Thứ Sáu, Tháng Mười Một 22, 2024
spot_img

Cầu Hy Vọng – mảnh ghép tự hào trong hành trình 35 năm FPT

Cầu Hy Vọng số 350 là một cột mốc, đánh dấu cho hành trình xây cầu được nhen nhóm cách đây 5 năm bởi FPT và Quỹ Hy vọng, cũng là mảnh ghép tươi đẹp trong bức tranh nhân dịp FPT tròn 35 năm. Mỗi cây cầu nối nhịp là niềm vui, hân hoan của bà con miền Tây sông nước, cũng là niềm tự hào của người FPT đã cùng nhau góp sức cho cộng đồng.

Trở lại mảnh đất Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ (Cần Thơ) sau 5 năm, con đường dẫn vào huyện nay khang trang hơn nhưng vẫn khoác trên mình dáng vẻ của vùng quê còn nhiều thiếu thốn. Trên chiếc xe 29 chỗ, anh Tuấn, thành viên Đoàn thanh niên TP Cần Thơ, người vẫn gắn bó với FPT trong các dự án xây cầu, say sưa kể với cả đoàn về những chiếc cầu mà FPT đã trao tặng. Có cây cầu vừa khánh thành được một năm, có cây cầu mới đi vào hoạt động 2 tháng…

Sứ mệnh nối những nhịp cầu

Thi thoảng, anh nhắc tài xế cho xe chạy chậm lại một chút. Anh nhoài người ra cửa sổ, chỉ tay về phía xa – nơi một cây cầu Hy Vọng đang được xây gấp rút. “Nếu cứ đúng tiến độ này, bà con sẽ có thêm cây cầu mới kịp để đón Tết”, anh Tuấn cười.

Không khí cả xe rộn ràng hơn với câu chuyện về những cây cầu. Mỗi người góp một chuyện, xôm tụ và ắp tiếng cười. Qua khung cửa xe, chị Trương Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Quỹ Hy vọng, Giám đốc Trách nhiệm xã hội FPT, mải miết ngắm nhìn cầu với sự phấn khởi. Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ nay thay áo mới. 

Đi trên cây cầu mang tên Hy Vọng, chị Thanh, góp vui bằng những câu chuyện về ngày đầu Quỹ Hy vọng đến với nơi đây. Con đường dẫn vào ấp không còn là cây cầu bằng mấy cây sắt tạm bợ. Nay là con đường bê-tông và sự khang trang, chắc chắn. Từ ngày có cầu mới, xe cộ qua lại tấp nập, cả một con xóm cũng trở nên nhộn nhịp. Cạnh cây cầu Hy Vọng mới xây ở Thạnh Mỹ chừng 200m, một quán nước nhỏ mọc lên, rộn ràng khách dừng chân.

Chị kể, ngày đi khởi công cầu Hy Vọng đầu tiên cũng tại Cờ Đỏ, FPT và Quỹ Hy vọng có mỗi mình chị với vài người ở địa phương. Nhưng hôm nay thì khác, FPT rộn ràng với đủ gương mặt, thế hệ, từ lãnh đạo, nhân viên và cả những người FPT đang công tác tại mảnh đất Cần Thơ. Chị lấy đó làm phấn khởi, vì hôm nay mình đã “không còn bơ vơ”.

Cũng 5 năm trước, Quỹ Hy vọng đã lắng nghe nguyện vọng của bà con miền Tây, với ước mong nhỏ bé là có cây cầu bê-tông vững chắc, thay thế cầu tạm. Để hôm nay trở về Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ, chính con đường mà đoàn FPT đi qua cũng bắc nhịp bằng những cây cầu Hy Vọng, như một hành trình nối dài, xuyên suốt.

Vun đắp từ những điều tử tế

Chị Thanh cho hay, cơ duyên như sắp đặt Quỹ Hy vọng cho sứ mệnh xây cầu, khi mỗi chuyến đi về miền Tây đều là những câu chuyện đầy ắp sự tử tế.

