Trong hoàn cảnh dịch Covid phức tạp, nhiều người FPT đang cùng bạn đời/người yêu trải qua một thời gian đặc biệt. Người bên nhau cùng vượt khó, người phải xa nửa kia do kẹt dịch hay onsite…
Các cặp đôi không ở bên nhau và hạnh phúc lâu dài vì cuộc sống dễ dàng, mà bởi những thử thách đã giúp họ mạnh mẽ hơn. Giữa thời kỳ khó khăn kéo dài, sự hỗ trợ mà mối quan hệ tình cảm đem lại càng đáng trân trọng chứ ít khi bị bỏ quên như trong cuộc sống đời thường.
Trong hoàn cảnh dịch Covid phức tạp tại các tỉnh thành, nhiều người nhà Cáo đang cùng bạn đời trải qua một thời gian đặc biệt. Người thì cùng nhau ở nhà, trải qua những khó khăn đặc thù mùa dịch; người thì cùng nhau nỗ lực lao động kiếm thêm thu nhập… Duy trì chia sẻ, lắng nghe, giúp đỡ nhau là cách họ giữ gìn và vun vén hạnh phúc đôi lứa.
ĐÈ NHAU RA CẮT TÓC
Đồng Tháp đang thực hiện giãn cách xã hội, các cửa tiệm cắt tóc đều đóng cửa, thế là chị Phan Thị Thuý Hằng tự tay thử tài cắt tóc cho chồng, anh Lê Linh Em, cũng là đồng nghiệp tại FPT Telecom Đồng Tháp.
“Thấy tóc ảnh dài như tóc con gái, tôi sợ con không nhận ra ba. Sẵn có cái tông-đơ của cu Win, tôi hớt tóc cho ảnh luôn. Trước đây đi cắt tóc cùng chồng, thấy thợ làm thế nào tôi làm như vậy. Người ta đo tóc bằng tay, tôi dùng cái tô cho nhanh”, Hằng tếu táo kể.
Hiện anh Linh Em làm việc ở nhà còn chị Hằng đang trong giai đoạn nghỉ thai sản. Ban ngày, anh dành thời gian cho công việc, chị và bà ngoại chăm sóc bé. Buổi tối, anh chăm sóc con để chị nghỉ ngơi. Việc chia ca cũng giúp cho bé gần gũi cả ba và mẹ. Cặp vợ chồng cũng cho biết đã cùng nhau mua đồ dự trữ, sẵn sàng cho 15 ngày chỉ ở trong nhà do địa phương thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 từ ngày 11/7.
CÙNG TẠO THÊM THU NHẬP MÙA DỊCH
Anh Nguyễn Thanh Tân (Trung tâm Quản lý đối tác phía Nam – PNC, FPT Telecom) cùng vợ lại có một trải nghiệm đặc biệt khác khi quyết định về quê một thời gian khi Sài Gòn đóng cửa, làm việc từ xa.
Khu vực nhà ở quê anh Tân mùa này cũng là mùa thu hoạch trái cây. Vợ anh đăng bài lên mạng xã hội và gửi bán chôm chôm, mít, sầu riêng, măng cụt lên TP HCM. Có nguồn mua từ bạn bè, trái cây vườn may mắn được bán hết. “Cả nhà mấy ngày nay tranh thủ sáng sớm 5h hái và vận chuyển đồ lên Sài Gòn. Nhà vừa giải quyết được tồn trái cây, vừa có thêm thu nhập. Út thì chở hàng ra bến xe, cháu thì đóng hàng, vợ thì dán ghi số điện thoại lên thùng, mấy em cháu thu nhập cũng được 200-300 nghìn đồng, dịch bao nhiêu người khó kiếm tiền, nên kiếm được thu nhập ra vô là vui”, anh Tân kể.
Tuy nhiên lúc này Đồng Nai quê anh cũng thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, dù dịch không “căng” như TP HCM. Người dân được yêu cầu không ra đường khi không có nhu cầu cần thiết. Do đó, việc mua đồ ăn khó khăn, vì không có hàng quán bán. “Nhà tôi cũng chỉ ăn rau, trứng, mì, và một ít thịt mua trước đó”.
Trong tuần, thời gian cho công việc chiếm hết, anh Tân hầu như không phụ giúp vợ được việc nhà. Chỉ có chủ nhật được nghỉ, anh phụ chở trái cây ra nhà xe vận chuyển. “Ở nhà đúng là bên vợ con nhiều thật cũng vui, có nhiều thời gian chơi với con hơn, cũng có thời gian tâm sự nhiều hơn. Vợ cũng thấy được cách làm việc từ xa và họp hành liên tục, nên cũng hiểu nhiều hơn cho tính chất công việc của chồng”.