Hôm nay (2/2), CEO FPT Nguyễn Văn Khoa đã ban hành chỉ thị số 02 về công tác giám sát, phòng chống dịch trong phạm vi tập đoàn và các công ty thành viên (CTTV) trực thuộc.
Theo đó, mỗi văn phòng FPT đều phải tiến hành khử khuẩn bằng cách vệ sinh toàn bộ khu vực công cộng theo định kỳ 1 lần/tuần. Các thiết bị, vật dụng thường xuyên tiếp xúc với tay người như: nút ấn thang máy, buồng thang máy, bàn phím vi tính, tay nắm cửa, lan can thang bộ, nút ấn bồn cầu, tay nắm bồn rửa sẽ được vệ sinh nhiều lần trong ngày… Tập đoàn và các CTTV tiến hành phun khử trùng toàn bộ tòa nhà và xung quanh tòa nhà (sử dụng hóa chất Cloramin B), duy trì 1 lần/tuần vào cuối tuần.
Mỗi tòa nhà trực thuộc FPT đều cần trang bị dung dịch sát khuẩn tay nhanh kèm hướng dẫn tại trước cửa ra vào tầng trệt, trước cửa thang máy mỗi tầng tòa nhà và quầy lễ tân các tầng.
Chỉ thị cũng khuyến khích CBNV FPT và học viên thuộc Tổ chức Giáo dục FPT thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng như: súc miệng bằng nước sát khuẩn và các dung dịch sát khuẩn mũi họng khác. Bên cạnh đó, CEO FPT cũng đề nghị toàn thể CBNV FPT và học viên Tổ chức Giáo dục FPT dùng khẩu trang 3 lớp hoặc tương đương khi làm việc tại các văn phòng FPT ở các địa phương có dịch (theo công bố của Bộ Y tế) hoặc nơi đông người.
Các nhà thầu làm việc trực tiếp tại các văn phòng của FPT gồm: Ban quản lý, bảo vệ, vệ sinh, chăm sóc cây xanh, diệt côn trùng, sửa chữa cải tạo… được yêu cầu dùng khẩu trang khi di chuyển, làm việc. Đối với khách hàng đến làm việc tại văn phòng, CBNV làm việc trực tiếp chịu trách nhiệm khuyến cáo khách hàng đeo khẩu trang y tế lúc di chuyển và làm việc tại văn phòng FPT.
Tính đến ngày 2/2, Việt Nam đã xuất hiện 7 trường hợp nhiễm virus Corona. Ảnh: Reuters.
Cùng với đó, Chánh văn phòng FPT phối hợp với ngành dọc Hành chính tại các CTTV FPT chuẩn bị sẵn một khu vực cách ly tại văn phòng làm việc, đồng thời đảm bảo đầy đủ dung dịch sát khuẩn tại các văn phòng.
FPT sẽ tạm ngừng hoặc hạn chế tối đa việc tập trung họp trực tiếp, tổ chức các sự kiện, lễ hội đông người, khuyến khích họp trực tuyến. Tạm ngừng hoặc hạn chế tối đa các chuyến công tác của CBNV đến Trung Quốc và các nước đang nằm trong trung tâm dịch, các khu vực nghi ngờ có dịch.
Đối với CBNV đi công tác, du lịch từ Trung Quốc hoặc các tỉnh, thành phố có dịch ở các quốc gia cần làm việc tại nhà 14 ngày trước khi quay trở lại văn phòng FPT. Các khách hàng đến từ khu vực có dịch chỉ gặp trực tiếp tại văn phòng FPT nếu bắt buộc.
Trường hợp CBNV FPT tiếp xúc với người bệnh có virus Corona được yêu cầu làm việc tại nhà 14 ngày và phải đi khám tại bệnh viện khi có dấu hiệu sốt hoặc khó thở. Trường hợp cán bộ đó có mặt tại văn phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh, bộ phận Hành chính tại các CTTV phải khử trùng văn phòng ngay lập tức; theo dõi chặt chẽ CBNV làm việc cùng cá nhân này để xử lý nếu có các triệu chứng nghi nhiễm bệnh.
