Quản lý thời gian, chương trình “Đại sứ FPT Telecom” hay hệ thống tin nhắn OTT tương tác cảnh báo và tra cứu khách hàng là những ý tưởng được Ban tổ chức Sáng tạo FTEL đánh giá cao sau hơn một tháng triển khai chiến dịch.
An Quang Long, FPT Telecom chi nhánh Tuyên Quang, đưa ra ý tưởng “Quản lý thời gian” nhằm nâng cao ý thức và tăng năng suất lao động cho từng cán bộ quản lý cũng như nhân viên.
Cụ thể, phương pháp có thể áp dụng cho một chi nhánh với việc một tháng vẫn làm việc như cũ là được nghỉ 4 ngày nhưng sẽ cho đăng ký chọn ngày nghỉ. Nếu có việc bận sẽ đăng ký dồn ngày nghỉ và làm bù vào những ngày khác, tính lương theo công thức cũ nhưng sẽ nhân với hệ số ngày công thực tế đi làm. Tất cả chấm công theo hình thức quẹt vân tay ngày 4 lần, gồm: Đầu giờ sáng (IN), trước giờ nghỉ trưa (OUT), đầu giờ chiều (IN) và hết giờ chiều (OUT) – tính tròn một công, trưởng các bộ phận sẽ có giải trình nếu có sai lệch.
TGĐ Nguyễn Văn Khoa (thứ tư từ phải qua) và PTGĐ Chu Hùng Thắng (thứ năm từ phải qua), trao phần quà may mắn cho các tác giả/nhóm tác giả tại TP HCM. Với 136 ý tưởng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (RAD) vẫn tiếp tục thống trị bảng xếp hạng tạm thời về số lượng bài dự thi. Tiếp theo là các đơn vị: Trung tâm Đào tạo, Ban Nhân sự, Ban Truyền hình FPT và Ban Đảm bảo Chất lượng. FPT Telecom Bình Phước dẫn đầu các chi nhánh tỉnh về sáng kiến tranh giải. Ảnh: Phan Nhật.
Ý tưởng “Quản lý thời gian” được đánh giá cao khi giúp CBNV ý thức trách nhiệm với công việc mà mình đang gắn bó. Tránh được tình trạng nhân viên ảo, một lúc làm nhiều nơi, ăn bớt thời gian của công ty. Điều này chắc chắn tăng năng suất lao động.
Một ý tưởng được Hội đồng Sáng tạo FPT Telecom khẳng định giúp lan truyền tốt hình ảnh công ty, đó là “Chương trình Đại sứ FPT Telecom” của Trần Hà Thu, Ban Nhân sự. Để thực hiện thành công, FPT Telecom phải tìm kiếm những sinh viên tài năng thuộc các trường đại học, cao đẳng để trở thành người đại diện liên lạc chính thức giữa công ty và nhà trường; người gắn kết các bạn sinh viên – truyền thông và khuấy động các phong trào, hoạt động của FPT Telecom tại đây, gồm: tuyển dụng, khuyến mại, hoạt động phong trào, đoàn thể… Đồng thời, Đại sứ cũng là người hỗ trợ tư vấn và trả lời cho những thắc mắc của sinh viên; góp phần mang hình ảnh FPT Telecom đến gần và thân thiện. Quyền lợi của "Đại sứ FPT Telecom" được tham gia học tập kinh nghiệm, làm việc thực tế tại công ty trong giới hạn ngành nghề chuyên môn và có cơ hội trở thành nhân viên chính thức.
Sinh viên năm 3 và 4 trên cả nước, đang theo học các chuyên ngành chính như: Kinh tế, Nhân sự, Ngoại ngữ, Điện tử viễn thông, CNTT… có kỹ năng hoạt động đoàn, thành tích học tập xuất sắc đều có thể tham gia. Số lượng "Đại sứ FPT Telecom" tại các trường đại học, cao đẳng tùy thuộc vào dự án cũng như quy mô. Tất cả phải lên ý tưởng, xây dựng lộ trình cụ thể để dự trù kinh phí, phương án truyền thông, khâu đào tạo.
