“Làm bằng tâm. Làm hết việc, không hết giờ.”. Đó không chỉ là câu nói truyền động lực, mà còn là phương châm sống và làm việc suốt 10 năm qua của anh Lê Phước Anh, kỹ thuật viên triển khai bảo trì tại FPT Telecom Lâm Đồng.
Đi qua giông gió, giữ trọn tận tâm
Bắt đầu công việc tại FPT Telecom từ năm 2015, anh Lê Phước Anh đã đi qua một chặng đường 10 năm đầy nỗ lực, gắn bó và trải qua không ít những thử thách tưởng chừng không thể vượt qua. Với nhiều người, kỹ thuật viên có thể chỉ là một nghề mang tính kỹ thuật thuần túy với công việc lắp đặt, sửa chữa, bảo trì thiết bị. Nhưng với anh, đó là hành trình không ngừng chiến đấu với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, áp lực vô hình và cả những giới hạn của bản thân.
Mỗi ngày làm việc là một ngày “ra trận”. Có hôm, anh đội nắng leo trụ giữa trời hè oi ả 40 độ để nối lại một đoạn cáp bị đứt giữa trưa. Có hôm, mưa lớn dầm dề, anh vẫn miệt mài để khắc phục sự cố cho khách hàng. Có những tuyến dây phải thi công qua những địa hình hiểm trở, phải treo mình trên cao hoặc luồn qua những góc nhỏ tối tăm. Và hơn cả, là cảm giác đối mặt với sự nguy hiểm khi thao tác gần nguồn điện cao thế – nơi mọi sơ suất đều có thể để lại hậu quả khó lường.
Tuy nhiên, thử thách lớn nhất lại không đến từ thời tiết hay độ cao mà đến từ con người. Đó là áp lực về thời gian, về tiến độ, về kỳ vọng và đôi khi là sự bức xúc, căng thẳng từ khách hàng. Làm việc với những người không am hiểu kỹ thuật, đôi khi họ sẽ hiểu nhầm, trách móc, thậm chí nổi nóng. Những lúc đó, anh phải giữ được sự bình tĩnh, nhẫn nại và cả khả năng lắng nghe để không khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Có những ngày mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng anh vẫn cố gắng giữ nụ cười khi gõ cửa nhà khách, bởi anh hiểu: chỉ cần một ánh mắt khó chịu, một thái độ lạnh lùng từ mình, khách hàng sẽ mất đi cảm giác an tâm. “Đó là lý do vì sao mình luôn đặt chữ TÂM lên hàng đầu. Làm nghề này mà không có tâm, sẽ rất dễ buông xuôi. Nhưng khi mình coi từng khách hàng như người thân, mỗi việc mình làm sẽ trở nên nhẹ nhàng và có ý nghĩa hơn rất nhiều”.
Mười năm ấy không chỉ là những bước chân in hằn khắp các con phố, cũng không chỉ là chuỗi ngày lặp đi lặp lại những thao tác kỹ thuật đơn thuần. Đó là dấu ấn của hàng nghìn lần leo lên trụ điện dưới cái nắng như đổ lửa hay giữa những cơn mưa tầm tã, là những vết chai tay, những lần trầy xước, là mồ hôi lẫn trong bụi bặm, là sự tĩnh lặng giữa những giây phút căng thẳng đối mặt với sự cố bất ngờ. Nhưng sâu hơn thế, đó là một hành trình của sự trưởng thành từ trong gian khó – nơi một người thợ kỹ thuật không chỉ học cách xử lý thiết bị, mà còn học cách lắng nghe, nhẫn nại, giữ bình tĩnh trong mọi tình huống. Anh không chỉ làm cho đúng, mà là làm cho tới, không chỉ giải quyết vấn đề, mà còn xoa dịu sự khó chịu nơi khách hàng, đem đến sự hài lòng từ cả những chi tiết nhỏ nhất.
