Thứ Ba, Tháng Tư 22, 2025
spot_img

“Cơn sốt” khẩu trang giữa mùa dịch và trách nhiệm với môi trường

Kể từ ngày 22/01 khi Việt Nam phát hiện 2 bệnh nhân nhiễm vi rút Corona (nCoV) đầu tiên đến nay toàn quốc đã có 10 ca nhiễm bệnh. Dịch bệnh phát triển với nhiều diễn biến phức tạp kèm theo đó là một “biển” những thông tin chính thống có, tin đồn thất thiệt có khiến dân chúng đổ xô đi tìm biện pháp tự bảo vệ cho mình và người thân. Bị bao vây trong nỗi sợ, chúng ta cuống cuồng tìm những biện pháp phòng tránh khẩn cấp mà quên nhìn vào một bức tranh toàn cảnh lớn hơn.

Chỉ một tuần sau Tết Âm lịch mà “khẩu trang y tế” đã biến thành từ khóa nóng hổi nhất trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến “cơn sốt” khẩu trang y tế mạnh mẽ đến thế trong cộng đồng; khẩu trang y tế cháy hàng trên mọi mặt trận từ nhà thuốc đến các siêu thị bán lẻ; kẻ gian trục lợi găm hàng, tăng giá khẩu trang cắt cổ khiến Quản lý Thị trường phải tức tốc vào cuộc; Bộ Y tế tức tốc yêu cầu các công ty sản xuất thêm khẩu trang để đủ cung cấp cho người dân; truyền thông ca ngợi những hành động phát khẩu trang miễn phí. Tất cả cuốn vào vòng xoáy của sự sợ hãi, ưu tiên giải quyết vấn đề sức khỏe trước mà quên đi một khía cạnh khác, một vấn đề nghiêm trọng cho môi trường mà chúng ta phải đối mặt sau khi dịch bệnh qua đi.

Theo Bộ Y tế khuyến cáo, các loại khẩu trang y tế trên thị trường hiện nay đa phần có “tuổi thọ” rất ngắn, chỉ kéo dài từ 8 đến 24 giờ tùy thuộc chủng loại, đa phần không thể tái sử dụng, không thể giặt hay làm sạch bằng các phương pháp thông thường. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi ngày tại Việt Nam ước tính có đến hàng triệu khẩu trang y tế đã qua sử dụng được thải ra ngoài môi trường. Phần lớn khẩu trang y tế dùng một lần hay loại khẩu trang airphin đều có thành phần từ nhựa khó phân hủy. Lượng rác thải nhựa thải ra môi trường có nguy cơ nghiêm trọng trở lại sau loạt nỗ lực của chúng ta về việc giảm sử dụng ống hút nhựa và túi nilong suốt thời gian vừa qua.

Trong thời điểm dịch bệnh đang hoành hành, ưu tiên dành cho sức khỏe hiển nhiên nên được đặt lên hàng đầu. Tuy vậy vẫn cần để tâm đến cách xử lý khẩu trang sau khi sử dụng sao cho đúng, cho chuẩn. Bởi không chỉ là mối quan ngại về môi trường, việc xử lý không đúng cách còn khiến tình trạng bệnh dịch tồi tệ hơn do tình trạng lây nhiễm chéo khi chế phẩm y tế bị vứt bừa bãi.

Vậy chúng ta nên làm như thế nào để vẫn đảm bảo an toàn trong mùa dịch đồng thời giảm gánh nặng cho môi trường?

1. Sử dụng khẩu trang vải

Tại cuộc họp báo ngày 31/01 của Bộ Y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp Y tế Công cộng Việt Nam đã khẳng định: khẩu trang vải hoàn toàn có thể được sử dụng như khẩu trang y tế để ngăn chặn sự lây lan của vi rút Corona. Người dân lưu ý khẩu trang vải cần được giặt sạch mỗi ngày sau khi sử dụng và có thể tiếp tục tái sử dụng trong những ngày tiếp theo. 

2. Thu gom khẩu trang y tế đúng cách

Không nên để khẩu trang đã sử dụng chung với các loại rác thải sinh hoạt khác. Khẩu trang đã sử dụng nên được phân loại và gom vào một túi riêng biệt để xử lý theo quy chuẩn. Sau đó cần rửa tay sát trùng sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn. 

3. Tuyệt đối không đốt khẩu trang y tế

Do khẩu trang có thành phần từ nhựa khó phân hủy nên việc đốt khẩu trang không phải cách xử lý an toàn. Cách làm này khiến môi trường bị ảnh hưởng xấu và khiến vi rút không được giải quyết triệt để (với các trường hợp đã nhiễm vi rút).

Việc xử lý khẩu trang đúng cách giúp ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn đồng thời hỗ trợ việc giảm thiểu những tác động xấu không ngừng mà con người gây ra cho môi trường. Hãy bảo vệ sức khỏe của chúng ta một cách văn minh và lâu dài nhé! 

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

17,207Thành viênThích
5,553Người theo dõiTheo dõi
540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img