Từ câu chuyện trong cuốn sách “Nhà lãnh đạo không chức danh”, người đứng đầu nhà Viễn thông tin rằng ở FPT Telecom ai cũng có năng lực đặc biệt, chỉ cần mỗi người tập trung làm tốt nhất phần việc của mình thì công ty sẽ phát triển.
Mở đầu cho nhận định của mình, chị Chu Thanh Hà giới thiệu sơ lược về cuốn sách của tác giả Robin Sharma. Xuất thân là người kinh doanh nhưng Blake Davis – nhân vật chính trong câu chuyện lại bất ngờ gặp biến cố khi phải trải qua những cuộc chiến tranh suốt thời gian phục vụ trong quân ngũ. Sau khi giải ngũ, ông làm công việc thủ thư và bắt đầu trải qua khoảng thời gian thất vọng cùng cực khi tái hòa nhập cộng đồng.
Từ hình ảnh bất lực của nhân vật trong cuốn sách, chị Hà cho rằng rất nhiều người trong số chúng ta khi đi làm, ai cũng muốn được làm lãnh đạo nhưng để lại không thể vượt qua rào cản chính mình để tự thay đổi và chứng minh khả năng của bản thân.
Số phận của Blake Davis chỉ thật sự sang trang khi anh tình cờ gặp được một người đàn ông 70 tuổi nhưng luôn tràn đầy năng lượng tích cực, nhiều năm liền là best sale ở một công ty. Chính ông đã đưa Blake đến gặp 4 người thầy để hiểu về 4 bài học thực tế: Không cần phải có chức danh để trở nên một nhà lãnh đạo; Thời kỳ hỗn độn tạo nên các nhà lãnh đạo vĩ đại; Mối quan hệ càng sâu sắc, sự lãnh đạo càng mạnh mẽ; Trước lúc trở nên nhà lãnh đạo vĩ đại, hãy là một con người vĩ đại.
Theo người đứng đầu nhà Viễn thông, nếu như người châu Á thường tỏ ra khiêm tốn, thậm chí là tự ti thì người châu Âu lại cho rằng mỗi người sinh ra vốn dĩ đã là một thiên tài. Điều quan trọng cần làm sao để đánh thức năng lực tiềm ẩn bên trong mỗi con người để họ trở thành những người vĩ đại trong lĩnh vực của mình. Và môi trường làm việc là yếu tố mấu chốt ảnh hưởng đến việc này.
Ngày xưa, nơi làm việc là chỗ để mình tập trung thể hiện bản thân. Còn ngày nay, các bạn trẻ lại quá chú trọng đến vấn đề thu nhập với câu hỏi thường trực “lương em được bao nhiều” và điều kiện công việc chỉ đứng hàng thứ hai.
Chị Hà lấy dẫn chứng về cô gái tên Anna, nhân viên dọn phòng trong khách sạn nổi tiếng ở New York. Cô rất yêu nghề và luôn là nhân viên dọn phòng giỏi nhất, được toàn bộ ban lãnh đạo khách sạn xem như viên ngọc quý trong tay. Thu nhập của Anna tăng cao và đủ khả năng gửi tiền đều đặn về quê nhà ở một đất nước khác. Nữ tướng FPT Telecom cho rằng: Nếu như một nhân viên dành hết tâm huyết vào công việc để chứng tỏ năng lực bản thân một cách tốt nhất thì thu nhập có thể đến sau nhưng đến một lúc nào đó, những gì nhận được sẽ lớn hơn mong đợi của chính mình.
Trong cuộc sống hiện nay, có quá nhiều người đang tự hài lòng với những gì mình đã thể hiện trong công việc nhưng đó chính là suy nghĩ của những “người tầm thường”. Người phi thường phải luôn tự trả lời câu hỏi: “Đâu mới là giới hạn thật sự của bản thân và liệu tôi có thể làm tốt hơn công việc hiện tại hay không?” Những suy nghĩ ấy sẽ luôn giúp chúng ta thực hiện được những việc vượt xa ngoài mong đợi.
Chị Hà lấy dẫn chứng về câu chuyện khi một đội bóng chuẩn bị đối mặt với đối thủ rất mạnh và tất cả các cầu thủ đều suy nghĩ về thất bại. HLV của họ đã quyết định thay đổi suy nghĩ của học trò bằng cách bịt mắt họ lại, sau đó yêu cầu mỗi người cõng trên lưng một người và bước đi. Lúc đầu, các cầu thủ chỉ nghĩ mình đi giỏi lắm là 20m nhưng cứ sau mỗi lời động viên “sắp đến rồi”, họ lại ráng thêm một chút và kết quả khi không còn đủ sức bước thêm thì quãng đường đi được lại dài gấp nhiều lần con số tưởng tượng.
Giống như vậy, mỗi người nhân viên có thể làm được những chuyện quá khá năng của mình, quan trọng họ có muốn hay không. Chị Hà nhắc lại câu chuyện FPT Telecom thực hiện đường trục bắc nam và phải đến từng cơ quan ban ngành của các tỉnh để xin giấy phép thi công, dự định sẽ mất 1 năm nhưng khi bắt tay vào thì chỉ mất 9 tháng.