Anh Phước Anh đã dần bước qua những giới hạn của bản thân khi từ một người thợ tay nghề còn non đến một người kỹ thuật viên có thể chủ động xử lý, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp cùng đồng đội để hoàn thành nhiệm vụ một cách trọn vẹn. Anh học cách thấu hiểu tâm lý con người để biết lúc nào cần giải thích, khi nào nên lắng nghe và lúc nào chỉ cần một ánh mắt chân thành cũng đủ để tạo nên sự kết nối.
“Đốn tim” khách hàng bằng sự tử tế
Với anh Phước Anh, kỹ thuật không phải là tất cả. Điều làm nên sự khác biệt chính là cách một người kỹ thuật viên tiếp cận khách hàng bằng sự chân thành và tử tế. Tinh thần “Chất” – “Luôn Vui Tươi” của Nhà Cáo không nằm trong lý thuyết, mà được anh áp dụng từng ngày – từ cách chào hỏi, ứng xử cho đến cách anh xử lý những tình huống nóng một cách điềm tĩnh, khéo léo. “Mình luôn cố gắng để khách hàng cảm thấy mình không chỉ là người sửa mạng, mà như một người thân trong nhà. Nhất là với những khách hàng lớn tuổi, họ cần sự kiên nhẫn, nhẹ nhàng và thái độ lịch sự. Khi có sự cố, chỉ cần mình đến tận nơi, xin lỗi và chia sẻ thành thật, khách hàng sẽ cảm thông rất nhiều”.
Chính sự chân thành ấy đã mang về cho anh những “trái tim” quý giá và có tên trong danh sách top 20 KTV “đốn tim” khách hàng nhiều nhất tháng 6/2025 của FTEL. Khi được hỏi về bí quyết để trở thành kỹ thuật viên nhiều tim, anh chỉ cười và cho biết, trong quá trình tiếp xúc hàng ngày, anh luôn cố gắng đặt mình vào vị trí khách hàng để cảm nhận, để hiểu rằng phía sau một lời phản ánh có thể là sự bối rối, sự lo lắng chứ không hẳn là sự khó chịu. Chính vì vậy, anh luôn lựa chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng, thân thiện và chủ động.
Đôi khi, chỉ là một lời giải thích rõ ràng, một cú điện thoại hướng dẫn lại qua Zalo, hay một thao tác nhỏ như kiểm tra giúp tín hiệu Wi-Fi trong nhà, tư vấn vị trí đặt modem phù hợp… cũng đủ để khách hàng cảm nhận được sự khác biệt trong cách làm việc của anh – một sự tận tụy không cần phô trương. Bởi theo anh, “uy tín” là thứ được xây dựng từ sự kiên nhẫn, sự lắng nghe và những hành động xuất phát từ tấm lòng. Khi khách hàng cảm thấy được tôn trọng và quan tâm thật lòng, họ không những hài lòng, mà còn yêu mến người kỹ thuật viên như một người thân quen trong gia đình. Và đó cũng chính là lúc, những “trái tim” đến một cách tự nhiên nhất.
Có thể thấy, giữa muôn vàn dòng người, muôn vàn công việc, những người kỹ thuật viên như anh Lê Phước Anh chính là hình ảnh đẹp đẽ, thầm lặng mà kiêu hãnh của FPT Telecom – những người ngày ngày giữ cho “mạch sống số” luôn trôi chảy bằng đôi tay cần mẫn và trái tim đầy tận tụy. Chính tinh thần sống tử tế, làm việc có tâm và hành xử đầy nhân văn đã khiến anh trở thành người được khách hàng tin yêu, đồng nghiệp nể trọng. Anh đã chứng minh rằng: người kỹ thuật viên không chỉ sửa chữa thiết bị, họ chữa lành cả những khoảng trống vô hình trong lòng người bằng sự lắng nghe, sự nhẫn nại và một trái tim biết thấu cảm.
Mai Phương