Từ giữa tháng 8/2019, Ban Nhân sự của FTEL đã có thêm một dự án hoàn toàn mới mẻ, lần đầu tiên được áp dụng tại FPT. Đó chính là ứng dụng sinh trắc vân tay vào quá trình tuyển dụng. Người đứng sau hạt nhân lạ lẫm này chính là cái tên mới mẻ không kém, Nguyễn Lê Hoàng, chàng trai trở về từ Pháp với ấp ủ chọn đúng người, đúng vị trí.
Trong buổi báo cáo 1H2019 diễn ra vào ngày 15-16/07/2019, anh Nguyễn Thái Bình, Trưởng ban Nhân sự cho biết trong 6 tháng đầu năm, FTEL giữ vững “tinh thần OKRs” khi tối ưu năng suất lao động với số nhân sự được kiểm soát chặt chẽ, không có sự gia tăng về số lượng. Tính tới tháng 6 nhân sự của FPT Telecom là 8.802 người. Bên cạnh đó là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động tăng 20% so với cùng kỳ.
Nhân viên hạnh phúc, công ty sung túc, bài toán nhân sự luôn là vấn đề được FTEL quan tâm. Câu chuyện lúc này không đơn giản là mối quan hệ trả thù lao tương xứng mà còn là việc giữ chân nhân tài, tạo môi trường để mỗi cá nhân khai phóng tối đa khả năng ở vị trí mình đang đảm nhiệm.
Từ giữa tháng 8/2019, Bộ phận Tuyển dụng của FTEL áp dụng phương pháp sinh trắc vân tay trong quá trình truy tìm ứng viên. Và người đứng sau “thâu tóm” dự án là một gương mặt hoàn toàn mới với người nhà Cáo – anh Nguyễn Lê Hoàng – du học sinh trở về từ Pháp.
Một lần “đi lạc” và cơ duyên cả đời
Nguyễn Lê Hoàng là chàng trai gốc Hà Nội, trước đây theo học trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG HN. Khởi đầu chặng đường sinh viên với khoa tiếng Pháp và ngành Quản lý Kinh tế, Hoàng không nghĩ bản thân sẽ bén duyên cùng Biometric (sinh trắc học). Năm 2013, trong một lần đi lạc “tìm giảng đường”, chàng sinh viên gặp gỡ “người thầy” và cũng là người góp phần thay đổi cuộc đời mình.
Biometric là công nghệ sử dụng những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học riêng của mỗi cá nhân như vân tay, mống mắt, khuôn mặt… để nhận diện. Đây được coi là công cụ xác thực nhân thân hữu hiệu nhất mà người ta sử dụng phổ biến vẫn là nhận dạng vân tay (Sinh trắc học dấu vân tay – Dermatogryphics) bởi đặc tính ổn định và độc nhất của nó và cho đến nay, nhận dạng dấu vân tay vẫn được xem là một trong những phương pháp sinh trắc tin cậy nhất.
Sau một thời gian học tập, nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của trường, chàng trai 9X trở về Việt Nam vào cuối năm 2015 và bắt đầu thí nghiệm tại một công ty tư nhân nhỏ. Từ năm 2013 cho đến nay, Nguyễn Lê Hoàng đã tiến hành nghiên cứu, phân tích trên dưới 1.000.000 mẫu vân tay, thực hiện phân tích cho ra kết quả báo cáo sinh trắc dấu vân tay cho trên dưới 2.000 người ở Việt Nam.
Khởi nghiệp ở Việt Nam không mấy dễ dàng khi mà phải phụ trách nhiều vị trí, từ việc thủ tục giấy tờ đến tìm người đào tạo, nhân sự phù hợp…Nhưng chính điều đó đã giúp anh có thêm kinh nghiệm để kiểm định và rút ra nhiều kết luận cho dự án nghiên cứu của mình.
“Ngày đó (năm 2015 – PV), mẫu thử của tôi khá ít ỏi, chỉ khoảng 20 – 30 người. Tôi ứng dụng sinh trắc học vân tay vào cả 4 quá trình chính với một nhân sự: Tuyển, Dùng, Giữ chân, Đào tạo và Sa thải. Tôi phát hiện ra rằng chọn đúng người, đúng vị trí, chọn cách thức đào tạo/làm việc phù hợp với mỗi cá nhân, chọn phương án từ chối/loại bỏ với nhân sự không phù hợp sẽ giúp bài toàn nhân sự có được lời giải đáp phần nào”, anh Hoàng chia sẻ.
Cánh cửa đầu tiên mở ra kéo theo vô vàn những khám phá mới mẻ. Ở công ty đầu tiên, tỉ lệ tuyển đúng người, chọn đúng chỗ lên tới 85%. “Sau khi làm việc, tôi nhận ra sinh trắc học có tính ứng dụng cao, không chỉ trong nhân sự mà còn đối với những đối tượng còn trẻ như: các bạn sinh viên, học sinh hay đặc biệt là với các em nhỏ mẫu giáo, mầm non…Từ đó, tôi quyết định đi sâu về bộ môn này như một nhà nghiên cứu độc lập”.