Khi bắt cáp qua hầm Hải Vân, dài 6,5km với đoạn cáp dài khoảng 8km. Mỗi ngày chỉ có 1 tiếng đồng hồ để thi công và đội thi công dự định sẽ mất khoảng 5 tuần nhưng cuối cùng chúng ta chỉ mất đúng 1 tuần. Hóa ra một tổ chức cũng có thể làm được những việc phi thường mà chúng ta không thể ngờ.
Công ty phải là nơi làm hài hòa tất cả các mối quan hệ và người lãnh đạo cần ý thức làm sao để các thành viên được phát huy tối đa khả năng của mình. Mỗi người làm việc với tâm thế làm chủ, từ TGĐ đến tạp vụ lúc nào làm việc cũng cần mang tinh thần lãnh đạo. FPT Telecom luôn nhắc đến sáng tạo, từ năm 2015 đến nay đã có rất nhiều chương trình như: Xe cải tiến, iKhiến… nhưng chúng ta lại thiên về công nghệ. Trong khi mục đích là mỗi người, mỗi vị trí đều phải sáng tạo trong khuôn khổ của mình. Để làm được điều đó, bản thân từng CBNV đều phải luôn suy nghĩ : “Hôm nay mình có gì mới?”
Chị Hà tâm sự: Trước kia khi chị học đại học, có hình thức thi vấn đáp và thi viết. Bí quyết để lấy điểm cao của chị là khi đi thi phải có chất riêng của mình. Không chỉ nói những điều trong sách vở nhưng luôn đưa vào ý kiến của mình. Chị xem cuộc vấn đáp ấy là dịp để trao đổi, là một cuộc nói chuyện chứ không phải chỉ để lấy điểm.
Giống như vậy, ở FPT Telecom, tất cả chúng ta nếu muốn tạo sự khác biệt thì cần phải nghĩ, phải sáng tạo không ngừng. Cách đây 3 năm có một cuộc “tam đảo” khi TGĐ các công ty thành viên: anh Nguyễn Văn Khoa – TGĐ FPT Telecom, anh Phạm Minh Tuấn – TGĐ FPT IS, anh Hoàng Việt Anh – TGĐ FPT Software hoán đổi vị trí cho nhau, chị Hà băn khoăn làm sao để anh Nguyễn Văn Khoa thoát được “cơ hội” này. Vì từ công ty xây dựng hơn 20 năm, anh phải tiếp nhận một nhà Hệ thống với lợi nhuận chỉ bằng 1/3 của FPT Telecom, nhưng có tới 3.000 nhân lực và mảng công việc khó khăn, phức tạp..
Nhưng ngay hôm sau, chị nhận được tin anh Khoa đã nhận lời với tâm thế “nơi khó nhất chính là cơ hội tốt nhất”. Và kết quả là sau đó tân CEO đã làm thay đổi bộ mặt FPT IS để giúp nhà Hệ thống bắt đầu có lợi nhuận. “Thời thế tạo anh hùng nhưng thái độ tiếp nhận mới là quyết định”, chị Hà rút ra bài học từ câu chuyện của anh Khoa.
Theo nữ tướng nhà Cáo, một người lãnh đạo giỏi là người hòa nhập với nhân viên, để biết nhân viên nghĩ gì. Ngoài ra, lãnh đạo còn phải biết khen ngợi và động viên nhân viên. Khen ngợi và phê bình cũng là cả một nghệ thuật, khi khen ngợi cần khen công khai còn phê bình, lãnh đạo nên gặp riêng để nhân viên không cảm thấy tổn thương khi tiếp nhận ý kiến.
FPT thường xuyên có các hoạt động team building nhằm tạo dựng môi trường đoàn kết, hiểu nhau hơn giữa sếp và nhân viên, nhân viên với nhau để có kết quả kinh doanh tốt hơn. Lãnh đạo cần có khiếu hài hước, biết nuôi dưỡng mối quan hệ với nhân viên và giúp ích cho người khác, nhìn ra vấn đề anh em đang chiến đấu để giúp đỡ. “Không phải chỉ mãi lo kinh doanh mà quên đi việc xây dựng quan hệ với nhân viên”, chị Hà nhận định.
Còn đối với CBNV, mỗi người ở FPT Telecom hãy làm việc như một nhà lãnh đạo. “FPT Telecom ai cũng có năng lực đặc biệt, hãy làm việc tốt nhất của mình thì công ty sẽ phát triển”, chị Hà nhấn mạnh trong buổi Leader Talk.
Trước khi khép lại phần chia sẻ của mình, chị Chu Thanh Hà nhắc lại chia sẻ trong dịp nhà Viễn thông sinh nhật 20 năm: “Ngôi nhà FPT Telecom có vững chãi như ngày hôm nay, ngoài nền móng cơ bản kế thừa từ những nhà sáng lập, còn nhờ vào sự vun đắp của cả đội ngũ đoàn kết, nhiệt huyết và đầy kỷ luật. Chính sự chăm chỉ, coi trọng giá trị công việc, khắt khe với bản thân cho thành công của công ty đã là nền tảng làm nên sức trẻ của FPT Telecom”.