22/04/2016 – Lấy hai tay hứng nước từ máy bơm cho vào miệng uống thử rồi đắp đắp lên mặt, chị Nguyễn Thị Nhĩn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang, vừa sung sướng reo lên. Cùng với chị, từ nay, bà con trong ấp cũng sẽ có nguồn nước sạch do Quỹ “Người FPT vì cộng đồng” trao tặng thay vì phải lấy nước sông ô nhiễm về dùng.
Chiều ngày 21/4, FPT Telecom Kiên Giang tổ chức trao tặng 5 giếng nước khoan cho bà con ấp Tân Điền, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất – quê hương của chị Sứ Phan Thị Ràng. Tổng kinh phí cho chương trình tại Kiên Giang là 48 triệu đồng được trích từ Quỹ Người FPT vì cộng đồng. FPT Telecom là đơn vị được chọn thực hiện chương trình hỗ trợ bà con vùng hạn hán tại 9 tỉnh trên toàn quốc. Do việc đi lại khá khó khăn nên chỉ có đại diện ba hộ dân trong ấp ra UBND xã dự lễ trao tượng trưng.
Anh Trần Triệu Hùng (áo cam), Giám đốc FPT Telecom Kiên Giang, cùng các quản lý đơn vị trao bảng FPT ngàn tấm lòng cho ông Lưu Minh Nhuận, PCT UBND xã Mỹ Lâm, và bà con nhân dân ấp Tân Điền. Món quà của Người FPT đến với bà con đúng thời điểm tình trạng xâm nhập mặn sâu khiến việc thiếu nước sinh hoạt trở nên gay gắt. Ngay tại thành phố Rạch Giá, khoảng 5 ngày nay, hầu hết người dân sống trên địa bàn đã phải sử dụng nguồn nước ngầm thay thế cho nước từ nhà máy cung cấp. Các khu vực được sử dụng nước của Công ty Cấp thoát nước tỉnh Kiên Giang trong khoảng thời gian 5-17 giờ.
Theo ông Lưu Minh Nhuận, ấp Tân Điền cách khá xa trung tâm xã (khoảng 8 km) và nằm ngay bờ biển nên khó khăn gấp bội. Riêng việc đi lại, Nhà nước mới chỉ đổ bê tông khoảng hơn 5 km, dù chỉ là đường nhỏ nên ô tô chở nước của địa phương không thể chở vào cứu hạn cho bà con được. "Dân trong ấp, nhà nào có xe máy thì chạy sâu vào mấy con kênh để chở nước về dùng. Nhà nào nghèo quá không có xe phải thuê người ta chở, cứ 5.000 đồng một bình 20 lít, tương đương 100.000 đồng/m3. Thường nước này về lắng phèn để tắm giặt thôi. Còn nước ăn uống phải mua một thùng 13.000 đồng", bác Lê Văn Phi, tổ trưởng, nói.
Trong ảnh, đại diện nhà thầu khoan giếng mở các thùng đậy máy bơm để đại diện FPT kiểm tra. Một cái giếng bao gồm: Khoan sâu 80 m, hệ thống ống và máy bơm.
Giếng khoan được đặt ở các cụm dân cư để các gia đình gần đó dùng chung. Đây là một giếng khoan với sàn và hộp giữ máy bơm được tô (hồ da) hoàn chỉnh, có hệ thống dây dẫn nước vào các gia đình. Bà con xung quanh đã kịp chống nắng cho máy bơm và ống nước bằng hàng rào và mái che tạm.
Ảnh anh Trần Triệu Hùng, Giám đốc FPT Telecom Kiên Giang, đang uống thử nước trực tiếp từ máy bơm để kiểm tra. "Ngon giống nước Lavie thời kỳ đầu vậy", anh Hùng nói.
Do nguồn nước ngọt từ thượng lưu đổ về tỉnh Kiên Giang rất yếu, trong khi nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng hàng chục km nên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của bà con nhân dân. Nắm bắt khó khăn này, gần 400 triệu đồng, trích Quỹ "Người FPT vì cộng đồng", sẽ được Viễn thông FPT – đại diện Quỹ – xây dựng hệ thống lọc, cấp nước và trao học bổng cho bà con nghèo tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi hạn hán và ngập mặn ở 9 tỉnh phía Nam, trong đó có Kiên Giang, nhằm chia sẻ khó khăn.
Một chiếc giếng cạnh dòng kênh nhỏ ô nhiễm mặn của ấp Tân Điền. Theo đại diện nhà thầu và bà con, với việc khoan sâu khoảng 80-120 m, nước dùng tốt. "Trong ấp có ba gia đình có điều kiện đã khoan cách đây vài năm. Bây giờ họ vẫn dùng tốt", bác Thi chia sẻ.