Trực tiếp tham gia đội thi công cầu, ông Trần Văn Bên bộc bạch, bà con chỉ biết mong mỏi cầu mới mà không biết phải làm cách nào. Xã nhà thì còn nhiều khó khăn, bà con cũng chỉ có sức chứ không có tiền. Nên khi biết FPT tài trợ xây cầu, bà con hô hào góp công mà trong lòng phấn khởi vô cùng. “Cây cầu được xây rất nhanh vì chúng tôi làm mà không biết mệt, ai nấy đều trông đợi cầu lâu lắm rồi”, ông Bên bày tỏ.

Không chỉ có ông Bên, đội thi công cầu Hy vọng phần nhiều là sự góp sức của bà con nhân dân. Thanh niên trẻ khỏe thì đi xây cầu, các cô các bác thì góp cơm, góp gạo cho đội thợ ăn lấy sức. Mỗi khi có cầu mới, cả xóm nhỏ đều chộn rộn. Có người còn nắm từng nắm cơm, kho nồi cá lóc giữa trưa mang đến chân cầu cho cả đội.

Nhiều nơi, chị em phụ nữ cũng góp sức xây cầu. Ai khỏe thì ra phụ hồ, không thì ở nhà, dậy sớm nấu những nồi nước trà thật thơm, và những bữa cơm thật đầy để mời toán thợ. Nhà nào neo người sẽ dọn mảng sân to cho đội thi công để nhờ vật liệu. Mấy sắp nhỏ quanh ấp, tan học quên cả đi thả diều, đá bóng, chỉ thích đứng vây quanh, háo hức mấy ngày lại tra “sắp xong cầu chưa tía?”. Không khí cứ rộn ràng từ sáng tới tối, như vậy suốt cả tháng liền.

Đã tham gia xây 7 cây cầu Hy Vọng, chú Võ Văn Sĩ, thừa nhận mình không lấy một ngày công nào mà vẫn rất vui và phấn khởi. Không chỉ chú Sĩ, nhiều anh em thợ trong xóm cũng tự nguyện góp sức. Chú tham gia xây cầu Hy Vọng từ những năm 2018, ngay những ngày đầu Quỹ nhà F đến với xã Trung Thạnh. Cũng vì niềm vui mà chú cho hay cầu Hy Vọng luôn được xây rất nhanh, xây chắc chắn mà vẫn tiết kiệm.

“Không có một chiếc cầu nào xây dựng hoành tráng, khang trang mà nhanh như cầu Hy Vọng. Bà con cân đo đong đếm nguồn kinh phí tài trợ để tiết kiệm nhất. Chọn mua vật liệu ở đâu, tập kết chỗ nào cho tiện xây cầu, huy động người dân ra sao, xây dựng thời gian nào… Tất cả được chính bà con bàn tính kỹ lưỡng. Chúng tôi vui vì cầu Hy Vọng xây nhanh, xây tiết kiệm nhưng xây xong luôn đẹp, chắc chắn”, ông Trần Văn Bên tiếp lời.

Quanh xã Thạnh Lộc, Thạnh Mỹ, không ai không biết đến đội thi công cầu của ông Trần Văn Bên. Cứ FPT khởi công xây cầu, đội của ông Bên sẽ phân chia cụ thể việc cho từng người, các chú các bác có tuổi sẽ “chỉ đạo” và “nghiệm thu” từng hạng mục, thanh niên trai tráng trong xã thì trộn bê tông, khuân vác gạch đá. Thế là, đội thi công của ông Bên “nhẵn mặt” với hàng chục cây cầu tại xã Thạnh Lộc và Thạnh Mỹ. Xây cầu mặc kệ nắng mưa, mặc kệ tuổi đã lớn, sức đã không còn nhiều nhưng chính tình yêu dành cho quê nhà, cho con em tại xã mà những thành viên như ông Bên, vẫn quyết theo dự án xây cầu đến cùng. “Khi nào FPT còn tài trợ cho xã, bà con vẫn sẽ góp sức để xây cầu” – một người dân nói lớn trong lúc đoàn FPT cắt băng khởi công cầu Hy Vọng.

