Ngày 15/2/1998, tôi chính thức nhận bàn giao của Dương Thành Nam (Nam dê tê) với một mớ giấy tờ nào Bảng kê cước tháng 1 và 2/1998, Bảng kê công nợ tháng 12/1997 với mấy quyển hóa đơn mua của Bộ Tài chính viết tay, một mớ hợp đồng Internet kẹp file đã ký được theo danh sách tháng 2/1998 là 274 khách hàng.
Tôi nhớ với 274 khách hàng FOX có tổng doanh thu khoảng 70 triệu đồng cước tháng 2/1998. Phần lớn hồi đó khách hàng trả theo lưu lượng, phí hòa mạng cao ngất 495.000, cước thuê bao 45.000 cộng số MB sử dụng nhân đơn giá mới ra tổng tiền.
Tài sản nhận bàn giao có thêm 1.8m2 kho, thêm cái két cơ bé tý tẹo để nằm gọn trong kho. Mỗi tối, khi về nào khóa niêm phong két, khóa niêm phong cửa kho, khóa cửa văn phòng (ba lớp cửa luôn). Vậy mà vẫn lo mất tiền, mất hóa đơn.
Dương Thành Nam (Saleman) bàn giao được đống giấy tờ lộn xộn, cái két cơ để thoát khỏi công việc bị ép buộc mấy tháng, hắn mừng hú.
Tìm cách có được chiếc Két Điện tử
Tình hình làm ăn của FOX liên tục phát triển, tăng trưởng liên tục về số lượng khách hàng và doanh thu:
- Tháng 8/1998: Số lượng khách hàng tăng lên 1106 với doanh thu 081.100 đồng
- Tháng 8/1999: Số lượng khách hàng tăng lên 3.207 với doanh thu 884.334.880 đồng
- Tháng 1/2001: Số lượng khách hàng tăng lên 8.038 với doanh thu 1.676.079.125 đồng
FOX ăn nên làm ra, thu tiền tỷ rồi. Hàng ngày tôi phải mở cái két cơ để trong kho vừa bé vừa tối cứ 3 vòng phải, 2 vòng trái, lại 1 vòng phải, rồi nửa vòng trái không biết bao nhiêu lần, nhiều khi vặn quá đà lại vặn lại, có khi ngồi bệt xuống sàn để vặn cho chuẩn mới mở được két để cất tiền. Cực quá hóa âm mưu.
Chọn một ngày đẹp trời, lựa Đình Anh vui tính, nhìn mặt không gườm gườm tôi đánh bạo đề xuất mua két điện tử cho xứng tầm, với lại có chỗ để nhiều tiền hơn… Không ngờ Đình Anh nhất trí ngay: “Bác chọn mẫu đi”.
Vậy là tôi đi lượn các phố cùng PhươngHT để lấy mẫu mang về cho Đình Anh chọn, tư tưởng có két điện tử là sướng rồi nên chỉ lấy các mẫu kích thước vừa phải, giá không quá đắt đưa Đình Anh xem. Ngắm nghía một hồi, Đinh Anh phán: “Bé thế, không đẹp lắm nhỉ?”, tôi rón rén: “Cho bác mua cái to hơn, đẹp hơn à?”.
Thế là được lời như cởi lấm lòng hai chị em phi thẳng ra Tuệ Tĩnh lấy luôn mẫu con LEECO made in Thái lan về, Đình Anh ưng ý duyệt luôn không quan tâm đến quả giá cũng hơi mắc “gần 4M”. Thực ra, lúc trước đã tăm tia rồi nhưng đắt quá nên không dám mơ ước, sợ không qua được vòng sơ tuyển vì chi phí hành chính dạo đó PhươngHT nói chỉ được có 2 triệu thôi.
Tình cảm của người sử dụng két gần 20 năm
Công nhận két mới lại điện tử thích thật, lại chắc chắn nữa chỉ việc bấm mã là đóng mở két dễ dàng nên tôi để bạn yêu quý ngay dưới gầm bàn làm việc của mình, hồi đó tôi vẫn làm nhân viên giao dịch tại quầy. Hàng ngày, tôi thu rất nhiều tiền từ khách hàng, mở ra đóng vào bao nhiêu lần cũng không thấy ngại nữa.
