Thứ Tư, Tháng Mười Một 27, 2024
spot_img

Chờ đợi gì ở Công Phượng trong cuộc thư hùng ĐT Việt Nam – ĐT Nhật Bản

HLV Park Hang-seo cần những điều chỉnh trên hàng tấn công để hy vọng cùng tuyển Việt Nam có điểm trước đối thủ Nhật Bản. Công Phượng có thể trở thành “quân bài tẩy” để nhà cầm quân tạo ra bất ngờ. Cùng dõi theo bước chân của Công Phượng và “Những chiến binh sao vàng” đối đầu các “Võ sĩ Samurai” vào 19h00 ngày 11/11 – trực tiếp trọn vẹn trên các nền tảng phát sóng của FPT Play.

Trong số các đội bóng ở bảng B Vòng loại thứ ba World Cup 2022 – AFC Asian Qualifiers Road to Qatar – đội tuyển Nhật Bản là đối thủ mang lại cho Công Phượng nhiều kỷ niệm và cảm xúc nhất, cũng không cầu thủ nào hiểu và từng nhiều lần so tài với Nhật Bản nhiều như Công Phượng. Với tiền đạo sinh năm 1995, bóng đá Nhật Bản là bức tường thành lừng lững, nhưng cũng là cơ hội để Công Phượng một lần nữa khiến tất cả phải nhắc tên mình.

Duyên nợ Nhật Bản 

Mối duyên nợ của Công Phượng với bóng đá Nhật Bản khởi đầu ở trận giao hữu tại giải quốc tế 2014. U19 Việt Nam của Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn khi ấy đang nổi danh sau thành tích vượt vòng loại U19 châu Á (thắng U19 Australia 5-1), cùng lối chơi lôi cuốn, đẹp mắt. Thầy trò HLV Guillaume Graechen chạm trán U19 Nhật Bản tại giải giao hữu tổ chức tại TP.HCM.

Lứa cầu thủ U19 Việt Nam được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện trước Nhật Bản nhưng đã không thành.

Thời điểm này, khán giả chờ đợi lứa cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam sẽ chơi sòng phẳng, cống hiến trước đội tuyển ở đẳng cấp hàng đầu khu vực. Tuy nhiên, kỳ vọng nhanh chóng biến thành hụt hẫng, khi U19 Việt Nam thua chóng vánh 7 bàn không gỡ.

Nửa năm sau, U19 Việt Nam tái ngộ U19 Nhật Bản ở vòng chung kết châu Á. Dù chơi nỗ lực và có thời điểm gỡ 1-1, nhưng Công Phượng cùng đồng đội vẫn thua 1-3 chung cuộc.

1 năm sau, Công Phượng gặp lại Nhật Bản, lần này trong màu áo U23 Việt Nam, tại vòng loại U23 châu Á 2016. Đội bóng của HLV Toshiya Miura không chơi tấn công như U19 Việt Nam năm xưa, mà tập trung chơi phòng ngự để hạn chế bàn thua. Chung cuộc, U23 Việt Nam thua 0-2, tỷ số đủ để vượt vòng loại.

Năm 2016, Công Phượng sang Nhật Bản thi đấu cho Mito Hollyhock. Cùng với Xuân Trường (sang Incheon United) và Tuấn Anh (sang Yokohama FC), lứa trẻ của HAGL xuất ngoại với niềm tin chiếm được chỗ đứng ở sân chơi nước ngoài. Nhưng một lần nữa, chờ đợi biến thành nỗi buồn khi Công Phượng không tìm được chỗ đứng tại CLB Nhật Bản.

Quãng thời gian thi đấu tại J-League 2 thực sự vô cùng đáng quên với Công Phượng.

Cầu thủ sinh năm 1995 bất lực trước đẳng cấp chơi bóng quá cao của đội bóng J-League 2, để lại hình ảnh gây tranh cãi khi phát tờ rơi ở bến tàu điện Nhật Bản. Tuy nhiên, thất bại ở Nhật Bản không khiến tiền đạo 26 tuổi nản lòng. 3 năm sau những va vấp, Công Phượng đối đầu Nhật Bản với tâm thế mới. Tại tứ kết Asian Cup 2019, cầu thủ xứ Nghệ đã chơi trận đấu để đời trước đội hình với 11 cầu thủ đang chơi tại châu Âu của HLV Hajime Moriyasu.

