Dạy dỗ con trẻ chưa bao giờ là việc dễ dàng. Không thiếu những cuốn sách về phương pháp dạy con nhưng trên thực tế luôn có một sự “dung sai” bởi mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Như bao phụ huynh khác, những bậc cha mẹ người FTEL cũng có những trăn trở của riêng mình.
Tự đánh giá mình là một người mẹ khá nghiêm khắc, nguyên tắc nhưng chị Trần Thị Ngọc Anh (FAD HN) luôn cố gắng để gần gũi và trở thành một người bạn để các con tin tưởng và chia sẻ mọi vấn đề. Chị cho biết mọi quan điểm về việc dạy con đều được chị áp dụng từ chính thực tế bản thân mình. "Trước kia ở tuổi của con mình như thế nào và bây giờ cố gắng để các con không gặp phải những khó khăn đó. Chủ yếu là đánh giá đúng thực lực của con, không ép con làm những việc con không thích, khuyến khích và động viên kịp thời những đam mê của con", chị Ngọc Anh cho biết.
"Tôi mong rằng khi các con lớn hơn hoặc trưởng thành thì cũng vẫn là người bạn thân của mẹ, sẵn sàng tâm sự, chia sẻ với mẹ mọi điều" – chị Ngọc Anh gửi gắm.
Chị Ngọc Anh cho rằng ở mỗi giai đoạn phát triển của các con đều những khó khăn riêng. Tuy nhiên, chị nhận thấy giai đoạn mà cha mẹ cần tập trung và gần gũi với con nhất là giai đoạn khi con chuẩn bị vào lớp 1. "Thời điểm đó mình phải dành cho bạn ấy gần như cả buổi tối. Cũng chỉ là ngồi bên cạnh con khi con học bài, định hướng cho con đọc sách gì, truyện gì. Hướng dẫn con cách ngồi học, ngồi chơi, cùng con xây dựng những nội quy, bảng điểm để con thực hiện", bà mẹ hai con chia sẻ. Chị Ngọc Anh luôn cảm thấy mình may mắn khi được các con tin tưởng để trò truyện và tâm sự. Trong tương lai, chị mong muốn trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cần thiết để con tự biết bảo vệ mình, và ở trong hoàn cảnh nào, môi trường nào con cũng sẽ là một cô gái chủ động, bản lĩnh và đáng yêu. Cũng bởi thế, không ngạc nhiên khi các con của chị Ngọc Anh bên cạnh việc học văn hóa, còn rất chăm chỉ tham gia và đạt thành tích trong các hoạt động văn thể mỹ như vẽ tranh, chơi cờ vua… để phát triển toàn diện.
"Dạy con phải luôn học hỏi từ chính cuộc sống hàng ngày" – Đó là quan điểm trong việc dạy con của anh Cao Anh Tuấn, trưởng VPGD Kinh Môn, chi nhánh Hải Dương. Theo anh, cách hiệu quả nhất để dạy các bé là người lớn luôn phải làm mẫu, đối xử với các con theo cách mà bạn muốn bé đối xử với người khác. "Cháu nhà tôi rất nghịch và rất hay chạy nhảy. Khi cháu bướng hoặc có lỗi, tôi thường gọi con lại, ngồi nói chuyện và chỉ bảo con những điều đúng sai, nhiều khi trẻ sẽ quên ngay, nên người lớn phải nhắc nhở thường xuyên thì trẻ sẽ rất nghe lời", anh Tuấn chia sẻ.
"Nhiều khi cũng phải dùng đến "thiết quân luật" nhưng không lạm dụng mà nên tìm cách thấu hiểu con nhiều hơn" – Anh Tuấn cho biết.
Anh Tuấn cho rằng nên để các con tự tìm tòi và bộc lộ những năng khiếu của bản thân và cha mẹ sẽ làm nhiệm vụ định hướng cho con theo đúng sở thích và khả năng của bé. Ngoài những lúc công việc bận rộn, anh Tuấn đều dành thời gian cho con như vui chơi, đi du lịch, hoặc để con được trải nghiệm qua các hoạt động ngoại khóa.