Niềm tin với màu áo cam, áo xanh của đoàn xây cầu Hy Vọng

Trên những chuyến xe máy chở người FPT vào điểm cầu vì đường hẹp ô tô không thể di chuyển, dọc đường đi, người dân say sưa kể về những chiếc cầu mới mà FPT đã trao tặng họ mấy năm qua. Mỗi cây cầu là một mẩu chuyện đầy sự tự hào và trân trọng, quý mến dành cho người áo cam.

Từ xa, thấy bóng dáng đoàn áo cam xen lẫn áo xanh, bà con xã Thạnh Lộc đã cười tươi, tay bắt mặt mừng như người thân vừa từ xa về. Bà Mai, người dân địa phương, nắm lấy tay chị Trương Thị Thanh Thanh, phấn khởi hỏi thăm sức khoẻ của “cô Năm Hy vọng” – tên gọi thân thương mà bà con miền Tây thường gọi chị Thanh.

Ông Lê Văn Kiệt, người dân ấp Tân Lập, Tân Thạnh, xã Thạnh Lộc, cho hay khi biết tin có đoàn về xây cầu mới, bà con phấn khởi nhưng vẫn lắm hoài nghi, không rõ có thật hay không? “Từ xa thấy đoàn áo cam, bà con mới vỡ oà chắc chắn là thật rồi. Đoàn xây cầu Hy vọng”, ông nói trong xúc động.

Dù đã đi vào hoạt động từ lâu, cầu Hy vọng vẫn được người dân giữ lấy vẻ tinh tươm, mới mẻ. Hai bên chân cầu, bà con dọn sạch cỏ cây, trồng vài loại hoa để tô thêm màu sắc. Phía lan can, màu sơn vẫn còn rất mới. Cầu sạch sẽ và mới đến mức, đoàn FPT phải hỏi lại dân: “Cầu này chuẩn bị khánh thành ạ?” khiến bà con được phen cười vỡ òa.

Trong lần khánh thành, khi đoàn FPT dừng lại tại một nhà dân, nơi đang tập trung đông đảo bà con trong xã chờ sẵn để gặp gỡ những mạnh thường quân đã tài trợ cho dân xây cầu. Ai nấy đều rạng rỡ, chân chất và thật thà.

Tay bắt mặt mừng khi gặp trực tiếp đoàn, bà con cùng nhau ngồi lại để sẻ chia về những khó khăn mà mình đã trải qua hàng chục năm trời với cây cầu cũ. Chính đoàn thiện nguyện FPT cũng nhiều lần thốt lên ngạc nhiên, khi tận mắt thấy những cây cầu vẫn “xập xệ, rung rinh” mỗi khi xe máy chạy qua. Đó là những cây cầu sắt chạy vừa đúng 1 xe máy, thậm chí có những cây cầu bằng gỗ xuống cấp trầm trọng, vẫn hiển hiện quanh xã Thạnh Lộc, bên cạnh vài chiếc cầu khang trang mà FPT đã cùng Quỹ Hy vọng trao tặng bà con nơi đây.

Từ tấm lòng của bà con nhân dân, FPT và Quỹ Hy vọng như có thêm niềm tin và động lực để nối dài những nhịp cầu. Có những hôm, Quỹ Hy vọng khánh thành liền 7-8 cây cầu trong một ngày. Vừa khánh thành, vừa khởi công song song.

Chị Thanh bày tỏ: “Trong 5 năm triển khai chương trình Nâng bước chân em đến trường, chúng tôi thấy những cây cầu Hy Vọng được nối dài, bởi cầu xây xong thì những con đường cũng dần khang trang, hoàn thiện. Điều này hiện diện ở rất nhiều địa phương. Nếu những con đường được kết nối thêm nữa, thì những cây cầu mà chúng tôi tạo dựng sẽ giá trị nhiều hơn nữa”.

