Với những giải pháp sáng tạo và hiệu quả, Lê Tăng Có thành công ra mắt bộ công cụ phục vụ việc số hóa hệ thống INF, chinh phục OKR đầy thách thức của mình.
Với quan niệm “không có thử thách lớn, sẽ không có thành tựu lớn”, Lê Tăng Có – Cán bộ điều hành hệ thống mạng tại Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Nam – FPT Telecom đã xuất sắc chinh phục OKR quý II với những kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào quá trình số hóa hệ thống INF, trở thành cá nhân OKR xuất sắc cấp Tập đoàn.
Bộ OKR cụ thể được chàng trai nhà Viễn thông thiết lập như sau:
OB: Số hoá hệ thống INF
KR1: Phát hành tool botchat trên ICDP Mobile (ICDP Mobile là ứng dụng hỗ trợ quản lý công việc và kiểm tra thông tin hạ tầng được phát triển bởi phòng KTHT – INFMN).
KR2: Đăng ký tên miền (domain) và đăng nhập SSO (single Sign-on – đăng nhập một lần) thành công cho ứng dụng ICDP Mobile.
KR3: Triển khai tool giao nhận việc và ứng dụng ở toàn bộ các phòng ban INF.
KR4: Bàn giao tool bảo trì Accu cho kỹ thuật viên miền Nam.
KR5: Bàn giao tool quản lý công cụ, dụng cụ máy hàn, máy đo.
Mục tiêu thách thức
Đối mặt với bức tranh toàn cảnh đầy thách thức, Lê Tăng Có nhìn nhận rõ bài toán khó về sự chồng chéo của nhiều công cụ, quy trình khác nhau tạo rào cản lớn cho nhân viên trong việc sử dụng công cụ để vận hành. Bên cạnh đó, quá trình vận hành còn gặp hạn chế lớn khi thiếu công cụ dễ dàng sử dụng và hỗ trợ ghi nhận công việc đầy đủ, đặc biệt với nhiều “công việc không tên”. Ngoài ra, đơn vị còn gặp vấn đề nan giải trong quản lý, bảo trì, bảo dưỡng các công cụ, dụng cụ đắt tiền, hay việc phải nhập các số liệu thủ công khi bảo bảo trì, bảo dưỡng Accu gây tiềm ẩn nhiều rủi ro về sai sót và ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Trước những thách thức trên, Lê Tăng Có cho biết: “Bài toán lớn nhất mà mình phải đối mặt là khối lượng công việc cực kỳ lớn và phức tạp, đòi hỏi kiến thức nghiệp vụ liên phòng ban trong một quy trình đầy sức ép về tiến độ cũng như thời gian thực hiện”. Khó khăn hơn khi hầu hết các dự án đều cần được triển khai sử dụng đa nền tảng và áp dụng AI tự động hóa quy trình.
“Dự án liên tục thay đổi trong quá trình thực hiện khiến việc điều chỉnh kế hoạch trở nên khó khăn, đòi hỏi sự linh hoạt và thích ứng kịp thời của toàn bộ nhóm dự án” – Tăng Có chia sẻ. Để giải bài toán trên, sớm số hóa toàn hệ thống INF đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của anh.
Cách thức triển khai
Bật mí bí kíp về đích “leng keng”, Lê Tăng Có đã lên kế hoạch triển khai công việc hiệu quả. “Quản lý thời gian, lập kế hoạch chi tiết, chia nhỏ và phân bổ công việc hợp lý cho từng thành viên, phân loại công việc theo mức độ ưu tiên và ưu tiên tập trung những đầu việc then chốt”, Tăng Có chia sẻ về cách thức triển khai OKR quý II của mình.
Việc thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin và hỗ trợ lẫn nhau giúp thông tin luôn rõ ràng, vấn đề phát sinh được giải quyết nhanh chóng, các thành viên gắn kết chặt chẽ và ý chí chiến đấu được thúc đẩy. Đặc biệt, tư duy sáng tạo và tinh thần sẵn sàng của các thực tập sinh – nguồn lực sẵn có đã đóng góp nhiều ý tưởng và hướng tiếp cận mới, nâng cao năng suất dự án.
