Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
spot_img

Các thành viên mới trong HĐQT FPT Telecom ra mắt ĐHĐCĐ

9h ngày 20/4, Đại hội Đồng Cổ đông thường niên năm 2022 của FPT Telecom khai mạc. Chương trình diễn ra bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Trước khi bắt đầu vào các nội dung chính thức của Đại hội, theo thủ tục, anh Đỗ Xuân Phúc – Thành viên Ban kiểm soát (BKS) – báo cáo kiểm tra tư cách đại biểu trước Đại hội.

Thành phần tham dự ĐHĐCĐ gồm các thành viên HĐQT, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát cùng các đại biểu đang tham dự trực tiếp tại Hội trường và trực tuyến. Anh Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch HĐQT – lên bàn Chủ toạ để chủ trì Đại hội. Đến dự chương trình còn có các thành viên HĐQT gồm: chị Chu Thị Thanh Hà – Ủy viên HĐQT; anh Nguyễn Văn Khoa – Ủy viên HĐQT; chị Lê Ngọc Diệp – Ủy viên HĐQT; các thành viên BKS gồm: anh Đỗ Xuân Phúc; đại biểu đại diện cho cổ đông SCIS: anh Nguyễn Hoàng Quyền – Ban Đầu tư 1; và các thành viên Ban Điều hành Công ty Cổ phần Viễn thông FPT cùng toàn thể cổ đông, đại diện được ủy quyền hợp lệ  của các cổ đông căn cứ danh sách chốt ngày 4/4/2022.

Chủ tịch đoàn đề cử ban thư ký gồm chị Nguyễn Khoa Diệu Hiền. Ban kiểm phiếu của Đại hội gồm chị Trần Thị Thu Hồng, anh Đào Mạnh Toàn (HN), anh Nguyễn Thái Hiệp, anh Nguyễn Xuân Tiến (TP.HCM).

Mục tiêu tăng trưởng kỷ lục

Chủ tịch HĐQT FPT Telecom Hoàng Nam Tiến trình bày Báo cáo của Ban điều hành về hoạt động kinh doanh FPT 2021 và kế hoạch 2022.

Anh Hoàng Nam Tiến cho biết năm 2021 là có giai đoạn đặc biệt với FPT Telecom khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu với những biến chủng mới, cản trở đà phục hồi của kinh tế thế giới. Năm 2022, Covid-19 kéo dài tiếp tục đẩy kinh thế thế giới rơi vào trạng thái khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ năm 1930, kéo tăng trưởng xuống mức -3,1%. Tại Việt Nam, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Song, bất chấp các khó khăn ấy, năm qua, FPT Telecom đã đạt doanh thu 12.686 tỷ đồng, tăng trưởng 10,6% so với cùng kỳ và đạt 99,9% đề ra. Các mảng kinh doanh vẫn giữ được tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.

Trong đó, doanh thu dịch vụ viễn thông cho khách hàng tổ chức tăng trưởng 13,7%; dịch vụ viễn thông cố định cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình tăng 6,8%; dịch vụ truyền hình trả tiền tăng 17,5%. Mảng nội dung số có doanh thu tăng trưởng 1,4%.

Lợi nhuận trước thuế của toàn Công ty đạt 2.395 tỷ đồng, tăng trưởng 15,5% so với cùng kỳ, hoàn thành 100,6% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.916 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 4.926 đồng/cổ phần. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu đạt 18,9%, tiếp tục cải thiện so với năm trước.

Lợi nhuận tăng trưởng tốt nhờ vào việc kiểm soát chi phí hiệu quả và tăng trưởng lợi nhuận từ mảng truyền hình. Tổng tài sản của công ty tính đến hết năm 2021 tăng trưởng 30,9% do công ty đẩy mạnh việc tối ưu tiền mặt và khoản đầu tư tài chính trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Những kết quả này có được là nhờ tập thể Viễn thông FPT nhiệt tình máu lửa, sự quan tâm của các cổ đông và hướng dẫn của tập đoàn SCIC, Tập đoàn FPT, giúp FPT Telecom đã giữ vững tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ấn tượng trong năm 2021.

“Nếu không có dịch Covid-19 và sự tê liệt vì giãn cách xã hội, tôi khẳng định FPT Telecom sẽ làm được tốt hơn. Năm qua, chúng ta đã hợp nhất hai thương hiệu FPT Play và Truyền hình, đang phục vụ hàng triệu Khách hàng trên cả nước. FPT Camera cũng dần chứng minh được thực lực, chinh phục người dùng bằng các gói dịch vụ lưu trữ với nhiều lựa chọn. Smarthome đem lại trải nghiệm đồng nhất và thông minh đi kèm lựa chọn giải trí FPT Play, tạo sự khác biệt với sản phẩm khác trên thị trường. Trong khi đó, giải pháp họp tích hợp thông minh OnMeeting cũng đạt được dấu ấn mạnh mẽ. FPT Telecom hiện có mặt tại 59 tỉnh, thành trên toàn quốc với hơn 55% số lượng quận, huyện đã có hạ tầng”, anh Hoàng Nam Tiến cho biết.

FPT Telecom luôn đồng hành cùng khách hàng trong mọi khó khăn. Trong đợt dịch bùng phát tại các tỉnh miền Nam, công ty liên tục có những chính sách hỗ trợ Khách hàng và hỗ trợ chính quyền. Nhờ nỗ lực trên, Viễn thông FPT tiếp tục gặt hái nhiều giải thưởng lớn năm 2021 như: Giải thưởng “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu về Chất lượng chăm sóc Khách hàng băng thông rộng cố định” năm thứ 3 liên tiếp; danh hiệu Sao Khuê 2021 cho Ví điện tử Foxpay; top 10 Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số với hai sản phẩm tiêu biểu là OnMeeting và Đại hội đồng cổ đông trực tuyến; hai giải thưởng của Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2021 cho FPT Camera; giải Vàng Giải thưởng Kinh doanh Quốc tế IBA Stevie 2021.