Anh Phạm Tuấn Cường, Trưởng phòng Kinh doanh số 1, FPT Telecom Kiên Giang, thử uống nước vừa bơm lên. Hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng gay gắt và việc cấp nước ngọt, hợp vệ sinh cho sinh hoạt của người dân đang là nhiệm vụ không dễ dàng. Ngay lúc đoàn đến trao quà, bà con xung quanh đã đo thử số mét dây để mua ống dẫn nước vào nhà.
Món đồ giá trị nhất lúc này trong các ngôi nhà ở ấp Tân Điền có lẽ là những bình nước dự trữ. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lâm, bà con ấp Tân Điền nghèo nhất xã bởi cư dân sống bằng nghề đi biển hoặc lưới cá. "Thu nhập cũng rất bấp bênh. Một ngày vài chục nghìn đồng hay mắn mắn lắm thì cao hơn nhưng cũng chỉ đủ sống qua ngày ở mức tối thiểu. Họ không dám nghĩ đến một số tiền lớn để khoan giếng và đánh chấp nhận đi lấy nước ô nhiễm về lắng phèn dùng dần", ông Lưu Minh Nhật chia sẻ.
Theo anh Hùng, trước khó khăn của tỉnh, chi nhánh đã tìm hiểu, khảo sát để đưa ra phương án hỗ trợ thỏa đáng, thiết thực nhằm đưa tấm lòng của người FPT đến những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, giúp người dân tháo gỡ khó khăn trong đợt thiên tai lịch sử này. Phương án được chọn là khoan tặng 5 giếng cho bà con Tân Điền. Đây cũng là ấp có gia đình chị Linh, nhân viên kinh doanh FPT Telecom Kiên Giang, đang sinh sống.
Đại diện nhà thầu cho biết sẽ hoàn chỉnh các sàn, hộp đựng máy bơm trong thời gian sớm nhất để bà con ấp Tân Điền thuận tiện trong sử dụng.
Ấp Tân Điền có hai khu dân cư cách nhau một con kênh, cũng là cửa biển. Trong ảnh, đoàn FPT đang di chuyển trên chiếc cống ngăn mặn, nơi làm nhiệm vụ ngăn nước biển xâm nhập vào đất liền. Tuy nhiên, với việc thượng nguồn không có nước nên cống ngăn mặn cũng ít phát huy tác dụng.
Sau một ngày đánh cá về, ngư dân Tân Điền cùng sửa lại lưới ngay dưới mé kênh sát cống ngăn mặn, cách đó khoảng 200 m là biển. Khó khăn trong sản xuất khiến đời sống sinh hoạt của bà con nhân dân vùng hạn hán miền Tây đang lâm vào tình cảnh rất gian nan.
Một mảnh ruộng dưới chân cống ngăn mặn. Theo dự báo, tình trạng hạn, mặn sẽ còn kéo dài nếu không có mưa, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn tiếp tục hạn mặn gay gắt hơn.
Chiếc giếng thứ 5 mà đoàn FPT trao tặng khác 4 chiếc trước đó. Máy bơm được cất bên trong một nhà dân cạnh đó thay vì làm bồn để bên ngoài. "Các hộ gần nhau dùng chung nên cũng dễ bảo quản. Thường mỗi gia đình chỉ bơm một lần để dùng trong ngày vì nhà nào cũng có đồ chứa đựng nước sẵn. Ai có nhu cầu sẽ kéo ống về và ra bật máy bơm. Tiền điện chúng tôi sẽ chia đều", ông Nguyễn Nam, cư dân ấp Tân Điền, cho biết.
Theo chị Nguyễn Thị Nhĩn (áo tím), do nước trong vùng đều bị nhiễm mặn nên tắm rất ngứa. "Nhưng cũng không có cách nào khác. Nghèo quá, không chỉ tắm giặt mà ăn uống cũng phải dùng nước ô nhiễm ấy", chị Nhĩn nói. "Nhưng giờ có nước ngay cạnh nhà rồi, mừng hơn bắt được vàng nữa".
Trong buổi trò chuyện với người dân địa phương, biết trong ấp có hai hoàn cảnh khó khăn, anh Trần Triệu Hùng, Giám đốc FPT Telecom Kiên Giang, đã bỏ tiền túi tặng mỗi người 1 triệu đồng.
Cùng với Kiên Giang, chương trình còn diễn ra ở 8 tỉnh khác. Theo đó, Lâm Đồng, Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang là những đơn vị sẽ tiến hành xây tặng hệ thống bồn chứa nước và lọc nước cho các hộ dân nghèo, ở xa khu vực có nguồn nước. Bốn chi nhánh FPT Telecom gồm Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum và Phú Yên sẽ trao những suất học bổng, xe đạp, các phần quà dụng cụ học tập đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Tổng số tiền Quỹ "Người FPT vì cộng đồng" hỗ trợ là gần 400 triệu đồng.