FPT Telecom lập cú đúp khi ý tưởng của đơn vị vượt qua 5 sáng tạo trong chung khảo Giải thưởng Sáng tạo FPT – iKhiến số 6.
“Một kỹ sư muốn truy vấn thông tin hệ thống, trước đây mất 30 phút, nay sẽ có thông số cần tìm trong vòng một vài giây”, Giám đốc Công nghệ FPT – anh Lê Hồng Việt, chia sẻ về tính ưu việt của Botchat của FPT Telecom khi được CEO FPT – anh Bùi Quang Ngọc yêu cầu nhận xét ngắn gọn.
Mỗi ngày có hàng chục sự cố liên quan đến các thiết bị trong hạ tầng FPT Telecom. Tuy nhiên, đội kỹ thuật lại khá bị động khi phải đợi thông tin từ trung tâm monitor báo lỗi để tiến hành sửa chữa và kiểm tra thông tin các thiết bị đã được xử lý. Đội kỹ thuật monitor trực 24/24h nhưng nhân sự mỏng và chưa hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời, khiến anh em kỹ thuật hiện trường gặp khó khăn khi làm việc ngoài giờ hành chính bởi pop đặt tại nhà dân.
Trịnh Minh Tiến và Nguyễn Đình Lãm nhân giải Vàng từ anh Nguyễn Văn Khoa, GĐ FPT HCM kiêm CEO FPT Telecom.
“Mỗi tối bình thường, một kỹ sư phòng Kỹ thuật Hệ thống phải gọi 5-10 cuộc trong ca trực để kiểm tra thông tin. Trung tâm Giám sát vả Đảm bảo dịch vụ (SCC) cũng có người trực nhưng rất có thể cuộc gọi kiểm tra thông tin bị bận bởi sự cố cùng thời điểm”, Lãm ví dụ. Và giải pháp của cậu cùng đồng nghiệp Trịnh Minh Tiến là xây dựng botchat làm trung gian, đáp ứng mọi nhu cầu, từ chi nhánh cho đến các trung tâm vận hành.
Anh Nguyễn Đình Lãm và Trịnh Minh Tiến, phòng Kỹ thuật Hệ thống, Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng FPT Telecom, trăn trở phải xây dựng Botchat tự động kiểm tra thông tin và phản hồi về cho phòng ban liên quan đang xử lý sự cố, nhằm chủ động hỗ trợ và tức thời cho các đơn vị. Ý tưởng tạo Botchat xuất hiện từ cuối năm 2016.
Đến tháng 3/2017, sau khi lựa chọn Telegram để xây dựng, Botchat được hoàn thiện và sử dụng tại các chi nhánh phía nam của FPT Telecom. Botchat được xây trên API của Telegram – ứng dụng chat OTT mở, gọn nhẹ, dễ dàng cài đặt trên điện thoại, máy tính – để kết nối và cung cấp thông tin kiểm tra đến botchat.
Ứng dụng được nối với các hệ thống khác trong FPT Telecom và khi có yêu cầu sẽ “gọi” đến các trung tâm này để lấy thông tin port up hay down; công suất và suy hao cáp, kiểm tra tình trạng nguồn của POP, lỗi liên quan đến IPTV, Internet.
Để nói chuyện với Botchat, kỹ thuật viên phải điền account mail, mã chi nhánh đã được phân quyền trước nhập mã code xác thực do hệ thống gửi nhằm đảm bảo tính bảo mật. Sau khi thực hiện kết nối với Botchat và cung cấp thông tin đầu vào, Botchat tự động phản hồi thông tin cho các đơn vị cần hỗ trợ.
Ưu việt hơn, khi cung cấp địa chỉ IP, Botchat có thể khai thác thông tin bản đồ kết nối thiết bị có trong hạ tầng, phát hiện ra nguyên nhân gây ảnh hưởng dịch vụ của khách hàng. Nhờ Botchat, thời gian để nhận nguyên nhân sự cố giảm từ 10-15 phút xuống còn 1-2 phút. Trung tâm monitor giảm số lượng yêu cầu xử lý tiếp nhận từ 200 yêu cầu/tuần xuống khoảng 15-20%.
