Ngày 19/11/1997, Việt Nam được hòa vào mạng Internet toàn cầu. Kể từ thời điểm Việt Nam chính thức kết nối với thế giới qua World Wide Web, Internet đã làm thay đổi sâu sắc đời sống sinh hoạt và thói quen của người dân. Với những thế hệ 8X, 9X thời đó, sự xuất hiện của Internet đã mang đến cho họ những trải nghiệm âm nhạc hoàn toàn mới.
Từ chiếc băng đĩa truyền tay…
Nhớ lại thời thanh xuân, anh Tùng John – giọng ca chính trong ban nhạc sinh viên Desire nổi tiếng khắp thủ đô những năm 1990 – vẫn không thể quên “kho báu” anh gìn giữ suốt 30 năm. Đó chính là gia tài băng đĩa nhạc huyền thoại.
“Hồi đó, chúng tôi thường nghe nhạc qua băng đĩa do các anh chị thế hệ lớn hơn hoặc bố mẹ đi nước ngoài mang về. Chúng tôi thường truyền tay nhau những cuốn băng để sao chép, sang ra nhiều bản và không phải lúc nào sản phẩm cũng đạt chất lượng đủ tốt để thưởng thức.
Phần lớn học sinh, sinh viên còn chưa được học tiếng Anh nhiều, nên phần chép lời bài hát cũng là một trở ngại rất lớn. Chúng tôi phải nghe, tua đi tua lại băng rất nhiều lần, đoán từ, và đôi khi là hát bằng “tiếng Anh bồi” phiên âm theo kiểu tiếng Việt”, nam nghệ sĩ chia sẻ.
Còn với anh Trần Hải Dương, rocker sinh năm 1981, đang là PTGĐ Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế, FPT Telecom, những đêm nhạc, dạ hội sinh viên là thời gian vàng để chúng tôi được hòa mình vào không gian thưởng thức nhạc sống tuyệt vời”, anh Dương nói.
… đến đam mê đốt cháy những đêm nhạc hàng vạn người
Trong ký ức của anh Dương, hầu như chương trình nào anh cũng có mặt, tham gia vừa với tư cách người nghe, vừa là người chơi. Bởi chất rock ngấm vào máu, trở thành đam mê, niềm yêu thích muốn chơi nhạc được như các ca sĩ thời đó. Đến những năm 2000, anh Dương và các anh em thành lập ban nhạc.
Anh kể: “Những đêm nhạc thập niên 90 đã hình thành xu hướng nghe nhạc, chơi nhạc của tôi, dòng nhạc mà tôi thích. Đến nay, đã gần 30 năm trôi qua, tôi vẫn gắn liền duy nhất với rock”.
Không có nhiều điều kiện nghe nhạc qua băng đĩa, nhưng cũng vào thời điểm đó, phong trào học đàn guitar nói riêng và học nhạc cụ nói chung lại rất phát triển. Anh Tùng John, anh Dương và thế hệ 8X, 9X tụ tập thành từng nhóm, học đàn và chơi đàn cùng nhau. Và đó là những điểm khởi đầu của các ban nhạc sinh viên, cũng như các buổi dạ hội sinh viên của thập niên 90.
Ngược về ký ức, hai đêm nhạc mà anh Tùng John nhớ nhất cũng chính là hai sự kiện nhiều người nhắc đến nhất trong thời gian này là: Đêm tưởng niệm ngày mất của John Lennon 8/12/1993 được tổ chức tại Trung tâm Phương pháp CLB số 16 Lê Thái Tổ và Đêm hội trại Thanh niên Thủ đô kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1994, được tổ chức tại Công Viên Lê Nin.
Đó là những đêm nhạc đã khiến cho anh được mọi người biết đến nhiều hơn với biệt danh Tùng John. “Trong những đêm nhạc đó, chúng tôi cũng đã được gặp gỡ, giao lưu, biểu diễn với nhiều bạn bè và tạo nên những mối thân tình mà sau này nhiều chục năm sau, chúng tôi vẫn còn gìn giữ. Đó cũng là những kỷ niệm khó quên của một thời thanh niên sôi nổi, ghi dấu ấn mạnh mẽ trong cuộc đời mỗi chúng tôi”, giọng ca sinh năm 1974 nói.