Từ năm 2013 cho đến nay, Nguyễn Lê Hoàng đã tiến hành nghiên cứu, phân tích trên dưới 1.000.000 mẫu vân tay, thực hiện phân tích cho ra kết quả báo cáo sinh trắc dấu vân tay cho trên dưới 2.000 người ở Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Chính vì đam mê khám phá thế giới tiềm ẩn bên trong con người đó mà Nguyễn Lê Hoàng thường được gọi với cái tên như “Giáo sư Hoàng”, hay như trong phòng Tuyển dụng của FTEL nơi anh đang làm việc, cả phòng cũng vẫn hay trêu là “Thánh sư”, anh Hoàng cười tâm sự.
Lần “đi lạc” thứ hai và câu chuyện với FTEL
Ít ai biết, khởi đầu của Nguyễn Lê Hoàng tại nhà Viễn thông là vị trí hoàn toàn khác so với công việc anh đang làm. Ban đầu, anh ứng tuyển vị trí chuyên viên Trade Marketing, nhưng chính lần phỏng vấn đó lại giúp anh bén duyên với Ban Nhân sự.
“Trong 1 lần phỏng vấn với anh Nguyễn Anh Đức (PGĐ Trung tâm Marketing – PV) và chị Nguyễn Thị Phương Thảo (Phòng Tuyển dụng – PV), tôi thực hiện sinh trắc vân tay demo. Sau đó, tôi không nghĩ rằng anh Đức chia sẻ lại buổi phỏng vấn này với anh Nguyễn Thái Bình (Trưởng ban Nhân sự – PV). Chính điều đó đã kéo tôi về với FTEL và với FPT”, chàng trai trở về từ Pháp kể lại lần gặp gỡ “định mệnh”.
Trong quá trình nghiên cứu về con người nói chung và lĩnh vực nhân sự ở Châu Á nói riêng, Hoàng cũng nhận thấy tỉ lệ gắn bó của nhân sự ở khu vực các thành phố phát triển có xu hướng ngày càng giảm và tỉ lệ nghịch với tốc độ phát triển của công ty. Các công ty thường tác động bằng tiền bạc hoặc những lời đề nghị hấp dẫn để khuyến khích nhân tài, tuy nhiên khoa học động lực đã chứng minh tiền không phải là tất cả, chúng chỉ đúng trong 1 số trường hợp.
Điều này đúng tuyệt đối trong lý thuyết tạo Động lực cho Nhân sự (nếu xác định được Năng lực và Động cơ của Nhân sự ngay từ khâu Tuyển dụng): Hiệu suất = Năng lực * Động viên (Vật chất/Phi vật chất).
Như vậy, không chỉ riêng FTEL, mà là các doanh nghiệp nói chung; nếu chúng ta có phương pháp xác định được Năng lực Bẩm sinh của ứng viên (hay còn gọi là Tài khoản năng lực của nhân sự) bên cạnh hai yếu tố khác là Môi trường và Rèn luyện/Kinh nghiệm như bình thường thì chúng ta sẽ có thêm phần nào cơ sở để gia tăng được Hiệu suất cũng như biết được Nhu cầu của nhân sự đó để tăng Tỉ lệ gắn bó cho nhân sự.
Vậy nếu chúng ta có thể/có quyền chọn nhân sự trong một khoản ngân sách cho phép, chúng ta có thể tối ưu chi phí/thời gian cho nhân sự đó. Ví dụ: để có thể tuyển chọn được một Nhân chăm sóc khách hàng, chúng ta phải đầu tư các khoản như: Chạy sự kiện, đăng tin tuyển dụng, sắp xếp phỏng vấn, thử việc (02 tháng mà vẫn phải trả lương 4tr8/tháng). Vậy, nếu chúng ta có thêm 1 cơ sở để chọn người, chúng ta có thể tiết kiệm được ít nhất 60 ngày và 2 tháng lương. Tương tự, nếu chúng ta có 1 cơ sở để chọn cách đào tạo/huấn luyện hoặc tìm ra được Nhu cầu của nhân sự; chúng ta sẽ chọn được phương án Động viên để gia tăng Hiệu suất, cũng như gia tăng tỉ lệ gắn bó của nhân sự ấy tốt hơn…
Chia sẻ về dự định tại FTEL, Nguyễn Lê Hoàng cho biết bản thân muốn ứng dụng phương pháp sinh trắc vân tay tại đây trước, xa hơn là cho cả tập đoàn. “Chúng ta sẽ luôn loay hoay trong việc tìm kiếm câu trả lời mình là ai, mình làm điều đó có tốt không. Tôi cho rằng bản thân nếu biết một trong những khả năng nào đó của bản thân thì đừng ngại ngần mà hãy thử”, anh Hoàng tâm sự.
Điều này anh rút ra từ chính kinh nghiệm của bản thân khi mà lần đầu tiên hồi hộp xem kết quả sinh trắc vân tay của mình. Báo cáo kết quả cho thấy nhiều điểm đối nghịch với hiện tại mà anh đang làm. Nhưng nó cũng đã đưa ra nhiều gợi mở về khả năng mà cá nhân anh chưa tận dụng. Chính điều đó đã thôi thúc chàng trai 9X thử làm những điều mới mẻ hơn, dù là nhỏ nhặt như chuyện ca hát, hay lớn hơn là kinh doanh.“Không thể bắt cá thi trèo cây với khỉ và bắt khỉ bơi thi với cá và gọi đó là một cuộc thi đấu công bằng được. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, anh Hoàng khẳng định một lần nữa.