Người đứng đầu FPT Telecom nhấn mạnh trong năm 2022, Viễn thông FPT quyết định đặt nhiều mục tiêu thách thức, đặc biệt là doanh thu 14.560 tỷ đồng, tăng trưởng 14,8% so với năm 2021. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế của công ty là 2.812 tỷ đồng, tăng trưởng 17,4%. Với chiến lược Khách hàng là trọng tâm, gia tăng trải nghiệm Khách hàng dựa trên công nghệ, FPT Telecom sẽ tập trung phát triển thuê bao bền vững, đẩy mạnh các sản phẩm mới để Khách hàng có nhiều lựa chọn dịch vụ nâng cao chất lượng hạ tầng, gia tăng chất lượng nguồn lực lao động để duy trì sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận.

Với mục tiêu là doanh nghiệp số 1 Việt Nam về trung tâm dữ liệu, FPT Telecom sẽ đẩy nhanh hoàn thiện Data Center tại quận 7 và Cầu Giây đang bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch bệnh, bên cạnh đó, hai Data Center ở quận 9 và Đà Nẵng sẽ đẩy nhanh quá trình triển khai.

Trong năm 2022, FPT Telecom sẽ triển khai khởi công dự án xây dựng tòa nhà văn phòng FPT Telecom Tower tại KCX Tân Thuận, TP.HCM để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về văn phòng làm việc. Đồng thời, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển để đưa ra các dịch vụ mới.

Về nguồn nhân lực, FPT Telecom sẽ cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và dự kiến đến cuối năm 2022, số lượng nhân sự của công ty đạt khoảng 10.000 người.

“Với sự quyết tâm, tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta sẽ làm được, đưa FPT Telecom trở thành công ty đa nền tảng đứng đầu trên thị trường”, người đứng đầu Viễn thông FPT khẳng định.

Thay đổi, bổ sung về nhân sự điều hành

Bên cạnh những kết quả kinh doanh của năm 2021, Chị Đỗ Thị Hương, Giám đốc Tài chính FPT Telecom, thông qua về quyết định bổ sung điều lệ, ngành nghề kinh doanh và bổ sung người đại diện theo pháp luật.

Sau khi biểu quyết, 100% thông qua kế hoạch kinh doanh 2021 và kế hoạch năm 2022, chính sách trả cổ tức, phúc lợi.

ĐHĐCĐ cũng thông qua việc miễn nhiệm anh Phạm Công Minh – thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 theo đơn từ nhiệm; đề cử anh Nguyễn Hoàng Quyền, chuyên viên Ban Đầu tư 1, TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), là thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023.

Ở Ban Kiểm soát, ĐHĐCĐ thông qua miễn nhiệm anh Nguyễn Lương Tâm – Trưởng Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023, anh Phan Phương Đạt – Thành viên Kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023 theo đơn từ nhiệm; đề cử anh Trần Khương – Ban Kế hoạch Tài chính, Công ty Cổ phần FPT và anh Phạm Xuân Hoàn – Trưởng phòng Pháp chế, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, vào danh sách bầu bổ sung thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023.

Các thành viên mới của HĐQT và Ban Kiểm soát ra mắt ĐHĐCĐ.

HĐQT và các cổ đông cũng thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2022 không thấp hơn 2.000 đồng/cổ phiếu, nhân sự dưn kiến 10.000 người, ngân sách đầu tư các hạ tầng gồm: tuyến cáp quang quốc tế (1.675 tỷ đồng), nâng cấp hạ tầng tại các đô thị (55 tỷ đồng), đầu tư hệ thống mạng (300 tỷ đồng), đầu tư phát triển hạ tầng (450 tỷ đồng), đầu tư hệ thống truyền hình (110 tỷ đồng), mua đài trạm (118 tỷ đồng), ngầm hóa (155 tỷ đồng).

Về phía đại diện SCIC, chị Đỗ Ngọc Diệp đánh giá cao và ghi nhận những kết quả, thành tích kinh doanh ấn tượng, vượt kế hoạch của FPT Telecom. Trong thời gian tới, SCIC kỳ vọng lớn vào và mong các cổ đông tiếp tục đồng hành.

Về phía Tập đoàn FPT, anh Nguyễn Văn Khoa đánh giá các con số cho thấy tốc độ tăng trưởng và hệ thống quản trị của FPT Telecom vững mạnh, giúp công ty vượt khó khăn. Trong năm tới, FPT sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới đóng góp vào chuỗi giá trị của FPT Telecom. “Tôi mong muốn trong thời gian tới FPT Telecom có thêm nhiều chương trình thu hút nguồn nhân lực giỏi, từ nước ngoài để đóng góp vào các lực lượng tiên phong”, người điều hành Tập đoàn FPT chia sẻ.

Chị Chu Thị Thanh Hà nhận định các chỉ số của FPT Telecom rất tốt, hiếm có doanh nghiệp nào trong thời kỳ khó khăn lại duy trì được mức tăng trưởng ấn tượng như vậy. Chị Hà lưu ý Viễn thông FPT cần đẩy nhanh đầu tư hạ tầng cáp quang biển, kết nối quốc tế và Data Center để có sự phát triển bền vững.

Thu Hòa 

Ảnh: Giản Vân – Huyền Trân

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

17,207Thành viênThích
5,553Người theo dõiTheo dõi
540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img