Từ khi có Internet, các phương tiện giải trí, nghe nhạc hỗ trợ những người chơi nhạc rất nhiều. Theo anh Tùng John, “kể từ khi có Internet, cách nghe nhạc và chơi nhạc của chúng tôi bắt đầu có nhiều sự thay đổi. Đầu tiên là phải nói tới sự xuất hiện của MTV tại Việt Nam và chúng tôi lần đầu tiên được “xem thần tượng” chứ không còn chỉ là “nghe thần tượng”.
Những trở ngại về việc tìm lời bài hát, hay tìm kiếm băng đĩa, những bản nhạc gốc… mà tôi nói đến ở trên, nay đã không còn nữa. Chúng tôi dễ dàng tiếp cận đến những nguồn thông tin quốc tế, được cập nhật nhanh chóng hơn với tác phẩm âm nhạc, và có thêm nhiều cơ hội thưởng thức âm nhạc đích thực hơn”.
Sống lại không gian âm nhạc cuồng nhiệt
Sự phát triển của Internet và cuộc sống thay đổi đã định hình lại cách nghe nhạc của người Việt. Và với những thế hệ 8X, 9X, họ vẫn khao khát được sống lại không gian âm nhạc của tuổi thanh xuân.
Với anh Dương, đó là cơ hội để “hồi tưởng lại giai đoạn trưởng thành từ thuở sinh viên, gặp lại các anh, các chị thế hệ gạo cội của Hà Nội khi đó, cùng chơi nhạc với nhau. Đó là niềm vui, khoảnh khắc mà với tôi khó có thể có lại được”.
Đây cũng là điều mà giọng ca Desire kỳ vọng. “Cá nhân tôi mong muốn có thể tổ chức được một chương trình thực sự mang lại một bầu không khí bùng nổ, mang lại thật nhiều cảm xúc cho cả các nghệ sĩ và khán giả tham gia. Mọi người sẽ được đắm chìm trong âm nhạc và những kỷ niệm trong suốt mấy tiếng đồng hồ, lan tỏa được niềm đam mê và năng lượng tích cực cho cả những thế hệ tiếp theo.
Nhiều ca sỹ, thành viên các ban nhạc lứa tuổi 6X, 7X nay đã có thể hệ con cái tiếp nối niềm đam mê âm nhạc. Sự hội ngộ của các ban nhạc lần này có phần tham gia của nhiều thành viên Gen Z, mang lại không khí và năng lượng tươi mới, hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho một bộ phận đông đảo giới trẻ yêu thích phong cách RETRO”.
“Dạ hội Cựu Sinh viên Thủ đô” là chương trình âm nhạc hội ngộ những ca sĩ, ban nhạc là cựu sinh viên của thập niên 90. FPT Telecom đồng hành tổ chức để đưa “tấm vé ngược về thanh xuân” này đến công chúng.
Chương trình được thực hiện một cách quy mô, chuyên nghiệp, được dàn dựng công phu, hoành tráng, chất lượng nghệ thuật cao, nhưng vẫn đảm bảo phong cách Retro, hoài niệm, tạo nên một không gian nghệ thuật đích thực dành cho các khán giả yêu nhạc Thủ đô. Đêm nhạc hội hứa hẹn sẽ là một đêm bùng nổ, không khí âm nhạc náo nhiệt của những năm 90 sẽ được lan tỏa trên khắp mọi miền cả nước không chỉ trên sân khấu mà còn tại kênh livestream của FPT Play, với mục đích kết nối mọi miền cả nước cùng hòa vào không khí hoài niệm đêm nhạc hội tại Thủ đô. Chương trình sẽ diễn ra vào chiều tối ngày 16/04/2022 tại khuôn viên trường ĐH Tổng hợp cũ (nay là ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc Gia Hà Nội) với sự tham gia của nhiều ca sĩ, ban nhạc cựu Sinh viên Thủ đô như: FPT Band, Hoa sữa, Chìa khóa vàng, Bức Tường, Cỏ Dại, The Time, Desire, Những bậc thang, Ngựa hoang, Buratinox-Mutation-The Light, nhóm nhảy Big Toe, CO, ZigZag, MC Thảo Vân… Độc giả có thể tham khảo thêm chương trình tại link: https://bit.ly/3uHx6Ks |