Thứ Bảy, Tháng Bảy 12, 2025
spot_img

Đánh giá OKRs quý 1 ở các đơn vị – từ góc độ quản lý

Quá trình đánh giá và nhận xét OKRs quý 1 hiện vẫn đang diễn ra tại các đơn vị của FTEL, nhằm mục đích chia sẻ khó khăn cũng như thuận lợi giữa Cán bộ quản lý và nhân viên trong quá trình thực hiện OKRs, từ đó tìm ra phương án hỗ trợ để cải thiện tình hình hiện tại, tiếp tục đặt mục tiêu “lengkeng” và tạo cảm hứng trong quý mới. Hãy cùng Foxnews tìm hiểu, các Cán bộ quản lý nghĩ gì về quá trình đánh giá OKRs quý 1 tại đơn vị mình.

Theo anh Nguyễn Duy Tư – Giám đốc Chi nhánh Thái Nguyên, khó khăn của quá trình review OKRs 1:1 đến từ việc một số thành viên của Chi nhánh chưa thực sự hiểu rõ về OKRs nhưng lại đặt mục tiêu rất Leng Keng, do đó kết quả thực tế chưa thực sự bám sát với mục tiêu. Bên cạnh đó, anh Tư nhận thấy thấy nhiều OKRs được thiết lập nhưng không có con số cụ thể, dẫn đến việc khó định lượng và kiểm soát cho cả nhân viên và cán bộ quản lý đơn vị.

Anh Nguyễn Duy Tư – Giám đốc Chi nhánh Thái Nguyên

Để giải quyết các khúc mắc này, anh Tư cho biết: “Trong quá trình đánh giá, BGD Chi nhánh đã trao đổi lại với các cá nhân để các bạn nắm được các mục tiêu và có cách hành động cụ thể, từ đó dành ra những nỗ lực tương xứng để đạt được mục tiêu đó. Đồng thời, Cán bộ quản lý cũng có nhiều hình thức giúp các bạn nhân viên tháo gỡ các khó khăn để hoàn thành OKRs một cách bám sát nhất”. Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm từ quý I và để tạo nền tảng tốt nhất cho review OKRs quý II và các quý tiếp theo, BGĐ Chi nhánh Thái Nguyên đã lên kế hoạch và đang thực hiện các buổi trao đổi trực tiếp giữa quản lý và nhân viên thường xuyên hơn, đồng thời giao mục tiêu OKRs rõ ràng và cụ thể đến từng cá nhân, giúp nhân viên và cán bộ quản lý dễ dàng hơn trong việc theo dõi và kiểm soát OKRs.

Anh Tư cũng rất tự hào chia sẻ rằng nhiều nhân viên tại Chi nhánh Thái Nguyên thiết lập và triển khai OKRs rất tốt. “Có thể kể tên đến các cá nhân như HaNTT thuộc Bộ phận Kinh doanh, ngoài Mục tiêu tăng năng suất lao động lên 150% so với 2018, bạn còn đặt ra mục tiêu chăm sóc được 30% khách hàng cũ, rất đáng hoan nghênh”, anh Tư cho biết.

Đối với chị Trần Hạnh Dung – PGĐ Trung tâm đào tạo (FTC), dựa theo quan sát và đánh giá chung, chị cho rằng có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc triển khai và đánh giá OKRs của đơn vị mình vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Theo đó, lý do thứ nhất nằm ở việc các CBNV của đơn vị đào tạo thường xuyên phải đứng lớp và đi công tác tỉnh, dẫn đến nhu cầu đào tạo rất cao, do đó, bản thân bộ phận đào tạo cũng đang gặp khó khăn trong quá trình review 1:1. “Từ thực tế trên, trong giai đoạn này, mình chỉ xem kết quả các bạn nhập trên tool OKRs, còn quá trình review trực tiếp với từng cá nhân thì thực sự chưa được triển khai một cách sát sao”, chị Dung chia sẻ. Nguyên nhân thứ 2, theo chị Dung, đến từ thực tế các thành viên trong đơn vị đang quá chú tâm vào công tác chuyên môn dẫn đến tình huống khi thiết lập OKRs, mục tiêu của từng người vẫn chưa thực sự trau chuốt như mong muốn của quản lý.

Chị Trần Hạnh Dung – PGĐ Trung tâm đào tạo (FTC) đưa ra 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc triển khai và đánh giá OKRs của đơn vị mình vẫn còn tồn tại nhiều khúc mắc

Đưa ra hướng giải quyết cho các khó khăn còn tồn tại, chị Dung nêu đề xuất: “ Trước tiên, mình sẽ chủ động gửi mail hoặc nhắn tin trên tất cả các kênh để nhắc nhở và lưu ý các bạn hoàn tất OKRs quý I và nhập OKRs tháng II, đồng thời phân quyền để các quản lý nhóm tiến hành review. Sau khi đánh giá kết quả, mình sẽ ghi chú để chỉnh sửa lại mục tiêu và kết quả then chốt cho các bạn. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình kiểm soát OKRs về sau”.

Là người đứng đầu bộ phận Hành chính của FTEL, chị Nguyễn Khoa Diệu Hiền – Chánh văn phòng FTEL nhận thấy quá trình đánh giá OKRs của đơn vị mình còn gặp nhiều vướng mắc, một phần lý do cũng bởi công việc có những tính chất đặc thù, thậm chí có những đầu việc không thể đo đếm bằng những con số cụ thể. “Vì những đặc điểm riêng của công việc mà mình rất trăn trở trong việc nghĩ ra cách đưa Mục tiêu lớn của cả đơn vị vào OKRs của từng cá nhân”, chị Hiền tâm sự.

