Người FTEL trải dài 63 tỉnh thành trên cả nước nên văn hóa ẩm thực tại mỗi nơi lại có sự khác biệt riêng. Cùng điểm danh những món ăn đặc trưng ngày Tết của người nhà Cáo tại 3 vùng miền Bắc, Trung, Nam.
Cỗ Tết miền Bắc: Trau chuốt, trọng “sắc hương”.
Ẩm thực miền Bắc vốn tinh tế và cầu kỳ nên mâm cỗ ngày Tết ở miền Bắc không thể qua loa. Đa dạng sắc màu và phong phú về số lượng món là đặc trưng của mâm cỗ miền Bắc.
Cỗ Tết miền Bắc xưa thường 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa, bốn phương. Nhà nào khá giả hơn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài.
Ngày nay với nhịp sống bận rộn nhưng vào bữa cơm tất niên và ba ngày Tết, các món truyền thống vẫn được lưu giữ. Mỗi món ăn luôn được trang trí bắt mắt và tổng thể hài hòa, nhiều màu sắc: Thịt gà vàng ươm điểm xuyết lá chanh thái chỉ, xôi gấc đỏ tựa son, thịt đông trong veo như thạch, canh bóng hài hòa, nộm su hào hoặc đu đủ khô ráo, dưa góp giòn ngon đủ vị.
Theo chia sẻ của chị Đỗ Thị Xuân (CBNV tại CN Nam Định): “Vào sáng mùng 1 Tết, mình và gia đình sẽ dậy thật sớm để chuẩn bị mâm cơm cho ngày Tết. Theo thời gian thì ngày nay mâm cơm càng giản dị hơn xưa, mâm cơm nhà mình năm nay sẽ có thịt gà luộc, 2 loại giò là giò pha và giò lụa, canh miến măng, 1 bát rau xào, 1 bát hành muối, xôi gấc, nem rán, bánh chưng,… Nhìn chung mâm cơm cũng đã giản dị hơn các năm trước”.
Hầu hết, mâm cơm ngày Tết của người nhà Cáo đều là tự nấu. Những thành viên trong gia đình sẽ cùng làm với nhau. Thậm chí mấy nhà chung nhau làm heo vào dịp Tết, chia thịt để nấu bánh chưng, làm thịt đông, giò thủ.
Cỗ Tết miền Trung: Giao thoa văn hóa giữa các vùng miền.
Mâm cỗ ngày Tết ở miền Trung là sự giao thoa giữa sự tinh tế của miền Bắc và nét mộc mạc của miền Nam. Nhưng các món ăn trong mâm cỗ miền Trung lại mang nét đặc trưng riêng chỉ nơi này mới có.
Bên cạnh bánh chưng, bánh tét là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết ở miền Trung. Bánh được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt heo và được gói bằng lá chuối xanh, ăn kèm với dưa món. Đặc điểm của bánh tét miền Trung là có hình tròn, dài như chiếc đòn.
Đặc sản miền Trung có trong mâm cỗ Tết là nem chua, nổi tiếng nhất là nem chua Thanh Hóa. Nem được làm từ thịt heo xay nhuyễn trộn với bì heo cùng gia vị, tỏi, lá đinh lăng rồi ủ chua cho lên men đến chín là ăn được.
“Mâm cỗ Tết nhà mình năm nay có bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, thịt đông, thịt heo và món cơm, canh bình thường thôi. Điểm đặc sắc trong mâm cỗ miền Trung phải kể đến thịt heo ngâm nước mắm đường. Món này có ngon hay không là nhờ vào nước mắm, do đó, phải chọn nước mắm loại một. Thịt được thái mỏng cuốn với rau sống, bánh tráng hoặc ăn kèm với bánh tét, cơm hay dưa món. Ưu điểm của món này là có thể bảo quản trong vài tuần” – Chị Nguyễn Thị Huế (CBNV tại CN Thanh Hóa) chia sẻ.
Cỗ Tết miền Nam: Trù phú, phóng khoáng
Do thiên nhiên ưu đãi, sản vật phong phú và có sự giao thoa nhiều luồng văn hóa nên cỗ Tết miền Nam luôn đa dạng, đủ đầy, ít bị gò bó về hình thức. Tết miền Nam cũng có bánh chưng, bánh tét. Riêng bánh tét ở miền Nam rất đa dạng với sự kết hợp của nhiều loại nguyên liệu khác nhau như nếp, dừa nạo, đậu đen, lá dứa, lá cẩm… Bằng sự khéo léo, nhiều người còn tạo hình bánh tét thành hình hoa mai, chữ thọ, chữ phúc… rất bắt mắt để cúng Tết.
Những món ăn ngày Tết của người miền Nam cơ bản bao gồm bánh chưng, bánh tét, canh khổ qua, thịt kho tàu, canh măng, dưa món (kiệu ngâm chua ngọt và tôm khô), chả giò, gỏi gà xé phay, lạp xưởng hay lạp vịt.
Món thịt kho nước dừa cũng tùy vào mỗi gia đình mà thêm trứng vịt, trứng muối, trứng cút. Thịt được cắt vuông to bản, trứng tròn tượng trưng cho đất trời tròn vuông, mong năm mới tròn vẹn, đủ đầy.
Cho dù có sự khác nhau giữa cách bày biện mâm cỗ ngày Tết, song chúng đều mang ý nghĩa rất lớn nhớ về cội nguồn, tổ tiên. Mong muốn cả gia đình được quây quần, đông đủ thưởng thức những món ngon của ngày Tết truyền thống, cầu mong một năm mới phát tài – an khang – thịnh vượng.