hiệu này rồi giải mã nó sang những dữ liệu cần thiết”.

Ngoài ra, anh cũng cung cấp rất nhiều kiến thức thực tế và chuyên ngành để các bạn sinh viên có thể nghiên cứu chuyên sâu về ứng dụng wifi thông minh trong đời sống như chỉ số cường độ tín hiệu thu, định nghĩa chuẩn IEE 902.11, công thức RSSI, ….

Với phần chia sẻ của mình, anh Hiếu và anh Tiến đã để ấn tượng rất mạnh mẽ cho các bạn sinh viên bằng những kiến thức thực tế cũng như chuyên sâu, rất nhiều “tym” mà các bạn sinh viên đã gửi vào khung chat trong quá trình 2 anh chia sẻ. Giao lưu với các diễn giả chương trình, thầy Quốc Bảo đặt ra câu hỏi: “Các em sinh viên hiện đang học ngành Công nghệ viễn thông thì liệu có phù hợp với FPT Telecom hay không?”.

Đại diện FPT Telecom, anh Lê Trung (Giám đốc Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng Miền Nam) chia sẻ: “Càng ngày nhu cầu của Khách hàng, của công nghệ ngày càng phân hóa ra nhiều dạng. Chắc chắn những điều chúng ta học tại Học viện sẽ ứng dụng được nhiều trong tương lai tại các doanh nghiệp, mong các bạn hãy chú tâm vào việc học của mình. FPT Telecom luôn chào đón các bạn sinh viên tốt nghiệp từ Học viện bưu chính viễn thông TPHCM”.

Đồng quan điểm của anh Trung, anh Tiến nhấn mạnh: “Khi các bạn đang còn ngồi trên ghế nhà trường thì các bạn nên tìm những công việc khiến bản thân mình thích thú mỗi khi làm việc thì sẽ phát huy hết khả năng của các bạn”.

Tiếp nối câu hỏi thầy Bảo, bạn sinh viên Hoàng Kha cũng thắc mắc về việc hỗ trợ thực tập và yêu cầu thực tập tại FPT Telecom đối với các bạn sinh viên. 

Với kinh nghiệm lâu năm trong tuyển dụng, chị Hồng tiết lộ: “Hàng năm, chương trình sinh viên công nghệ tập sự có trả lương của FPT Telecom chỉ tuyển dụng 1 lần duy nhất. Chúng tôi sẽ gửi lời mời truyền thông đến các trường đại học để các bạn sinh viên có thể biết đến. Trong phần tuyển dụng sẽ có phần kiểm tra kiến thức và phỏng vấn đầu vào. Các bạn cần đáp ứng các tiêu chí sau: kiến thức kĩ năng và thái độ, các bạn phải đáp ứng được thời gian làm việc tối thiểu 20 giờ, yêu cầu về bảo mật thông tin; khả năng gắn bó với FPT Telecom”. 

Cuối chương trình, anh Tuấn Vũ cũng dành lời khuyên cho các bạn sinh viên: “Hiện nay, ngành Network không còn hot nhưng về nhu cầu việc làm vẫn là có. Chỉ cần những kỹ năng và kiến thức của mình đáp ứng tiêu chí công ty tuyển dụng đề ra. Vì vậy, đừng chạy theo những cái gì hot mà tập trung vào bản thân mình, xem mình đang giỏi cái gì nhất và  phát triển những điểm mạnh của mình. Sau khoảng 1,2 năm làm việc các bạn phải tự trau dồi và bắt trend để theo kịp xu hướng thị trường”.

Đại diện nhà trường, thầy Võ Nguyễn Quốc Bảo (Trưởng Khoa Viễn thông 2) chia sẻ: “Xin cảm ơn các anh chị diễn giả đã dành thời gian chia sẻ những kỹ năng, kiến thức cho các bạn sinh viên ngành viễn thông để giúp cho các bạn sinh viên có thể định hướng, biết được hướng đi trên con đường tương lai của mình”. Ngoài ra, thầy Bảo cũng hy vọng sẽ tiếp tục cùng FPT Telecom tổ chức thêm nhiều sự kiện hỗ trợ sinh viên trong tương lai.

Trải qua 2 tiếng đồ hồ ngắn ngủi, nhưng các chuyên gia nhà Cáo đã để lại rất nhiều ấn tượng đối với các bạn sinh viên tham gia chương trình. Thông qua những chia sẻ của diễn giả, FPT Telecom hy vọng đây là bước đệm để các bạn tìm ra những cách thức rèn luyện và phát triển bản thân phù hợp cho chính mình.

Thượng Khuê

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

17,207Thành viênThích
5,553Người theo dõiTheo dõi
540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img