Đây cũng chính là câu hỏi mà anh Trần Hải Dương (PTGĐ FTI) đặt ra cho 15 học viên tham gia chương trình đào tạo “Tâm thế nhà quản lý” dành cho Trưởng nhóm FTI diễn ra vào ngày 21/5 vừa qua. Trong hành trình phát triển của mỗi cá nhân, mức thu nhập không phải là yếu tố quyết định tất cả.
Tiếp nối thành công của khóa học “Kỹ năng quản lý cơ bản” dành cho Trưởng nhóm FTI, đội ngũ quản lý nòng cốt của Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế (FTI) tiếp tục bước vào buổi đào tạo đặc biệt với anh Trần Hải Dương – PTGĐ FTI.
Ở nội dung buổi học ngày 21/5, thuyền phó của FTI đặt ra một vấn đề hết sức thực tế. Đó là khi so sánh giữa các cấp thành viên Viễn thông Quốc tế, có những salesman, NVKD có mức thu nhập cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần sếp trực tiếp của người đó. Vậy câu hỏi đặt ra vì sao chúng ta cần trở thành quản lý, lãnh đạo, đảm đương các trách nhiệm lớn hơn, áp lực lớn hơn?
Dựa trên những kinh nghiệm thực tế lâu năm trong ngành và trong chuyên môn quản lý, anh Dương khẳng định mỗi cá nhân không thể chỉ nhìn vào mức thu nhập để quyết định công việc mà mình gắn bó. Lấy một ví dụ đơn giản, 1-2 năm làm NVKD chúng ta có thể đảm nhiệm được. Nhưng 10 năm vẫn là một NVKD, liệu rằng điều đó đã “đủ” hay chưa?
Vấn đề đặt ra ở mỗi cá nhân, không chỉ riêng các CBQL đó là mục tiêu rõ ràng trong sự nghiệp và công việc mình gắn bó. Nếu chỉ nhìn vào “đồng lương”, mỗi chúng ta sẽ không có động lực để bứt phá, để vượt ra khỏi cái mình làm được và đã làm được.
Đặt cho mình một mục tiêu, thách thức của nhà quản lý cũng vậy. Tâm thế của người quản lý phải là tâm thế của người nhìn vào những tiềm lực phát triển bản thân, để qua mỗi một năm, mình phải là phiên bản tốt hơn, làm được nhiều thứ hơn năm trước.
Một vấn đề nổi cộm khác được anh Dương đưa ra đó là giữ cái tôi trong quá trình quản lý. Với chủ đề này, chị Nguyễn Liên Phương (Bộ phận FTIOSS) bảo vệ quan điểm không nên bảo thủ giữ cái tôi trong khi làm việc. Bởi đã là người sếp cần biết ôn nhu, lắng nghe nhân viên, lãnh đạo cao hơn và những người xung quanh. Việc hạ bớt cái tôi trong quản lý cũng giúp chúng ta có cái nhìn khác về sự thất bại, sáng suốt tìm ra cách giải quyết.
Chia sẻ về cái tôi, quan điểm của anh Đào Công Tiến (Bộ phận FTICAS) lại cho rằng cái tôi là bản sắc của từng cá nhân, do đó khi làm quản lý cần có lý trí để bảo vệ cái lý tưởng và quan điểm của mình. Một quản lý giỏi không thể không tranh luận, không đối đầu trực tiếp và đứng ở thế không kiên định. Nhưng cũng cần phân biệt cái tôi với sự bảo thủ và không biết lắng nghe.
Với những trao đổi của các thành viên, anh Dương cho hay tâm thế của người quản lý là phải cân bằng giữa việc biết lắng nghe và tìm đi hướng đúng cho mình. Và cái tôi là cơ sở để có những tầm nhìn xa, hoạch định chiến lược phát triển cho bản thân và đội nhóm của mình.
Chúng ta thường cho rằng, hoàn thành tốt phần công việc của mình là xong và thay vì chủ động tìm kiếm hạng mục mới, ta lại nghỉ ngơi và chờ đợi người khác giao việc. Chúng ta cũng thường do dự và né tránh những nhiệm vụ phát sinh vì cho rằng đó là những công việc không lương và bản thân cũng không muốn hoàn thành nó bởi vì không phải là nghĩa vụ của mình.
Đây cũng là một phần lý do khiến chúng ta mãi không vươn lên được một chức vụ cao hơn mà chỉ dậm chân mãi ở một vị trí. Để tạo nên sự khác biệt với những người khác và có cơ hội thăng tiến hơn trong công việc thì những giá trị vô hình đó thực sự là cần thiết vì nó tăng khả năng uy tính và tinh thần trách nghiệm cao trong công việc.
Sau 3h đồng hồ của khóa học, các thành viên đã có thêm nhiều kinh nghiệm thực chiến từ PTGĐ FTI – anh Trần Hải Dương. Những kiến thức thực tế này sẽ là hành trang cho 15 CBQL tham gia khóa học, tiếp tục trau dồi, hoàn thiện bản thân để chinh phục những vị trí, thử thách mới.