27/03/2016 – “Làm việc gì cũng có khó khăn riêng. Nếu thích và kiên định, làm đến cùng thì nhất định sẽ gặt hái được thành quả”, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom Chu Thị Thanh Hà chia sẻ trong chương trình “FOX tự hào có tôi”.
Bằng phong thái giản dị, lối nói chuyện cởi mở, dễ gần, chị Chu Thanh Hà đã chia sẻ những câu chuyện về chính cuộc đời mình từ những ngày tháng đầu tiên xây dựng nên FPT Telecom. Qua đó, người nghe thấy được bóng dáng của người phụ nữ có ngoại hình nhỏ bé nhưng trái tim đầy kiên định luôn đồng hành trong suốt chặng đường phát triển của FPT Telecom.
Trong buổi đào tạo dành cho các CBNV mới ký hợp đồng chính thức từ tháng Hai, Trung tâm Đào tạo FPT Telecom (FTC) đã áp dụng hình thức Leader Talk với khách mời là Chủ tịch HĐQT FPT Telecom Chu Thị Thanh Hà. Chương trình diễn ra chiều ngày 26/3 tại phòng Đào tạo, tầng 5, tòa nhà PVI, Hà Nội. Ảnh: Tử Quyên.
Năm 1997, Trung tâm Dịch vụ Trực tuyến (FOX – viết tắt của FPT Online Exchange, tiếng Anh nghĩa là Cáo) được thành lập với 4 thành viên, là tiền thân của FPT Telecom hôm nay. "FOX tự hào có tôi" là khẩu hiệu thể hiện niềm tự hào của FPT Telecom khi được xã hội đánh giá cao, mang lại giá trị to lớn cho cuộc sống. Câu nói đó cũng hàm chứa niềm tự hào khi có các nhân viên đứng trong hàng ngũ, thể hiện sự trân trọng nhân sự", chị Hà chia sẻ với CBNV.
Đến nay, FPT Telecom đã tròn 18 tuổi, là đơn vị nắm giữ hai kỷ lục của FPT: Quản lý số người đông nhất với gần 11.000 nhân viên và có mức lợi nhuận cao nhất tập đoàn. Đơn vị là một trong 4 nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên của Việt Nam, có thương hiệu tốt trên thị trường và lượng khách hàng đông đảo. Năm 2007, đơn vị mở rộng vùng phủ đến Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng… và hiện nay đã có mặt tại 59 tỉnh thành. FPT Telecom cũng đã vươn tới Campuchia và trở thành nhà cung cấp số một về băng thông rộng tại đây. “Thành công đó được xây lên từ hai bàn tay trắng, từ mồ hôi công sức của lớp lớp thế hệ người FPT”, chị Hà nói.
Chị Hà chia sẻ những câu chuyện về chính cuộc đời mình. Ảnh: Tử Quyên.
Quay ngược thời gian, ngày 28/12/1993, cô sinh viên năm cuối Chu Thanh Hà khấp khởi tham gia phỏng vấn vào FPT – công ty lúc ấy chỉ có quy mô khoảng 150 người. Khi được mười mấy anh chị lãnh đạo phỏng vấn về ước mơ, chị mạnh dạn trả lời: “Em muốn làm Giáo sư”. Câu nói ấy đã gây được ấn tượng mạnh với anh Trương Gia Bình và các lãnh đạo khác lúc bấy giờ bởi nó thể hiện khát khao và hoài bão lớn – và FPT đang cần những người như vậy.
"Lúc ấy, tôi chọn FPT vì thấy nơi đây có nhiều người giỏi để học hỏi dù tương lai còn mịt mù và tiền bạc chẳng thấy đâu. Khi có trình độ nhất định thì tiền và vị trí sẽ tự nhiên tới. Vì vậy, khi chọn môi trường làm việc nên đề cao yếu tố học tập", chị Hà trả lời câu hỏi của một nhân viên về lý do đến với FPT.
Thế nhưng khó ai hình dung được công việc của một sinh viên giỏi nhất khoa Kinh tế Du lịch, trường ĐH Kinh tế Quốc dân lúc đó lại chấp nhận vào FPT để đi bán máy tính. Khi ấy, nhìn sang bạn bè cùng trang lứa, ai cũng có lương cao, có vẻ thành đạt còn chị có điểm số xuất sắc nhất lại đi chọn công việc vất vả, chưa rõ tương lai đi về đâu. Nhiều lúc chị thấy nản, trong đầu luôn xuất hiện câu hỏi: “Có nên tiếp tục nữa hay không?”. Nhưng lúc đó chị may mắn có chồng là anh Lê Thế Hùng (Hùng “Râu”) luôn bên cạnh động viên chị bước tiếp. Anh luôn nhắc một từ khóa “kiên định” và nó là bí quyết thành công của chị bây giờ. Nữ tướng FPT cho rằng, làm việc gì cũng có khó khăn riêng, nếu thích và kiên định, làm đến cùng thì nhất định sẽ gặt hái được thành quả.
Suốt ba năm đầu ròng rã, chị lăn lộn trong tổ bán hàng “Xa mẹ” với mức thu nhập phập phù. Trong một năm rưỡi, chị ăn lương cộng tác viên theo doanh số, lúc thì cao bằng lương quản lý, lúc chỉ được 200.000 đồng đủ để mua xăng và ăn trưa.