Vốn thuộc tuýp người trầm tính và sống tình cảm nhưng mỗi khi nhắc đến con trẻ, anh Nguyễn Văn Lợi, Trung tâm Điều hành Mạng (NOC) luôn hào hứng nói về các con của mình. Anh cho biết vì 2 vợ chồng anh ở riêng với ông bà nên khoảng thời gian khó khăn nhất là khi vợ anh hết ngày phép thai sản; khi ấy 2 vợ chồng anh phải thay phiên nhau chăm các bé cho đến khi có thể gửi nhà trẻ. “Tất cả các giai đoạn phát triển của con, mình đều nhớ hết; từ lúc con biết lật, biết bò, biết đi hay khi cất tiếng gọi “ba” hoặc “mẹ” đầu tiên. Cảm giác rất khó tả và chỉ có những ai đã làm cha mẹ rồi thì mới hiểu được”, anh bồi hồi nhớ lại. Anh cũng cho biết: Bất kỳ cặp đôi nào cũng vậy, một khi đã về chung một mái nhà và nghĩ đến những thành viên tương lai thì phải biết chấp nhận mọi hoàn cảnh, mọi khó khăn trong cuộc sống, phải đương đầu vượt qua vì cuộc sống và hoàn cảnh mỗi người khác nhau.
“Hãy chấp nhận quyết định đã đưa ra” chính là lời chia sẻ của anh Lợi gửi gắm đến những cặp đôi đang yêu và đang có ý định tiến tới hôn nhân. Trong ảnh: Anh Lợi và 2 con của mình là bé Quốc Thịnh và bé Quốc Đạt.
“Đến giờ Nguyên vẫn còn nhớ như in cảm xúc mừng muốn khóc khi lần đầu tiên nghe con gọi tiếng mama, papa. Khi ấy, Nguyên nhận ra rằng mình không còn là một cô gái suốt ngày chỉ mộng mơ hay tự do bay nhảy nữa mà thay vào đó là tinh thần trách nhiệm và tình mẫu tử thiêng liêng cho “của cải” quý giá nhất cuộc đời của mình là bé Tina”, chị Phạm Thảo Nguyên, Cán bộ Hành chính Nhân sự chi nhánh Cà Mau kể lại khoảnh khoắc không thể nào quên được khi được “lên chức”.
Người mẹ trẻ cũng bật mí rằng: “Đối với các mẹ chuẩn bị sinh con đầu lòng nên tìm hiểu các kiến thức về thường thức cũng như chuẩn bị tâm lý thật ổn định để tránh hiện tượng trầm cảm sau sinh rất nguy hiểm”.
Đối với gia đình của anh Vũ Văn Kết và chị Nguyễn Thị Thúy thì vì cả hai anh chị đều cùng công tác tại Openet (FCAM) nên từ nhỏ 2 bé Bơ (4 tuổi) và Moon (9 tháng tuổi) đã được “đi bụi” cùng bố mẹ từ Việt Nam đến tận Campuchia. Theo chị Thúy chia sẻ: Môi trường tại FCAM khá thoải mái nên các bé có thể được tự do phát triển cái tôi, từ đó, anh chị có thể âm thầm quan sát và biết được con mình thích gì, không thích gì,.. “Dù vậy, nhưng vì y tế tại đây (Campuchia – pv) chưa tốt lắm nên mỗi lúc con ốm là những lúc mình cảm thấy lo nhất”, chị cho biết.
Mỗi một người làm cha làm mẹ đều có những cách riêng để dạy dỗ con trẻ và những kỹ năng, thói quen tốt của các bé cũng sẽ được hình thành dần dần qua việc bé lặp đi lặp đi lặp lại chính thói quen, cách sống của cha mẹ mình. Bởi vậy, những việc làm tốt dưới sự định hướng, chỉ bảo của bố mẹ ngay từ thuở bé là vô cùng quan trọng đối với trẻ. Hy vọng, các FTEL Small sẽ trưởng thành, được giáo dục và trải nghiệm, biết yêu thương, chia sẻ và trở thành những công dân tốt, sống có ích cho xã hội.