Sau hàng chục năm trời thấp thỏm mỗi khi bước lên cầu, ông Lê Thanh Tứ Hải, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, vui mừng khó tả khi những nhịp cầu liên tục được nối dài. “Ngày FPT về xã trao tặng những cây cầu đầu tiên, bà con đã phấn khởi trong lòng. Và mỗi năm, FPT lại xây mới thêm nhiều cầu khác, trong năm nay đã có 4 cầu được xây mới càng làm ấm lòng dân. Không chỉ tài trợ, FPT còn đồng hành xuyên suốt cùng bà con, nhớ về chúng tôi – một xã còn nhiều thiếu thốn để quay lại, trao tặng thêm những món quà khác, từ vật chất đến tinh thần”, Chủ tịch xã bày tỏ.

“Còn FPT là còn cây cầu, xây trường”

Ngày 19/12, FPT trở lại xã Thạnh Lộc, chung tay cùng người dân kiến tạo nên những nhịp cầu yêu thương. “Xã nói có đoàn tài trợ xây cầu nhưng bà con vẫn không dám chắc chắn khi nào. Đến khi thấy bóng dáng đoàn áo cam với áo xanh (màu áo của FPT và Quỹ Hy vọng), bà con mới thiệt sự tin là sắp có cầu mới cho dân”, ông Bùi Văn Sen cười tươi và nói.

Với dáng vẻ chân chất, thật thà, không chỉ ông Bên cười tít mắt mà bà con cũng xúm lại dạo quanh cầu. “Chúng tôi cảm mến tình cảm mà đoàn FPT đã dành cho bà con nơi đây. Mọi người tài trợ xây cầu, còn đến tận nơi cùng chia sẻ niềm vui khánh thành, chịu thương chịu khó lặn lội vào miền quê xa này để chia sẻ niềm hạnh phúc cùng chúng tôi”, ông Bên tâm sự.

Chiều ngày 19/12, sau một buổi sáng tất bật khánh thành và khởi công cầu, đoàn FPT hào hứng khi chuẩn bị đến với cây cầu mang ý nghĩa đặc biệt – cầu Hy Vọng 350, gắn với con số ý nghĩa 35 năm của Tập đoàn FPT trong năm nay.

Không còn di chuyển bằng xe máy trên đường bộ, thành viên trong đoàn trải nghiệm đường sông. 2 chiếc vỏ lãi chở người áo cam. Hứng khởi là tâm trạng chung của người FPT vì lần đầu trải nghiệm ngồi vỏ lãi tại miền Tây sông nước. Một thành viên nói vui “Y như rước dâu miền Tây hay xem trên mạng” khiến cả đoàn cười rần.

Nắng vẫn gắt lúc 14h nhưng tinh thần của người FPT thì rực cháy và đầy năng lượng. Trên bờ là đường kinh gập ghềnh, một bên là sông, bên kia là đồng trống, xa xa có vài mái nhà của dân. Cây cầu Hy Vọng 350 nằm tít trong vùng xa, khó khăn gấp nhiều lần những chiếc cầu khác mà FPT đã và đang khánh thành.

Cầu Hy Vọng 350 – còn gọi là cầu Xẻo Luông 3, thuộc xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ cũng an vị và khởi công trong không khí hân hoan của dân và thành viên đoàn FPT. Theo chia sẻ từ anh Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc FPT, Cần Thơ luôn là địa phương gắn với những dấu mốc đặc biệt trong dự án xây cầu của FPT, từ cây cầu đầu tiên, cầu thứ 100, 200, 300 và hôm nay là 350 – kỷ niệm 35 năm thành lập FPT.

Dành sự trân quý cho bà con nơi đây, đặc biệt những chú những bác đã dầm mưa dãi nắng xây cầu, anh Khoa bày tỏ: “Chúng tôi chỉ đến khởi công cầu rồi về, các chú mới là người đổ mồ hôi, dành hết tâm huyết cho từng nhịp cầu”.

Cũng trong những chia sẻ với bà con xã Trung Thạnh, anh Khoa đã khẳng khái nói: “FPT sẽ phát triển trường tồn, hoạt động xây cầu cũng sẽ trường tồn cùng Tập đoàn. Còn FPT là còn xây cầu, xây trường. Chúng tôi hướng đến trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, sống là làm việc tử tế, tạo ra giá trị và dấu ấn trên toàn cầu từ sản phẩm, dịch vụ, doanh thu, lợi nhuận đến công tác xã hội”.