Theo dõi hành trình chinh phục OKR của Tăng Có, anh Phạm Bùi Tuấn Vũ – (Phó giám đốc Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Nam – FPT Telecom) nhận xét: “Số hoá hệ thống INF, ứng dụng AI vào các công cụ có nhiều thách thức. Đặc biệt là phần AI, có nhiều hình ảnh được ghi nhận nhưng chất lượng hình đa dạng và chưa được tốt. Có đã luôn dẫn dắt team kiên trì thực hiện, thử nghiệm nhiều lần để tìm được model phù hợp, nâng cao tỷ lệ chính xác của model. Đồng thời kết hợp cùng đội triển khai và đúc rút kinh nghiệm, từ đó xây dựng quy trình phù hợp với tool để đảm bảo sự dụng hiểu quả”.
Đứng trước bài toán chất lượng ảnh không đồng đều và yêu cầu cao về độ chính xác, Lê Tăng Có đã thể hiện năng lực vượt trội khi tìm phương án ứng dụng AI xử lý hình ảnh vào các tool nhằm tăng độ chính xác và nguồn lực bảo trì. Anh chủ động kết nối liên phòng ban để cùng nhau tìm ra lời giải cho quy trình triển khai và vận hành tool hiệu quả.
Kết quả vượt trội
“Không có thử thách lớn, sẽ không có thành tựu lớn! Những khó khăn là cơ hội để vươn lên mạnh mẽ hơn” – Lê Tăng Có khẳng định quan điểm. Cán bộ nhà INF biến những thách thức thành cơ hội, thành công về đích “leng keng” trong quý II.
Sau quá trình làm việc năng suất và đầy nhiệt huyết, Lê Tăng Có cùng đồng đội đã tập trung hóa các dữ liệu vào cùng một ứng dụng, dễ dàng sử dụng và rút ngắn thời gian truy vấn dữ liệu. Với những công việc nhỏ lẻ không tên, hệ thống mới đã ghi nhận chi tiết và đo đạt được năng suất công việc của mọi nhân viên INF.
Nhóm dự án còn thành công ứng dụng AI vào việc quản trị công cụ, dụng cụ của đơn vị. Từ đó, số lượng và tần suất sử dụng những cơ sở vật chất này được kiểm soát dễ dàng và quá trình vận hành vì thế cũng đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, ứng dụng AI vào việc bảo trì, bảo dưỡng Accu đã đem đến hiệu quả cao trong đảm bảo chất lượng Accu, giảm thiểu sai sót trong quá trình bảo trì, bảo dưỡng.
Với tool Công cụ dụng cụ giúp tiết kiệm 12-15 man-month/năm (mam-month là khối lượng công việc mà một nhân viên phải hoàn thành trong 1 tháng); theo dõi và chỉ ra điểm bất thường trong lịch sử hàn nối với lịch sử sự cố, kế hoạch nâng cấp triển khai hạ tầng. Từ đó, ngăn ngừa và kịp thời phát hiện tình trạng gian lận máy hàn cho đối tác sử dụng.
Với tool Bảo trì Accu ứng dụng AI đã tiết kiệm 25 man-month/năm; giảm 50% thời gian thao tác đo kiểm và lưu trữ số hóa trên hệ thống so với trước đây; chất lượng vận hành đài trạm được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa tác động của nhân sự vào kết quả bảo trì vì dữ liệu đo kiểm được lưu trữ số hóa trên hệ thống.
Những nỗ lực suốt quý II giúp anh trở thành cá nhân OKR xuất sắc cấp Tập đoàn. Lê Tăng Có bày tỏ: “Cần hiểu được tầm quan trọng của việc thiết lập OKR rõ ràng và kỳ vọng một cách thực tế ngay từ đầu, chuẩn bị tinh thần chủ động và sẵn sàng máu lửa cho kỳ OKR của mình”. Anh cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng quản lý dự án, lập kế hoạch chi tiết, phân chia công việc và theo dõi tiến độ các hạng mục để đảm bảo dự án đi đúng hướng.
Theo Chungta