Theo đánh giá chung, ý tưởng giúp rút gọn chi phí, đón đầu lớp sinh viên tài năng về làm việc tại công ty. Bởi hiện nay, tầng lớp trẻ có ảnh hưởng và khả năng lan truyền hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ; đối tượng nhiều tiềm năng, họ mong muốn tìm kiếm công việc và cơ hội phát triển bản thân… Tuy nhiên, điều quan ngại nằm ở chỗ ứng viên sau khi trúng tuyển không phát huy được khả năng như công ty kỳ vọng. Do đó, cần đẩy mạnh truyền thông; Gia tăng cơ hội và sàng lọc để đào tạo ứng viên kỹ lưỡng.
Nằm trong nhóm ý tưởng có tính khả thi, Nguyễn Anh Đức, phòng An ninh thông tin, cho rằng, giải pháp “Hệ thống tin nhắn OTT tương tác cảnh báo, tra cứu thông tin” giúp khắc phục được hoàn toàn nhược điểm của các công cụ hiện tại là SMS và e-mail. Nhờ các tính năng ưu việt như sau: Miễn phí, không hạn chế độ dài bản tin; Cho phép người nhận tương tác ngược lại khi gửi lại hệ thống để kiểm tra, tra cứu thông tin sâu hơn, chính xác hơn bằng cách sử dụng hệ thống cú pháp đơn giản; Thông tin được gửi đến cán bộ liên quan tức thời, trong cả việc cảnh báo hay trả lời thông tin tra cứu mà không cần phải có máy tính để sử dụng các hệ thống thông tin nội bộ; Định danh theo số điện thoại, thông tin gửi và đảm bảo bằng các phương thức mã hóa công nghiệp.
Ngoài ra có thêm cơ chế xác thực bằng mật khẩu hoặc Token OTP khi khai thác thông tin quan trọng. Cho phép gửi tin và tương tác theo nhóm. Phục vụ việc hỗ trợ, khắc phục sự cố từ xa. Các đơn vị vận hành như NOC, INF, SOC, TIN/PN… có các đặc thù công việc cần sự phê duyệt của cấp cao hơn, hệ thống hỗ trợ việc gửi lệnh phê duyệt tới cấp quản lý để có thể phê duyệt trực tiếp. Không mất thời gian gửi e-mail, chi phí gọi điện thoại. Hệ thống mở, cho phép thông tin đã có và trong tương lai sử dụng để tương tác.
Cách làm trên sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với phương án sử dụng SMS/e-mail hiện tại. Con số chi phí SMS tham khảo hiện tại 50-70 triệu đồng/tháng, trung bình một năm tiết kiệm được 600-840 triệu đồng. Đặc biệt, Ban Giám đốc và các lãnh đạo đơn vị có thể sử dụng hệ thống để tra cứu nhanh thông tin cần thiết, giảm bớt thời gian cũng như "gián đoạn" công việc cấp dưới.
“Sáng tạo FTEL 2015” là chiến dịch được tổ chức nhằm huy động sự sáng tạo vô hạn từ toàn thể CBNV FTEL, đóng góp cải tiến cho hoạt động kinh doanh, công nghệ.
Cuộc thi tổ chức từ ngày 1/4 đến 31/12 và toàn thể CBNV FPT Telecom trên toàn quốc và các CBNV đang làm việc ở Campuchia sẽ có cơ hội đóng góp ý kiến sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động, cải tiến chất lượng dịch vụ, tối ưu hiệu quả công việc. Các ý kiến được phủ rộng không hạn chế lĩnh vực và phạm vi địa lý. Những ý tưởng sáng tạo xuất sắc sẽ được đánh giá, đưa vào triển khai thí điểm ngay sau khi được lựa chọn.
Chương trình có tổng giá trị giải thưởng lên đến 300 triệu đồng. Trong đó, người đầu tiên gửi sáng kiến sẽ nhận ngay 1 triệu đồng, mỗi tháng có ba giải thưởng với giải cao nhất trị giá 5 triệu đồng. Đặc biệt, khi các sáng kiến được áp dụng vào thực tế và được đánh giá về tính hiệu quả sẽ nhận ngay mức thưởng đến 100 triệu đồng.
Dự kiến ngày 15/5, các ý tưởng của tháng đầu tiên sẽ được Hội đồng giám khảo FPT Telecom đánh giá và trao giải Vàng, Bạc, Đồng của tháng.