Đi cùng Quỹ Hy vọng từ những ngày đầu tiên. Cây cầu Hy Vọng thứ 1 được khởi công tại Cần Thơ và hôm nay là cầu thứ 350, chị Trương Thị Thanh Thanh – Giám đốc Trách nhiệm xã hội Tập đoàn FPT kiêm Chủ tịch Quỹ Hy vọng tâm sự, bản thân chưa từng nghĩ rằng FPT và Quỹ làm được việc này. 35 năm kiến tạo hạnh phúc, cây cầu thứ 350 là mảnh ghép của bức tranh hoàn hảo về người F luôn làm những gì mà mình cho là tử tế nhất trong năm kỷ niệm đặc biệt tuổi 35 này..

Một dự án xã hội, ngoài tính khả thi thì tính bền vững và người thụ hưởng cuối cùng phải là tiêu chí hàng đầu. Vì vậy, cái cầu là bền vững, xây cầu là dự án bền vững. Quỹ Hy vọng ra đời 5 năm và đã 5 năm 3 tháng, FPT xây dựng được 613 cây cầu tại đồng bằng sông Cửu Long. Nhìn lại, đây là điều kỳ tích với chính người F.

“Quỹ có 1 đồng, tất cả mọi người góp thêm dăm ba đồng. Với cách thức này, Quỹ Hy vọng mới tồn tại và mang lại hạnh phúc cho đời. FPT dù giàu có đến mấy nhưng không có người F chung tay sẽ không làm được gì. Quỹ ra đời mang sứ mệnh kết nối những vòng tay yêu thương, làm những điều tử tế cho đời”, chị Thanh Thanh chia sẻ.

Với chị, hàng trăm cây cầu là khát vọng vượt sức nhưng chính người dân địa phương đã giúp người FPT hóa ước mơ thành sự thật. Sức mạnh và niềm tin vào cộng đồng, chung tay của dân và người FPT để tạo sức mạnh tập thể là mục tiêu của Quỹ Hy vọng.

“Đồng bằng sông Cửu Long nước mênh mông. Những mảnh ruộng đều rất cần nước – nước của lòng nhân ái, sự thuận tiện, nước của lòng yêu thương. FPT giao cho Quỹ một cái cuốc. Chúng tôi nguyện làm cây cuốc để khơi dòng nước. Khát vọng năm đó là khơi 1 dòng, tưới dăm ba thửa ruộng nhưng không ngờ đến hôm nay, chúng ta tưới được 10 thửa ruộng và còn hàng nghìn thửa ruộng khác. Chúng ta mơ ước và đã làm được nhưng sẽ không bao giờ đủ”, chị Trương Thanh Thanh bày tỏ.

Hằng năm, người FPT vẫn trích một ngày lương để góp vào Quỹ Hy vọng. Những chuyến đi thiện nguyện, vượt đường xá xôi xa, di chuyển trên những bờ kinh mà bên kia là ruộng mênh mông, bên khác là con sông uốn lượn thì người FPT sẽ hiểu, 1 ngày lương đang ở đâu và người thụ hưởng đang rất hạnh phúc với những đóng góp của người F.

“Những chuyến đi cùng Quỹ sẽ mang lại cho các bạn năng lượng tích cực, tin rằng FPT đã mang đến những điều tử tế nhất cho đời. Tết năm nay, nếu có cơ hội, hãy cùng chúng tôi đi kinh lý cầu. FPT đã xây xong cầu thì chắc chắn, người dân sẽ luôn giữ cầu đẹp và mới như ngày đầu khánh thành. Hãy cùng chúng tôi về miền Tây, cùng người dân sơn cầu chào đón năm mới thêm hạnh phúc”, Chủ tịch Quỹ Hy vọng kêu gọi.

Theo chungta.vn

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

17,207Thành viênThích
5,553Người theo dõiTheo dõi
540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img