Đừng tưởng dùng két điện tử mà không gặp trục trặc gì. Một hôm, sáng đến văn phòng tá hỏa gõ mật khẩu, tra chìa khóa xong nhưng cửa két vẫn im lìm. Lạ quá, thử lại lần 2, 3, 4… vẫn im re. Mọi người đều khẳng định tôi gõ sai mật khẩu. Cuối cùng, PhươngHT phải gọi ra cửa hàng yêu cầu phải cho thợ vào chữa. Hý hoáy một hồi mở vẫn không ra, cậu thợ lại gọi về cửa hàng, sau đó hỏi tôi chiếc chìa khóa đặc biệt và quyển hướng dẫn sử dụng. Tôi nói “để cả trong két rồi”.
Thôi xong, cậu thợ phải chạy về cửa hàng lấy dụng cụ đặc chủng để mở két để tôi đổi lại mật khẩu. Tôi bấm lại vẫn không được… sao thế nhỉ? Két có hỏng thế này bao giờ đâu… Đang căng thẳng cậu thợ “A” lên một tiếng xem lại mấy cục pin, hóa ra phát hiện ra “pin chết, hết pin”. Từ đó, cứ thấy đóng mở két không ngon là tôi thay pin lập tức két hết bệnh.
Sự cố thứ hai gắn với chiếc két, chiều muộn vừa hết khách, vừa giao tiền cho nhân viên chuyển tiền lên HO xong vội vàng rút chìa khóa két cất vào túi yên chí đi về. Sáng hôm sau tôi đến thản nhiên ngồi bào bàn làm việc, đụng chân vào thấy cửa két bung ra. Hết hồn, sao két lại mở nhỉ? Chìa khóa két chưa lấy ra vẫn đang nằm trong túi. Định thần một lúc nhớ kỹ lại, mình đã rút chia khóa tức là khóa két rồi chứ nhỉ? Tư duy kèm hành động lấy chìa khóa ra thử.
Chết bỏ ***, chìa này không cần cửa đóng cũng rút được chìa. Phản ứng tự nhiên, sờ tiền ôi vẫn còn nguyên, rất may hôm qua đã chuyển hết tiền bảng kê cuối ngày lên cho quỹ LôcNV rồi chỉ còn lại bó tiền lẻ quẳng vào két. Tất nhiên vẫn phải mang ra đếm đi đếm lại nhiều lần, thấy đủ. Một bài học không bao giờ quên mà phải giữ kín trong lòng mười mấy năm trời giờ mới dám hé lộ vì biết chắc không ai nỡ kỷ luật mình lúc này.
Chiếc két điện tử này đã gắn bó với tôi khoảng 4 năm từ cuối 2001 đến 2005, sau bàn giao cho đội Khánh Hương ở lại 75 Trần Hưng Đạo.
Một kỷ niệm thứ 3 (duyệt đưa thợ ngoài vào phá khóa). Chuyện là em Diệp nhân viên giao dịch quầy giữ két không may đi đường bị giật mất túi xách có cả chìa khóa két trong đó. Em sợ xanh mắt khóc mếu máo. Bên hành chính đã gọi rất nhiều thợ vào, họ nhìn quả két xịn đều lắc đầu từ chối “không thể làm được” trừ phải phá két. Gọi đến thợ thứ 4 hay 5 gì đó cậu này đồng ý làm thử với điều kiện có thể sẽ hóc khóa và hỏng luôn két. Liều với đề nghị này, tôi đồng ý cho làm, vô cùng may mắn sau mấy giờ đồng hồ cậu thợ kiên trì đã cho ra được chiếc chìa khóa mở được két mà không phải phá két.
Sau gần 16 năm gắn bó với CUS, cứ tính mỗi ngày đóng mở trung bình 6 lần (6 lần*365 ngày*16 năm = 35.040 lượt) cho thấy hiệu quả sử dụng quá lớn, lượng tiền ra vào dễ đến hàng nghìn tỷ đồng. Mấy tháng đầu năm nay, két bệnh nặng lúc mở được lúc không mở được. Bạn giữ két nhiều phen thót tim chỉ lo đóng vào được mà không mở được két để lấy tiền ra. Tần suất trái nắng trở trời tăng dần, thấy tình trang nguy kịch khiến các em không dám để tiền vào két nữa sợ két ngất bất thình lình.
