Tiếp nối chuỗi chương trình FPT Career Booming, vừa qua, Ban nhân sự FTEL đã phối hợp cùng trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức buổi Talkshow online với chủ đề: “Chinh phục nhà tuyển dụng – Đột phá trong trạng thái mới”.
Buổi Talkshow được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận, giao lưu học hỏi kiến thức, kỹ năng thực tiễn từ doanh nghiệp cũng như giúp các bạn hiểu rõ hơn về lĩnh vực ngành nghề, cơ hội nghề nghiệp và những vấn đề liên quan đến hành trang vào nghề của sinh viên.
Chương trình diễn ra dưới sự dẫn dắt của chị Võ Thị Kim Hồng (Trưởng phòng Tuyển dụng và Phát triển Nguồn nhân lực – Ban Nhân sự), chị Đinh Ngọc Hường (Giảng viên nội bộ – Trung tâm Đào tạo FTC) và anh Nguyễn Hoàng Chu Du (PGĐ Trung tâm Kinh doanh phân phối miền Nam) đã thu hút gần 300 sinh viên khoa QTKD trường Đại học Tôn Đức Thắng tham gia.
Về phía nhà trường, thầy Tăng Khắc Quý (Trưởng ban hợp tác doanh nghiệp – Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp và Cựu sinh viên) cùng các thầy cô giảng viên nội bộ chuyên ngành Quản trị nguồn nhân lực của trường.
Thầy Võ Thế Sinh đại diện nhà trường chia sẻ: “Đây là một hoạt động khẳng định sự gắn bó thân thiết giữa FPT Telecom và nhà trường, cũng là cơ hội để các bạn sinh viên mở rộng vốn hiểu biết chuyên ngành về sự đổi mới trong hoạt động nhân sự, thích nghi với bối cảnh hiện nay. Đồng thời học hỏi kinh nghiệm phỏng vấn, ứng xử, giao tiếp thành công nơi công sở.”
Mở đầu chương trình, chị Đinh Ngọc Hường đã chia sẻ về bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng thông qua những thông điệp hình ảnh và video clip. Những kiến thức mà chị Hường mang đến góp phần giúp các bạn sinh viên có thể tự rèn luyện bản thân.
Đồng thời, anh Du cũng bật mí, anh rất thích các bạn sinh viên dù các bạn không có kinh nghiệm nhưng có thể đào tạo. Các bạn cần chuẩn bị thật kỹ từ CV đến cách ăn mặc, đi đứng và bắt tay. Ngoài ra, phải tự tin, chú ý câu hỏi, trả lời đúng trọng tâm xúc tích và ngắn gọn, đặc biệt là không được nói dối. Một điểm cộng vô cùng lớn là khi các bạn tìm hiểu về công việc và công ty trước khi đến tham gia phỏng vấn, đặt câu hỏi cho nhà phỏng vấn cùng với gửi thư cảm ơn qua Email.
Buổi Talkshow ghi nhận rất nhiều thắc mắc từ các bạn sinh viên. Trong đó, bạn Bảo Yến đã đặt câu hỏi: “Một số bạn có tính cách rụt rè vì vậy ít tham gia các hoạt động tại trường. Vậy khi tham gia tuyển dụng, có phải nhà tuyển dụng nhắm vào những thành tích cá nhân trong quá khứ để đánh giá một bạn sinh viên hay không? và liệu rằng các bạn này có mất đi nhiều lợi thế không?”
Giải đáp về vấn đề này, chị Hồng chia sẻ, đây là phương pháp phỏng vấn hành vi của nhà tuyển dụng nhằm đánh giá và tìm ra được những ứng viên có tinh thần đoàn hội, đoàn thể cao, trách nhiệm gia đình cũng như trách nhiệm với chính bản thân mình. Vì vậy, đây sẽ là một bất lợi lớn đối với những bạn sinh viên đang rụt rè, thiếu tự tin.
Đồng quan điểm với chị Hồng, chị Hường nhấn mạnh: “Các bạn sinh viên cần phải xác định mục tiêu tương lai của mình từ đó hành động để thực hiện và hoàn thành mục tiêu đề ra của mình. Đồng thời, phải biết tạo động lực cho chính bản thân mình và tham gia nhiều hơn các chương trình của nhà trường lẫn ngoài xã hội. Điều này sẽ giúp các bạn tự tin và hoạt bát hơn trong cuộc sống của mình”.
Vậy nếu như 1 bạn sinh viên không tham gia các hoạt động đoàn hội, tập thể nhưng lại có năng lực làm việc, động lực và hoàn thành tốt công việc được giao thì như thế nào?
Với kinh nghiệm lâu năm trong tuyển dụng nhân sự, chị Hồng giải đáp, một số vị trí sẽ có những yêu cầu khác nhau. Vì vậy nếu bạn nhận thấy mình thiếu kỹ năng tham gia đoàn hội thì hãy sửa đổi bản thân mình ngay. Các bạn sinh viên có thể vào các trang mạng tuyển dụng lớn tại VN như TopCV, CareerBuilder,… đọc xem những vị trí mình mong muốn thì yêu cầu những kiến thức, kĩ năng gì? Từ đó, học hỏi, bổ sung thêm nhiều kiến thức, kĩ năng để phù hợp với vị trí mình mong muốn ứng tuyển.
Bên cạnh những vấn đề liên quan đến kinh nghiệm, một vấn đề các bạn sinh viên quan tâm đó là cách thức trình bày CV như thế nào để thu hút nhà tuyển dụng.
Theo anh Du, các bạn sinh viên nên đặt tâm vào vị trí mình ứng tuyển và vào CV gửi nhà tuyển dụng, nên làm ít nhất 2 cái CV cho bản thân mình. CV thứ nhất là CV bị động để đưa lên các trang tuyển dụng, bao gồm đầy đủ các kĩ năng của chính mình. CV thứ 2 là CV chủ động đưa đầy đủ những thông tin mà nhà tuyển dụng cụ thể cần để đưa vào CV này. Những CV này cần trình bày ngắn gọn, xúc tích nhưng phải mang đầy đủ ý nghĩa và bôi đậm những điểm quan trọng trong CV để nhà tuyển dụng chú ý.
Cuối chương trình, hướng đến xu thế tuyển dụng online, chị Hồng nhấn mạnh: “Các bạn phải luôn học tập để thích nghi phát triển bản thân, phải sẵn sàng và chuẩn bị thật kỹ càng cho những buổi phỏng vấn online được diễn ra thành công.”
Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, buổi tọa đã diễn ra rất nhiệt tình và sôi nổi, cô Phạm Thị Minh Lý – Trưởng khoa Quản trị kinh doanh đã gửi lời cảm ơn tới các quý diễn giả của FPT Telecom bởi kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng bổ ích mà các anh chị đã đem đến cho các bạn sinh viên. Cô cũng cho biết, đây sẽ là những hành trang quý báu để các bạn sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp ra trường có thể ứng tuyển thành công tại các công ty mình mong muốn.
Bên cạnh đó, Khoa Quản trị kinh doanh của trường cũng ngỏ ý mời ban nhân sự FPT Telecom làm đối tác chiến lược để cả hai bên cùng nhau hợp tác và phát triển trong tương lai.
Huyền Trân – Thượng Khuê