CBNV, học viên Tổ chức Giáo dục FPT nghi ngờ nhiễm bệnh cần tới cơ sở y tế để khám và xét nghiệm, chữa trị. Các cá nhân này phải đưa ra được các giấy tờ của bệnh viện chứng minh bản thân không bị nhiễm virus nCoV trước khi quay trở lại làm việc, học tập tại văn phòng FPT,… CBNV đang ở trong vùng trọng điểm của dịch cần làm việc tại nhà, hạn chế tối đa việc di chuyển và tuyệt đối không đến các văn phòng FPT cho đến khi khu vực đó được cơ quan chức năng tuyên bố đã đủ an toàn.
Đối với tình huống xác định có trường hợp mắc bệnh tại FPT và tình huống dịch lây lan rộng tại FPT, Đội phản ứng nhanh phòng chống dịch nCoV của FPT phối hợp với ngành Y tế tiến hành các bước để cách ly cá nhân nhiễm bệnh, theo dõi, xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan ra cộng đồng.
CEO Nguyễn Văn Khoa yêu cầu Ban Điều hành Tập đoàn và CTTV chịu trách nhiệm đưa ra thông báo về tình trạng khẩn cấp trong trường hợp dịch lây lân rộng trong toàn FPT, xem xét áp dụng các biện pháp phòng ngừa tối đa trong tình trạng khẩn cấp: đặt biển báo hiệu, trạm gác và hướng dẫn việc đi lại tránh vùng có dịch; yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện và con người trước khi ra khỏi FPT.
CTTV FPT chịu trách nhiệm thiết lập khu vực hạn chế (vùng dịch), lập tức báo ngay với Đội phản ứng nhanh và cơ quan chức năng để đưa ra các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, giám sát điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm những bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính nặng nhập viện nhằm hạn chế tối đa ổ dịch lan rộng trong cộng đồng.
Chỉ thị này có hiệu lực từ ngày 3-14/2. Căn cứ vào diễn biến dịch Corona, Ban Điều hành FPT sẽ có những kịch bản hành động tiếp theo để đảm bảo sức khỏe của CBNV trong tập đoàn.
Vũ Hán là nơi khởi phát dịch viêm phổi cấp do chủng virus mới họ Corona (nCoV) gây ra và đến nay khiến 304 người thiệt mạng cùng hơn 14.000 trường hợp nhiễm bệnh. Giới chức y tế Trung Quốc cho hay khả năng nCoV sẽ lây lan ngày càng mạnh hơn và virus có thể lây cả trong thời gian ủ bệnh.
Các chuyên gia cho rằng, chủng virus corona nCoV ảnh hưởng nhiều nhất đến người cao tuổi và có tiền sử bệnh tật. Gần một nửa số bệnh nhân viêm phổi tử vong tại Vũ Hán có độ tuổi từ 80 trở lên, hầu hết có vấn đề sức khỏe từ trước.
Tính đến ngày 2/2, tại Việt Nam có 7 trường hợp (2 người Trung Quốc, 5 người Việt Nam) nhiễm virus Corona.
Các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Pháp, Nepal, Canada và các vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc gồm Đài Loan, Macau, Hong Kong đã phát hiện các trường hợp nhiễm nCoV và áp dụng các biện pháp sàng lọc hành khách nhập cảnh tại sân bay lớn.
Bộ Y tế Việt Nam đã công bố hai số điện thoại “nóng” thông tin bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV là 0989671115, 0963851919. Bộ khuyến cáo người dân liên hệ đến Cục Y tế dự phòng hoặc cơ quan y tế gần nhất, nếu nghi ngờ viêm phổi hoặc bị viêm phổi.