Khánh Hương tâm sự: “Chiếc két này đến nay đã qua gần 20 năm sử dụng. Mấy tháng trước chiếc két này đã mắc bệnh rất nặng như phím bấm bị đơ nhiều lúc ấn mật khẩu đúng vẫn không mở được, ổ khóa quá cũ chìa khóa bị mòn tra vào nhiều khi không thể mở cửa được, gọi thợ đến cũng bó tay. Nếu không bị các sự cố quả thực dùng chiếc két này rất thích. Thế nên bọn em rất tiếc phải chia tay chiếc két này ạ”.
Két bệnh và câu chuyện thanh lý Két
Khánh Hương đề xuất mua két mới thay cho con LEECO sau cơn bạo bệnh và nhiều luyến tiếc, nhưng chưa được duyệt vì chưa hoàn tất thủ tục thanh lý.
Chiếc két này rất nặng trọng lượng hơn tạ là cái chắc, mặc dù không sử dụng được nữa nhưng theo quy trình FAF hướng dẫn phải vận chuyển lên kho Trại Gà – Phú Diễn để khi công ty làm thanh lý sẽ được giá cao hơn, theo lời bạn Hồng ở FAF, “Cái này chị nhập vào kho giúp em để bên em khi thanh lý kho thì sẽ tiến hành thanh lý luôn chị nhé. Như vậy nó cũng được giá hơn là mình thanh lý lẻ chị nhé”.
Việc vận chuyển chiếc két này từ tầng 2 Nguyễn Công Trứ xuống mặt đất đã là cả một vấn đề, gọi cửu vạn vào họ hét 200.000, lại thuê xe chuyên dụng chở đến Trại gà chi phí cũng phải 300.000. Người bê, người chuyển lên xe không cẩn thận sụn lưng như chơi. FAD lại tư vấn tiếp người bê xuống huy động mấy cậu công nhân, người chở đi nhờ xe của INF. Giải pháp tiết kiệm chi phí thì nhờ xe của INF nhưng lần nào INF cũng nhiều đồ để chở nên chưa thu xếp được cho chiếc két này đi nhờ lên kho Phú Diễn.
Ôi, sau gần hai tháng bạn két vẫn nằm yên tại Nguyễn Công Trứ, đề nghị mua két mới vẫn nằm trong khoang chờ Tôi đành gọi cho Phó Tổng giám đốc nhờ hỗ trợ lần thứ nhất đã đồng ý ngay, nhưng vẫn không ai giải quyết vẫn nhắc phải mang về nhập kho Cầu Diễn, lại phải gọi cho Sếp lần thứ hai thì Hương kêu oai oái qua điện thoại, rồi phải lệnh qua mail: “Sao phải bê đi đâu cho khổ, thanh lý ngay đi chứ” chủ trương mới được chấp nhận.
Tuy đã được Phó Tổng giám đốc đồng ý cho thanh lý tại chỗ nhưng việc tìm người mua cái két này cũng ko phải dễ. Thực tế, đồng nát họ cũng chỉ mua sắt vụn nhưng cái két nặng như vậy chủ yếu lõi bên trong toàn cát nên họ yêu cầu bên mình phải xử lý đục cát ra thì họ mới mua. Trời đất, ai làm nhiệm vụ phá két để bỏ cát ra đây? Chiếc két để ngoài vướng lối đi lại nên liên lục bị anh Bình chủ nhà giục phải chuyển đi cho rộng chỗ . Cuối cùng, FAD cũng gọi được người mua chiếc ket LEECO cũ với giá 50.000 đồng, không rõ bên mua có kiên trì bê đươc cái két về đến nhà không hay phải bỏ dọc đường? Nghĩ cũng tội nghiệp người mua.
Theo bạn Hà FAD, số tiền thu được 50.000 đồng từ tiền bán két thật chật vật và có ý nghĩa đặc biệt với các chị thuộc Trung tâm Quản lý cước nên đã xin ý kiến tiếp không nộp về Quỹ Công ty mà đem tăng cho Quỹ hỗ trợ Thu cước CUS2 và đã được Lãnh đạo phê duyệt.
Tôi rất ủng hộ việc này. Như vậy, chiếc két điện tử đầu tiên đã có giá trị tinh thần đến phút cuối cùng và mang lại niềm vui nho nhỏ cho những người sử dụng nó trong suốt chặng đường 20 năm cùng FPT Telecom.
Hà nội, ngày 23/09/2016
Tác giả: Chị Nguyễn Thị Dư – Nguyên GĐTT Quản lý Cước