Công Phượng rê dắt tự tin, đi bóng táo bạo trước Takehiro Tomiyasu, Maya Yoshida, không ít lần khiến các hậu vệ Nhật Bản “chóng mặt” với những pha đảo bóng tốc độ. Asian Cup 2019 cũng là giải đấu Công Phượng chơi hay trong vai trò “số 9 ảo” thay thế Anh Đức.

Công Phượng đã chứng minh được giá trị của mình tại Asian Cup 2019 trước đại gia Nhật Bản.

Gặp đối thủ được tổ chức tốt như Nhật Bản, mẫu cầu thủ khó lường và sáng tạo như Công Phượng có thể trở thành vũ khí để HLV Park Hang-seo tạo ra các phương án tấn công hiệu quả.

Chờ đợi gì ở Công Phượng?

HLV Park Hang-seo trung thành với công thức tấn công 5-4-1 suốt 3 trận đầu tiên ở vòng loại thứ ba. Hoàng Đức – Tuấn Anh – Văn Đức – Quang Hải được bố trí đá ở hàng tiền vệ, phía sau trung phong Tiến Linh.

Dù vậy, khi nhiều cầu thủ được tin dùng như Văn Đức, Tuấn Anh chơi thiếu hiệu quả, HLV Park Hang-seo đã thay đổi. Trong trận gặp Oman, Công Phượng được tin dùng. Cầu thủ của HAGL đã ở rất gần bàn thắng với cú sút dội cột dọc ở hiệp 2.

Thi đấu ở vai trò mới đã phát huy tối đa tiềm năng của tiền đạo gốc Nghệ An.

Trong màu áo HAGL ở V-League 2021, Công Phượng đang tiến bộ khi được chơi ở vị trí tiền vệ tổ chức. Anh được HLV Kiatisak Senamuang rèn dứt điểm bằng chân không thuận cùng kỹ năng quan sát, đọc tình huống và xử lý tối giản.

Một Công Phượng gọn gàng trong xử lý kỹ thuật, không còn ham rê bóng đang được thành hình. Màn trình diễn tròn vai trước Oman là lời đảm bảo để cầu thủ này tiếp tục được tin dùng trong trận gặp Nhật Bản.

Cách đây 2 năm, Công Phượng đã chơi rất tốt khi chơi “tiền đạo ảo”, với nhiệm vụ khuấy đảo hàng thủ Nhật Bản. Kịch bản trên có thể được tái hiện, khi Công Phượng đã tích lũy thêm kinh nghiệm, có thời gian thẩm thấu chiến thuật của HLV Park Hang-seo, đồng thời thi đấu với tinh thần thoải mái?

Nếu tuyển Việt Nam dự vòng loại cuối với tâm thế học hỏi, Nhật Bản đang chịu áp lực phải thắng. Độ lệch về cán cân tâm lý có thể giúp Công Phượng và đồng đội thu hẹp đáng kể cách biệt trình độ với đối thủ trong cuộc đối đầu này.

7 năm sau lần gặp đầu tiên, Công Phượng sẽ có bàn thắng vào lưới Nhật Bản để quên đi nỗi ám ảnh quá khứ? Người hâm mộ Việt Nam đang rất chờ đợi điều đó.

Cùng đồng hành và cổ vũ cho Đội tuyển Việt Nam trong trận đấu với Đội tuyển Nhật Bản tại Vòng loại thứ ba World Cup 2022 – AFC Asian Qualifiers Road to Qatar – trong buổi bình luận và tường thuật trực tiếp vào 18h ngày 11/11  trên các nền tảng FPT Play phát triển, bao gồm hệ thống FPT Play Box, website FPT Play, ứng dụng FPT Play, và các nền tảng mạng xã hội như YouTube FPT Bóng Đá Việt, Facebook FPT Play.

Song song với đó, khán giả vẫn có thể theo dõi trận đấu trên các kênh sóng truyền hình. Herbalife – Nhà tài trợ chính thức cho các đội tuyển bóng đá Việt Nam – hân hạnh là Nhà tài trợ phát sóng các trận đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam trong khuôn khổ Vòng loại thứ 3 World Cup – Khu vực châu Á trên các kênh VTV5 và VTV6.

Bongda24h

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

17,207Thành viênThích
5,553Người theo dõiTheo dõi
540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img