Những năm 1994-1995, hình thức bán hàng trực tiếp rất mới mẻ. Chị đi gõ cửa từng nhà để mời chào và nhiều lúc bị xua đuổi. “Những lúc đó tôi thấy rất buồn và xấu hổ vì nghĩ mình có ăn học tử tế mà bị đối xử như người bán nước mắm hay bán kem đánh răng dạo. Thế nhưng khi vượt qua được, tôi thấy rất yêu nghề vì bản thân học hỏi được rất nhiều điều quý báu. Vui hơn, dù không bán hàng nữa nhưng có nhiều khách hàng 5 năm sau vẫn nhớ và gọi mình lại để mua máy tính”, chị nhớ lại.
Anh Đặng Xuân Hưng, Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế FPT (FTI), hỏi chị Hà về cách lựa chọn con đường khởi nghiệp. Ảnh: Quang Tú.
Trong ba năm đầu tiên này, chị đã học hỏi và trưởng thành hơn rất nhiều nhờ những kinh nghiệm tích lũy được và cả những kỷ niệm đau thương. Có lần bán máy photocoppy cho khách hàng, máy chạy thử gặp ngay lỗi và chị bị gán là lừa đảo. Lúc ấy, cảm thấy bị tổn thương, chị đã đứng khóc ngon lành trước mặt khách hàng. Nhưng sau đó, khi đã bình tĩnh trở lại, chị đã gọi điện nhờ kỹ thuật giỏi nhất đến xử lý sự cố, hóa ra máy chỉ bị lỏng ốc trong lúc vận chuyển và chị lấy lại được uy tín với khách hàng.
Sau 6 tháng bán hàng lẹt đẹt, 3 tháng sau chị nỗ lực hết mình liên tiếp dẫn đầu với doanh số hơn 20.000 USD và đứng ra xin lập một tổ “Xa mẹ” riêng. Lúc này, không chỉ trau dồi kỹ năng sale mà chị còn phải trang bị kiến thức quản lý. "Nói chuyện đó để thấy, cơ hội trở thành lãnh đạo nhanh hay không là do mình. Thông thường sẽ mất khoảng 3 năm để quản lý một nhóm 10 người, 5 năm để có nhóm 30-50 người, 8 năm sẽ quản lý được trăm người, nghìn người…là điều hoàn toàn có thể. Nó đòi hỏi mỗi người phải rất nỗ lực, sáng tạo, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm", Chủ tịch FPT Telecom nói.
Suốt quãng thời gian đó, chị làm việc rất tận tâm, không chỉ bán hàng mà còn giúp người mua xử lý sự cố phát sinh dù đó không phải việc của mình. Chị thường đi cùng kỹ thuật đến tận nhà khách hàng tham gia vào quá trình cài đặt, sử dụng thử sản phẩm. "Tôi luôn tâm niệm phải cố gắng làm việc tốt hơn mức được yêu cầu, luôn suy nghĩ ngoài làm tốt công việc của mình thì còn có thể làm gì hơn thế nữa? Một nhân viên kinh doanh giỏi phải biết quan tâm đến khách hàng thực sự. Khi ấy chắc chắn sẽ gặt được nhiều trái ngọt bởi khả năng khách hàng giới thiệu người khác dùng sản phẩm rất cao", người đứng đầu FPT Telecom đúc kết.
Sau phần chia sẻ, CBNV được tham gia chơi trò chơi và hát STCo. Ảnh: Quang Tú.
Từ chính câu chuyện của mình, chị Hà đưa ra lời khuyên cho CBNV mới: “Trong ba năm đầu làm việc, các bạn hãy nỗ lực làm tốt nhất nhiệm vụ của mình, không nề hà bất cứ công việc nào sếp giao, cố gắng tham gia, tìm hiểu công việc của các bộ phận khác. Mỗi người cũng nên có một quyển sổ ghi chép lại các mục tiêu, kế hoạch để phấn đấu, đồng thời tích cực học hỏi bởi có hỏi mới vỡ vạc ra nhiều điều”.
Chủ tịch FPT Telecom cũng cho hay, tất cả các lãnh đạo của FPT đều bắt đầu đi lên từ những công việc đơn giản nhưng đòi hỏi sự tận tụy, sáng tạo. Người FPT có câu nói cửa miệng “Cứ máu có lẽ là xong” nên khi bắt tay vào công việc nào cũng thấy rất hào hứng và tinh thần ấy được tiếp nối qua nhiều thế hệ.
“Điều khiến tôi tự hào nhất khi làm việc ở FPT là được làm những gì mình thích. Ngày xưa, bố mẹ tôi phản đối rất nhiều khi thấy con gái làm một công việc quá vất vả, phập phù nhưng tôi lại nghĩ khác, chỉ cần được làm gì mình thích và có thể học hỏi được từ công việc đó là đủ”, chị tâm sự.
Sau hơn một giờ chia sẻ, hơn 80 CBN có mặt không giấu được sự cảm phục trước con đường vươn tới thành công của nữ tướng FPT. "Tôi rất ấn tượng với sự gần gũi, nhiệt tình của chị. Những điều giản dị trong cuộc sống, cách vượt qua khó khăn thách thức trong quá trình khởi nghiệp của chị đã để lại cho tôi nhiều bài học. Tôi tự thấy mình phải cố gắng làm thật tốt công việc của mình, có định hướng và kế hoạch rõ ràng cho tương lai", anh Đặng Xuân Hưng, Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế FPT (FTI), bày tỏ.