Thứ Sáu, Tháng Mười Một 15, 2024
spot_img

FPT Telecom đồng hành cùng Kỷ nguyên mới của Esports Việt Nam

Ngày 13 và 14/11, sự kiện Techday 2024 đã diễn ra tại Thiskyhall Sala Convention Center, Thủ Đức, TP.HCM, với một chuỗi hoạt động hấp dẫn. Trong đó, FPT Telecom đã mang đến trận showmatch Esports và talkshow “Kỷ nguyên mới cho Esports Việt Nam”. Đây là lần đầu tiên FPT Telecom tổ chức showmatch Esports trong khuôn khổ Techday, thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng game thủ và những người yêu thích công nghệ.

Sự kiện có sự góp mặt của các diễn giả uy tín trong lĩnh vực Esports tại Việt Nam như ông Nguyễn Trần Sơn (Trưởng phòng phát triển Thể thao điện tử – VNG Game), ông Vũ Chí Thành (Hiệu trưởng trường FPT Polytechnic), ông Đỗ Việt Hùng (Chủ tịch Hiệp Hội Thể Thao Điện Tử Việt Nam – Viresa), ông Hoàng Việt Anh (Chủ tịch Công Ty Cổ Phần Viễn Thông FPT), ông Ngô Mạnh Cường (Tổng giám đốc Công ty FPT Online). Tại talkshow, các diễn giả đã chia sẻ về tầm nhìn và định hướng phát triển ngành eSports, đồng thời nhấn mạnh các cơ hội nghề nghiệp cho thế hệ trẻ đam mê lĩnh vực này. 

Chia sẻ về bức tranh toàn cảnh của Esports, Ông Đỗ Việt Hùng (Chủ tịch Hiệp Hội Thể Thao Điện Tử Việt Nam – Viresa) cho biết, Esports Việt Nam đã bắt nhịp khá nhanh với dòng chảy thế giới. Chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội để tăng tốc, đột phá. Đặc biệt, sau 3 kỳ SEA Games và 1 kỳ Asian Games, thể thao điện tử đang nhận được sự đồng thuận, ủng hộ lớn từ xã hội, cơ quan quản lý, tập đoàn, doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, theo ông Hùng, khi cơ hội được mở ra cũng đồng nghĩa rằng sẽ có nhiều thách thức đang chờ phía trước. Thách thức đầu tiên là làm sao đồng bộ sự phát triển của Esports trong nước với khu vực và thế giới. Trong bối cảnh thể thao điện tử thay đổi liên tục về giải thưởng, bộ môn và hình thức thi đấu, việc lựa chọn chiến lược hội nhập quốc tế mà vẫn phù hợp với đặc thù Việt Nam là một vấn đề quan trọng. VIRESA định vị thể thao điện tử là một nghề, và khi đó, quản lý sẽ bao gồm đào tạo, chính sách và phát triển nghề nghiệp cho tuyển thủ chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp.

Thách thức thứ hai là phối hợp nguồn lực trong nước. Mặc dù các doanh nghiệp viễn thông và nhà phát hành game là đối thủ, nhưng trong bức tranh tổng thể, họ phải là đối tác quan trọng, đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy ngành phát triển. Cuối cùng, thách thức thứ ba là xây dựng hệ thống giáo dục và đào tạo Esports bài bản, đảm bảo tính kế thừa và phát triển, phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

Ông Đỗ Việt Hùng (Chủ tịch Hiệp Hội Thể Thao Điện Tử Việt Nam – Viresa)

“Chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau là hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với việc hầu hết nguồn nhân lực trong ngành Esports là “vay mượn”. Tức là chúng ta đang tìm kiếm nguồn lực từ các ngành khác để bổ sung vào, rồi từ đó thông qua trải nghiệm, kinh nghiệm thực tiễn, học hỏi. Nhưng đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp và coi nó là một nghề, thì chúng ta đang thiếu nguồn lực đó” – ông Hùng cho biết.

Ở khía cạnh đào tạo này, ông Vũ Chí Thành (Hiệu trưởng trường FPT Polytechnic) nhận định thêm rằng hiện nay Việt Nam đang có rất ít đơn vị đào tạo về Esports chuyên nghiệp, kể cả về tổ chức lẫn thi đấu. Với mục tiêu đưa thể thao điện tử trở thành một ngành học chính quy trong hệ thống giáo dục, năm 2025, FPT Polytechnic sẽ chính thức đào tạo ngành Công nghệ Esports để giúp cho nguồn nhân lực phát triển chuyên nghiệp.

Ông Vũ Chí Thành (Hiệu trưởng trường FPT Polytechnic)

“Tôi nghĩ rằng giáo dục, đào tạo phải đi song hành với thể thao điện tử, với các doanh nghiệp, nhà tài trợ. Và tôi tin rằng với sự khéo léo của con người Việt Nam, của các bạn trẻ Việt Nam, thì chắc chắn các đội tuyển Esports nếu được đầu tư đúng, sẽ nằm trong top đầu thế giới và cũng là một điểm phát triển kinh tế rất mạnh của Việt Nam” – Ông Thành chia sẻ.

Cũng trong phiên thảo luận, khi đánh giá về tiềm năng của các đội tuyển Esports, ông Hoàng Việt Anh (Chủ tịch Công Ty Cổ Phần Viễn Thông FPT) nhìn nhận rằng Esports là một xu thế, một trào lưu không thể cưỡng lại được. 