Hiện tại sản phẩm đã được ứng dụng nội bộ cho 4 trung tâm khu vực phía Nam với khoảng 45-50 người sử dụng. Dự kiến Botchat sẽ sớm áp dụng cho toàn bộ các chi nhánh FPT Telecom toàn quốc.
Theo PGĐ INF Lê Trung, cặp đôi Đình Lãm – Minh Tiến rất thông minh, tư duy tốt, nắm bắt xu hướng công nghệ và đặc biệt là nhìn ra được ứng dụng ngay vào được công việc hiện tại. “Ý tưởng này có thể mở rộng cho các trung tâm khối kỹ thuật”, anh Trung chia sẻ.
Bên cạnh giải quyết các vấn đề cơ bản của Botchat, PGĐ INF cũng đánh giá rất cao việc số hoá toàn bộ kết nối network access và cách sâu chuỗi, tổ chức, logic hoá các hệ thống rời rạc của FPT Telecom như hệ thống giám sát, hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu của khách hàng, hệ thống quản trị tài nguyên port, cáp mạng, hệ thống cấu hình tự động… để có thể xử lý nhanh chóng các vấn đề phụ thuộc vào các hệ thống này.
"Tôi mong sản phẩm Botchat được ứng dụng rộng rãi và được các chuyên gia công nghệ từ nhiều trung tâm phát triển hơn nữa để ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng công việc cũng như góp phần số hoá, hiện đại hoá hệ thống vận hành công việc hàng ngày của FPT Telecom", anh Lê Trung bày tỏ.
Botchat với bộ đội Nguyễn Đình Lãm và Trịnh Minh Tiến đã giành điểm cao nhất từ Ban giám khảo iKhiến trao giải Vàng số 6 (tháng 9).
Hai giải Bạc số 6 được trao cho anh Đặng Tiến Ngọc, tác giả Tool Longform của VnExpress và anh Nguyễn Thanh Hiếu, ĐH trực tuyến FUNiX, tác giả YouTube Getlink Tool giúp đẩy nhanh quá trình backup các video cần thiết cho giảng dạy tại FUNiX.
Thứ tự từ trái qua, từ trên xuống: Đặng Tiến Ngọc (FPT Online), Nguyễn Thanh Hiếu và Nguyễn Thu Thủy (FPT Education); Phan Phước Nhật (FPT Telecom).
Giải Đồng và Khuyến khích lần lượt thuộc về chương trình Đào tạo nhạc cụ dân tộc (chị Nguyễn Thu Thủy, FPT Education) và Chương trình văn hóa cho cán bộ nằm vùng (anh Phan Phước Nhật, FPT Telecom).
Trước đó, Mở két của Truyền hình FPT đã giành giải Vàng cuộc thi Sáng tạo FPT – iKhiến số 5 (tháng 8). Lần thứ hai liên tiếp giành giải Vàng giúp FPT Telecom vừng vàng vị trí quán quân giải iKhiến với 4 giải cao nhất.
Số TT
Đơn vị
Vàng
Bạc
Đồng
Khuyến khích
Tổng
1
FPT Telecom
4
4
4
1
13
2
FPT IS
1
2
1
4
3
FPT HO
1
1
1
3
4
FPT Retail
2
1
3
5
FPT Software
1
4
3
8
6
FPT Trading
1
1
7
FPT Online
1
1
8
FPT Education
2
1
3
Giải đặc biệt của "iKhiến" – Sáng tạo của năm – có trị giá 70 triệu đồng. Đây là phần thưởng cao nhất tính đến nay dành cho ý tưởng sáng tạo được triển khai thực tế. Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định cũng trao hai giải là Nhân vật sáng tạo của năm (cá nhân có nhiều sáng tạo được áp dụng nhất) và Đơn vị nhiều sáng tạo nhất, cùng trị giá 5 triệu đồng.
Đây là lần đầu tiên FPT tổ chức giải thưởng quy mô lớn dành cho sáng tạo với niềm tin mỗi người nhà F đều chứa đựng những khả năng sáng tạo vô hạn. Cuộc thi dự kiến được triển khai thường niên trong 3 năm (2017-2019), do Ban Truyền thông, Ban Đảm bảo chất lượng FPT và trang tin nội bộ Chungta.vn phối hợp tổ chức.