Đó là một trong những trọng tâm mà Chủ tịch Hoàng Nam Tiến yêu cầu các chi nhánh thực hiện trong chuyến thăm và làm việc tại các chi nhánh Vùng 2, 3 vừa qua. Trải qua 3 tháng mùa dịch đầy thách thức, các chi nhánh Vùng 2, 3 nói riêng và trên toàn quốc nói chung đã rất nỗ lực, tạo nên nhiều điểm sáng trong hoạt động Kinh doanh nhưng đồng thời còn tồn tại nhiều bất cập cần cải thiện ngay để trở mình mạnh mẽ sau khi Covid qua đi.
Trong 3 ngày 06 – 08/05, Chủ tịch Hoàng Nam Tiến, PTGĐ Nguyễn Hoàng Linh, GĐ Vùng 3 Lê Thanh Bình, GĐ TT Quản lý đối tác miền Bắc Nguyễn Văn Mậu, anh Nguyễn Văn Dũng – TT Dịch vụ Truyền hình đã thăm và làm việc với các chi nhánh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam. Chịu chung tình cảnh dịch bệnh hoành hành và sự cố đứt cáp quang biển trong những tháng đầu năm, nhưng các chi nhánh đều rất nỗ lực duy trì hoạt động và hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh
Duy trì hoạt động trong khó khăn.
Là một trong những dịch vụ thiết yếu, FTEL có lợi thế trong mùa dịch khi nhu cầu của Khách hàng về dịch vụ Internet, Truyền hình tăng cao. Mặc dù bị hạn chế về hình thức tiếp cận Khách hàng qua kênh D2D truyền thống, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội vào tháng 4 nhưng các chi nhánh đã linh hoạt tận dụng các kênh bán hàng online, telesale,… để tăng tương tác và tìm kiếm Khách hàng mới. Tất cả các chi nhánh đều đã và đang bám sát các chỉ tiêu kinh doanh, nỗ lực triển khai để duy trì hoạt động ổn định.
Chi nhánh Hưng Yên được Ban Điều hành đánh giá cao về quản lý vật tư tối ưu. Trong tháng 3 và tháng 4, Hưng Yên đã kiểm soát rất chặt việc sử dụng từng loại thiết bị mới, đặc biệt là thiết bị dùng cho Bảo trì. 100% cáp hạ tầng nhập lại được tái sử dụng, thanh thải, nâng cấp; giảm mạnh số lượng Modem dual band cho Triển khai và Bảo trì.
Hải Dương cũng là một trong những chi nhánh có hoạt động nổi bật, lợi nhuận đạt 104,16%. Đặc biệt, Hải Dương được Ban Điều hành ghi nhận về việc duy trì tỷ lệ RM ở mức 0,7%. Kết quả này chủ yếu có được nhờ đội ngũ CSKH rất “cứng” tại chi nhánh đã làm việc rất tích cực, luôn chủ động chăm sóc và hỗ trợ Khách hàng.
Chi nhánh Thái Bình trong 4 tháng đầu năm tăng trưởng doanh thu 21% so với cùng kỳ năm 2019 . Song song, chi nhánh tập trung xây dựng đội SWAP – phản ứng nhanh để hỗ trợ các sự cố, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Chi nhánh Nam Định đã đạt thành tích đáng nể, tăng 304,15% số bán FPT Play Box trong tháng 4. PTTB tăng mạng nhưng chi nhánh không quên chăm sóc Khách hàng cũ, thắt chặt kỷ luật giảm RM trong thời gian tới.
Cải thiện cách tiếp cận để nâng tỷ lệ gói cước cao
Một trong những yêu cầu mà Chủ tịch Hoàng Nam Tiến đặt ra cho các chi nhánh “thực hiện ngay” chính là có phương án thuyết phục Khách hàng sử dụng các gói cước cao hơn của FTEL, giảm tỷ lệ gói cước S22.
Trong mùa dịch, FTEL đã tiến hành nâng tổng 60% băng thông miễn phí cho tất cả Khách hàng, sau khi dịch kết thúc, mức băng thông sẽ trở về gói Khách hàng đăng ký ban đầu. Vậy đây chính là cơ hội để các chi nhánh hành động ngay, thuyết phục Khách hàng nâng gói cước. Điều quan trọng là ở cách tiếp cận và thuyết phục. Chủ tịch Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh: mức chênh lệch giữa 2 gói cước S22 và S35 là 15.000VNĐ, chỉ tương đương với một ly cà phê. Vậy thì Khách hàng chỉ cần bỏ ra một ly cà phê để được hưởng tốc độ mạng nhanh hơn gấp rưỡi trong cả tháng. Còn đối với FTEL, nếu con số 15.000 đồng ấy nhân lên với hàng chục nghìn Khách hàng của mỗi chi nhánh thì lợi nhuận sẽ tăng lên hàng tỷ đồng mà chi nhánh không phải đầu tư thêm bất cứ chi phí gì.
Thuyết phục Khách hàng nâng gói cước là cách tăng lợi nhuận nhanh chóng nhưng chưa được thực hiện hiệu quả. Do vậy, đội ngũ kinh doanh và CSKH cần tận dụng thời điểm từ nay cho đến hết tháng 6 – thời điểm dự kiến công bố hết dịch, để nâng tỷ lệ các gói cước cao.
Hiện tại ở Vùng 3, một số chi nhánh đã thực hiện chủ động và có kết quả khả quan trong việc giảm tỷ lệ gói cước S22. Trong tháng 04/2020, Hải Phòng đã nâng tỷ lệ các gói cước S35+ lên mức 86,5%; Ninh Bình cũng giảm tỷ lệ gói S22 từ 95% vào tháng 12/2019 xuống còn 51% vào tháng 04/2020.
Một số khó khăn và hướng khắc phục
Bên cạnh những điểm sáng trong hoạt động, các chi mặt vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập. Chi nhánh Hưng Yên gặp vấn đề về phân bổ nhân sự tại 2 huyện Văn Lâm và Yên Mỹ khiến việc. Đây là 2 huyện có nguồn Khách hàng rất tiềm năng nhưng lại chưa có Văn phòng giao dịch nên việc PTTB và chăm sóc Khách hàng rất hạn chế. Việc di chuyển xa cũng khiến nhân sự chi nhánh vất vả hơn rất nhiều. Chi nhánh Ninh Bình gặp khó khăn trong việc kiểm soát quảng cáo rác, tình trạng đối thủ phá hoại ấn phẩm, hạ tầng phổ biến. Chi nhánh Hà Nam có hạ tầng trải rộng nhưng nhân sự mỏng, việc hỗ trợ cho Khách hàng mất nhiều thời gian.
Với tất cả các khó khăn và đề xuất của các chi nhánh, Ban Điều hành, Ban GĐ Vùng đều đã trực tiếp lắng nghe và có định hướng xử lý bằng hành động cụ thể để chi nhánh sớm khắc phục và hoạt động ổn định hơn trong quý II/2020.
Trong thời gian tới Ban Điều hành FPT Telecom sẽ tiếp tục đến thăm và làm việc trực tiếp với các chi nhánh để đi sâu vào hoạt động, giải quyết dứt khoát những tồn đọng, cùng hướng tới mục tiêu lợi nhuận cao hơn!