Theo ông, Esports là một môn thể thao đòi hỏi một số những điều kiện đặc thù. Trong đó, hạ tầng kết nối, cụ thể là Internet, đóng vai trò then chốt. Nếu không có Internet kết nối tốt, chúng ta không thể có Esports tốt. Và vì thế, FPT sẽ tiên phong trong việc liên tục nâng cấp kết nối quốc tế bằng cáp quang quốc tế, đồng thời mở rộng kết nối trong các khu vực thi đấu hoặc là các nhà thi đấu để mọi người có thể chơi hiệu quả hơn. Các công nghệ mới như Wi-Fi 6 rồi tiếp theo là Wi-Fi 7, chúng tôi sẽ tiên phong triển khai tại Việt Nam.

“Hệ sinh thái của Esports có rất nhiều vai trò, rất nhiều khâu khác nhau. Từ góc độ của FPT, tập đoàn mong muốn sẽ cùng đồng hành với các tổ chức như VIRESA, với các đối tác như VNG để cùng nhau triển khai các chương trình cho Esports Việt Nam trong thời gian sắp tới. Cụ thể, FPT sẽ bắt đầu với câu chuyện tổ chức các giải đấu, hợp tác với VIRESA và VNG cũng như các đơn vị liên quan thuộc lĩnh vực thể thao điện tử” – ông Việt Anh nói. 

Ông Hoàng Việt Anh (Chủ tịch Công Ty Cổ Phần Viễn Thông FPT)

Chủ tịch FPT Telecom chia sẻ thêm, để thúc đẩy Esports, không chỉ cần nâng cao trải nghiệm thi đấu của vận động viên mà còn của khán giả. Esports hiện nay không còn là ngành công nghiệp độc lập mà đã kết hợp với các lĩnh vực như du lịch, văn hóa và âm nhạc. FPT Telecom, với FPT Play, đã đầu tư vào công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng hình ảnh và sản xuất, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khán giả, cả trực tiếp lẫn online.

Đối với thế mạnh của Việt Nam trong công tác vận hành, thúc đẩy Esports, ông Nguyễn Trần Sơn (Trưởng phòng phát triển Thể thao điện tử – VNG Game) nhấn mạnh, về công tác tổ chức, Việt Nam đã bắt đầu học hỏi những kinh nghiệm từ các quốc gia, khu vực có nền Esports phát triển và áp dụng vào trong hoàn cảnh thực tiễn của đất nước. Nhờ cách tiếp cận hiệu quả này, đến thời điểm hiện tại, chúng ta cũng đã có một số cơ hội để đăng cai cũng như tham gia vào công tác tổ chức và vận hành các giải đấu trong khu vực.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng nêu ra điều kiện tiên quyết để thể thao điện tử Việt Nam tiếp tục tiến xa hơn chính là thành tích trên trường quốc tế: “Nếu chúng ta không có được những thành tích tốt thì rất khó để thế giới biết đến tên Việt Nam như một quốc gia có nền thể thao điện tử phát triển”

Ông Nguyễn Trần Sơn (Trưởng phòng phát triển Thể thao điện tử – VNG Game)

Chính vì những yếu tố này, bắt buộc phải có sự đầu tư nghiệm túc và dài lâu cho Esports. “Chúng ta có thể đi sau, đi muộn nhưng chúng ta vẫn có thể vươn lên dẫn đầu nhanh hơn bằng những sự đầu tư, bằng những sự cố gắng từng ngày của tất cả các tổ chức, tất cả vận động viên, để có thể chinh phục được giấc mơ mang lá cờ sắc áo của Việt Nam đi xa hơn nữa” – Ông Nguyễn Trần Sơn nói.

Một trong những điểm nhấn của buổi talkshow là sự tham gia của hai đội tuyển Esports hàng đầu tại Việt Nam, GAM Esports và FPT Flash LOL tại phiên thảo luận thứ 2. Tuyển thủ Levi, CEO TK Nguyễn từ GAM Esports và HLV Phan “Stark” Công Minh từ Team Flash LOL đã chia sẻ về hành trình thi đấu chuyên nghiệp và những bước tiến của Thể thao điện tử tại Việt Nam dưới góc nhìn của những người “sống và thở cùng Esports”. 

Nhìn lại hành trình của Esport chuyên nghiệp Việt Nam, cả Levi, ông TK Nguyễn và HLV Stark đều nhìn nhận rằng ở thời điểm hiện tại, Esports không chỉ là thi đấu, mà còn bao gồm các khía cạnh xung quanh như truyền thông, hình ảnh… Các tuyển thủ đã và đang ý thức được tầm ảnh hưởng của bản thân đến giới trẻ như thế nào và đang cố gắng thể hiện hình ảnh tích cực nhất của mình thông qua hành động, lời nói để lan tỏa những giá trị tốt đẹp cùng niềm đam mê với Esport đến mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ.

Do đó, việc có được sự đầu tư, hỗ trợ từ các tổ chức chuyên môn và doanh nghiệp sẽ là động lực to lớn giúp thúc đẩy sự phát triển lâu dài của Esport, đưa thể thao điện tử Việt Nam tiến xa hơn trong tương lai.

Talkshow “Kỷ nguyên mới cho Esports Việt Nam” không chỉ là dịp để FPT Telecom khẳng định vai trò của mình trong ngành Esports mà còn là một bước tiến lớn cho thể thao điện tử Việt Nam. Với những cam kết và hành động cụ thể, FPT Telecom đang góp phần tích cực đưa Esports Việt Nam vươn xa, hội nhập cùng thế giới, đồng thời mở ra những cơ hội nghề nghiệp đầy triển vọng cho thế hệ trẻ đam mê lĩnh vực này. Với sự đồng hành của các tổ chức và doanh nghiệp, tương lai của Esports Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

Hoàng Mai

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

17,207Thành viênThích
5,553Người theo dõiTheo dõi
540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img