Ngày 22/9 vừa qua, chương trình “FTEL Career Booming ‑ Đào tạo kỹ năng mềm” do Ban Nhân sự (FHR) thực hiện đã được tổ chức tại 2 đầu Hà Nội và Sài Gòn thu hút sự tham gia của hơn 80 sinh viên gồm các thực tập sinh và các sinh viên Công nghệ Tập sự.
Chương trình có sự tham gia của chị Võ Thị Kim Hồng (Trưởng phòng Tuyển dụng 2, Trung tâm Thu hút Nguồn nhân lực), chị Vũ Thị Khánh Nga (Trưởng phòng Tuyển dụng 1, Trung tâm Thu hút Nguồn nhân lực), anh Trương Tuấn Nghĩa (Giảng viên, Phòng Huấn luyện Đào tạo, Trung tâm Đào tạo và Phát triển).
Xuyên suốt chương trình, các tân thực tập sinh đã được nghe chia sẻ về kỹ năng tự học, văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp, văn hóa bản sắc của FPT,.. Song song với đó là các bạn được tiếp cận với các kiến thức liên quan đến văn hóa và năng lực nền tảng, tư duy lấy Khách hàng làm trọng tâm và góc nhìn của nhà tuyển dụng đối với tân sinh viên.
Trong 15 phút đầu chương trình, chị Võ Thị Kim Hồng đã chia sẻ về tầm quan trọng của văn hóa nền tảng trong quá trình tuyển dụng và làm việc. Theo chị, ngoài tiêu chí liên quan tới kiến thức, kỹ năng, yêu cầu công việc thì yêu cầu văn hóa nền tảng là vô cùng quan trọng. Chị Hồng chia sẻ: “Cho dù các bạn có ứng tuyển vào môi trường nào thì các bạn cũng phải quan tâm đến văn hóa bản sắc của công ty đó. Cần phải biết công ty đó như thế nào, lịch sử hình thành ra sao, chiến lược phát triển của họ,… để đánh giá mức độ phù hợp của bản thân mình. Đối với các nhà tuyển dụng, chưa chắc 1 người giỏi ứng tuyển đã thành công mà nhân sự doanh nghiệp cần là những người thực sự phù hợp”.
Ngoài ra, chị cũng có những phân tích về 6 chữ vàng “Tôn đổi đồng, chí gương sáng” – giá trị cốt lõi của FPT. Chị hy vọng rằng sau ngày hôm nay, các tân thực tập sinh sẽ có những sự “tò mò” nhất định về công ty cũng như có thể chủ động hơn trong việc tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của FPT Telecom.
Tiếp nối chị Hồng, anh Trương Tuấn Nghĩa tiếp tục bài chia sẻ về kỹ năng tự học của từng cá nhân. Anh liên tục đưa ra những câu hỏi “dí dỏm” thông qua những minigame về quá trình học tập khiến khán phòng sôi động hơn bao giờ hết.
Theo chia sẻ của anh, mức độ tự học cao nhất là mức độ của sự lan tỏa – dạy lại cho người khác. Khi chúng ta muốn truyền tải kiến thức cho ai đó thì bản thân phải thực sự thấu hiểu và nắm chắc về nó. Do đó, mỗi chúng ta cần cố gắng học cho mình và lan tỏa cho người khác.
Kết thúc phần chia sẻ, các bạn tân sinh viên thực tập đã có hơn 20 phút được giao lưu, trao đổi trực tiếp với các khách mời về những mong muốn cũng như từng thắc mắc về công việc và nhu cầu tuyển dụng. Đứng trước những câu hỏi về vấn đề tự học, chị Vũ Thị Khánh Nga chia sẻ: “Trước khi làm công việc hiện tại thì chị đã trải qua nhiều công việc khác nhau. Khi bước sang 1 ngành mới thì chị cũng mất khoảng 1 năm đầu để làm quen và trau dồi kỹ năng phát triển nghề nghiệp. Các anh chị trong FTEL và kể cả chị đều đang học kiến thức mới mỗi ngày và đó cũng là thứ giúp chị tiếp tục gắn bó với FTEL, giúp chị tiếp tục có năng lượng, sáng tạo và yêu thích với công việc hiện tại”.
Cùng với hoạt động giao lưu với các khách mời, chương trình cũng kết hợp thêm hoạt động thăm quan doanh nghiệp. Tại đây các bạn được khám phá khu vực làm việc của FPT Telecom, lịch sử phát triển của Công ty và các đơn vị thành viên.
Thông qua chương trình, các bạn sinh viên đã hiểu hơn về doanh nghiệp, những kỹ năng quan trọng cần có sớm hòa nhập vào môi trường FTEL. Những chia sẻ từ các vị khách mời sẽ tiếp thêm “lửa” cho thế hệ mới nhà Cáo trên chặng đường thực tập đầy bất ngờ sắp tới.
TM