Những chia sẻ của chị Nguyễn Khoa Diệu Hiền – Chánh Văn phòng FTEL về khó khăn riêng của đơn vị

“Bản thân năng lực công nghệ – thông tin còn là rào cản lớn với một số cá nhân thuộc bộ phận, thêm vào đó việc diễn đạt sao cho rõ ràng cũng là một thách thức, do đó trong quá trình triển khai và đánh giá OKRs quý I, mình cũng như mọi người trong Bộ phận đều chủ động trong việc giúp đỡ những cá nhân gặp vấn đề khó khăn, sao cho OKRs cá nhân tương thích nhất với OKRs của toàn đơn vị”, đó chính là cách mà chị Hiền và những người đồng đội của mình giải quyết vấn đề khó khăn. Trong quý II và các quý tiếp theo, chị Hiền lên kế hoạch hỗ trợ các cá nhân trong đơn vị hiểu rõ và “thấm nhuần” hơn bản chất của OKRs, đồng thời biết cách triển khai OKRs một cách hiệu quả. “Trưởng Bộ phận và trưởng nhóm là những người tiên phong dẫn đường, để các cá nhân còn lại được truyền cảm hứng và triển khai OKRs gắn liền với lộ trình lớn của toàn đơn vị và công ty”, chị Hiền khẳng định.

Nhìn nhận về quá trình triển khai và đánh giá OKRs quý I, chị Nguyễn Thị Phương Linh – Trưởng phòng Truyền thông – Nhân sự của Công ty TNHH Hạ tầng Viễn thông miền Bắc (TIN) thẳng thắn chia sẻ: “Phòng Nhân sự TIN hiện nay đang có các bạn phụ trách các mảng công việc khác nhau của HR, đồng thời lại kiêm luôn công việc thuộc khối BO với nhiều đầu mục khó đo đếm do hệ thống chưa được số hóa hoàn toàn. Do đó, ngoài việc biến Mục tiêu chung thành các Kết quả then chốt cho từng nhóm vị trí, mình cũng cần phải trao đổi với các bạn thường xuyên về mục tiêu, về cách thức đo đếm việc thực hiện và kết quả thực tế, không chỉ trong mỗi dịp review 1:1”. Chị Linh cũng cho biết mục tiêu năm 2019 của TIN khá Lengkeng nên tất cả các nhân viên đều phải “toát mồ hôi hột để chạy hết công lực”, áp lực công việc của nhân viên vì thế không hề nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp tới OKRs của từng cá nhân trong đơn vị.

Chị Nguyễn Thị Phương Linh – Trưởng phòng Truyền thông – Nhân sự của Công ty TNHH Hạ tầng Viễn thông miền Bắc (TIN) thẳng thắn chia sẻ về những khó khăn của đơn vị

Từ góc độ quản lý đồng thời dựa trên những kinh nghiệm triển khai và đánh giá OKRs quý I, chị Linh cũng đưa ra những đề xuất và góp ý để quá trình review các quý sau được tiến hành hiệu quả hơn. Theo đó, có 3 vấn đề theo chị Linh cần phải được thực hiện rõ ràng bao gồm Mục tiêu và Kết quả then chốt phải được xác định rõ ngay từ đầu đối với từng cá nhân trong đơn vị; thực hiện việc lên kế hoạch cụ thể cho từng tháng, từng giai đoạn trong tháng; và bám sát việc việc thực hiện kết quả của nhân viên thông qua trao đổi trực tiếp định kỳ hoặc ngay khi có phát sinh để có điều chỉnh hành động kịp thời.

Còn đối với chị Nguyễn Thị Kim Khánh – Trưởng Phòng kiểm soát nội dung và quy trình dịch vụ (PAYTV), bản thân chị cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình review 1:1 OKRs quý 1 tại đơn vị, đặc biệt là các thao tác liên quan đến tool OKRs. Theo chị Khánh, công cụ này vẫn còn nhiều thiếu sót, khiến người dùng cảm thấy không thoải mái khi phải thao tác nhiều lần. “Hiện tại, mình đang phải thao tác đến 2 lần khi nhập liệu bởi khi các bạn nhân viên cập nhật mục tiêu của mình, hệ thống không thể tự động kết nối mục tiêu cá nhân với mục tiêu chung của đơn vị”. Cũng vì lý do này mà chị Khánh đề xuất bộ phận phụ trách tool nên ghi nhận các thiếu sót trong quá trình triển khai OKRs trên hệ thống và có các điều chỉnh kịp thời để CBNV có thể sử dụng một cách đơn giản và hiệu quả nhất.

Từ quá trình triển khai OKRs quý I tại FTEL có thể thấy, mỗi đơn vị tồn tại những khó khăn riêng trong quá trình thiết lập và triển khai OKRs, nhưng đều gặp vướng mắc ở việc đưa mục tiêu lớn của toàn đơn vị và công ty vào OKRs của từng cá nhân. Tuy nhiên,với những đề xuất và hướng giải quyết mà các Cán bộ quản lý đưa ra, việc đánh giá OKRs quý II chắc chắn sẽ có những chuyển biến thuận lợi và tích cực hơn.

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

20,688Thành viênThích
945Người theo dõiTheo dõi
1,115Người theo dõiĐăng Ký
spot_img