FoxSteps được đánh giá hoàn toàn có thể cạnh tranh với các ứng dụng theo dõi tập luyện bên ngoài, khi các chức năng cho việc chạy bộ đã đầy đủ và có phần vượt trội hơn.
Năm 2019, ứng dụng FoxSteps ra đời, phục vụ chiến dịch người FPT Telecom chạy 13 vòng Trái đất để xây 63 sân chơi cho thiếu nhi trên toàn quốc và mừng sinh nhật Tập đoàn FPT 31 tuổi. Lúc bấy giờ, đây chỉ đơn thuần là nền tảng ghi nhận kết quả số km chạy qua định vị.
Năm 2022, chiến dịch FoxSteps 2 được phát động, nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm FPT Telecom. Ứng dụng FoxSteps cũng quay trở lại với hình thức và nội dung hoàn toàn khác biệt.
Tính năng mới nổi bật nhất của FoxSteps phiên bản mới là cho phép tạo các thử thách và ghi nhận kết quả người chạy theo thành tích, thứ hạng của cá nhân và nhóm, quy đổi điểm tích điểm, nâng hạ thứ hạng, cấp chứng nhận. Cạnh đó, thay vì chỉ kết nối với Strava (một ứng dụng theo dõi và quản lý quá trình tập luyện), FoxSteps hiện cho phép kết nối đa nền tảng hơn, đáp ứng số lượng người dùng tham gia lớn hơn. Không còn là một app nội bộ, cần email FPT, hiện nay ai cũng có thể tham gia FoxSteps.
Ngoài ra, ứng dụng còn có mục tin tức, cập nhật các thông tin về các hoạt động thể thao, giải chạy, thử thách của chủ yếu giới chạy nhà F, thêm khung giờ vàng cho thử thách. Người dùng cũng có thể theo dõi các hoạt động của bạn bè, đồng nghiệp. Hiện tại, ứng dụng thu hút hơn 23.000 người dùng.
Theo anh Trần Quốc Hưng (FPT Telecom) – đội phát triển sản phẩm, so với các ứng dụng tương tự bên ngoài, mục thử thách của FoxSteps có nhiều chức năng hơn, như phân chia thành tích, xếp hạng theo ngày, theo chặng, theo nhóm, theo cá nhân… “FoxSteps hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các ứng dụng theo dõi tập luyện bên ngoài. Các chức năng cho việc chạy bộ đi bộ đã đầy đủ và hơn các ứng dụng khác nhiều. Chỉ có một giới hạn là app ngoài có nhiều hoạt động hơn, như chạy bộ, xe đạp, bơi trong khi FoxSteps mới chỉ có chạy bộ đi bộ. Tuy nhiên đội phát triển sản phẩm chưa có kế hoạch mở rộng vì các hoạt động khác không phổ biến bằng chạy bộ”.
Ứng dụng FoxSteps được phát triển trong vòng khoảng 6 tháng bởi Trung tâm Dịch vụ số (DSC) – FPT Telecom, bao gồm hơn 10 người. Sau chiến dịch chạy kỷ niệm 25 năm FPT Telecom có thành lập ban dự án, đại diện dự án cho biết chưa có đội chuyên trách ứng dụng này mà anh em được kêu gọi hỗ trợ dự án theo tinh thần tự nguyện.
Theo anh Hưng, phần xây ứng dụng không quá phức tạp, nhưng khó nhất là đảm bảo server (máy chủ) phục vụ được đồng loạt một số lượng người dùng lớn. FoxSteps từng phục vụ gần 17.000 người chạy cùng lúc – một số lượng lớn mà server không đáp ứng nổi nên đã thường xảy ra tình trạng “treo” ứng dụng, gián đoạn quá trình đồng bộ dữ liệu. Hiện điểm yếu này đã cải thiện, server đủ lớn đã được đưa vào để phục vụ người chạy.
Cạnh đó, việc phát hiện gian lận vi phạm, tuy đã có lập trình sẵn một số quy tắc để hạn chế, nhưng cũng khó can thiệp được các trường hợp cố tình vi phạm, trừ khi ban tổ chức các thử thách kiểm soát để lọc các trường hợp “cheating” và liên hệ đội kỹ thuật huỷ kết quả. “Khó kiểm soát nhất là người chạy nhưng không “bằng chân” mà “bằng xe” hay cách khác như xe đạp, trượt patin trong tốc độ cho phép, dữ liệu gửi về không nhận dạng được vì hiện Strava đơn thuần đo theo tốc độ, không có dữ liệu nhịp tim, nhịp chân” – anh Hưng nói.
Hiện tại, ngoài các sự kiện của FPT Telecom (dự kiến duy trì 1-2 sự kiện chạy/năm), FPT Run vẫn thường xuyên tạo các thử thách, cuộc thi trên ứng dụng, và người dùng cá nhân cũng có thể chủ động tạo, mời người khác tham gia. Thành viên đội phát triển sản phẩm vẫn hỗ trợ người dùng trong trường hợp cần thiết nếu có lỗi phát sinh.
Chị Võ Thị Thuỳ Tiên, thành viên FPT Run, đánh giá Foxsteps thuận tiện cho ban tổ chức trong việc thống kê kết quả và kiểm soát hay can thiệp “làm sạch” bảng xếp hạng hơn, quy tắc cũng linh hoạt hơn do app “của nhà làm” dễ yêu cầu bổ sung. “Tôi cũng hay tự tạo các challenge cá nhân trên FoxSteps để tạo động lực tập luyện. Còn ở vai trò người tham gia challenge, tôi chưa thấy sự khác biệt, do chỉ có nhu cầu theo dõi các cá nhân/đội khác mà chức năng này đa số app điều có”.
Để có thể có các rules (quy tắc) theo mình mong muốn khi chơi nội bộ, anh Nguyễn Hoàng Cương – Phó chủ tịch Hội Chạy FPT từng tự lập trình ứng dụng riêng cho một số hoạt động của Hội. Cũng chính anh đảm nhận vai trò hỗ trợ kỹ thuật một mình. Vì thế anh bày tỏ khi FoxSteps phiên bản mới đáp ứng các nhu cầu của hội và được đưa vào sử dụng, anh đỡ vất vả hơn trong việc hỗ trợ kỹ thuật, để tập trung hơn vào tập luyện.
Được “sinh ra” phục vụ nội bộ, ứng dụng có được ưu điểm là ghi nhận nhanh chóng nhiều ý kiến đóng góp từ người dùng. “Như mới nhất, đại diện FPT Run có góp ý nên bổ sung tính năng cho phép xem hoặc ẩn tracklog (tập hợp các điểm được lưu trữ một cách tự động khi di chuyển cùng thiết bị thu tín hiệu định vị GPS). Đúng là app nội bộ nên khi có vấn đề hay ý kiến gì, mọi người có thể chia sẻ ngay để thay đổi, đóng góp cho ứng dụng ngày càng phù hợp người dùng” – đại diện đội phát triển ứng dụng nói.
Ngoài ra, đội kỹ thuật là “người nhà” có thể tiếp nhận “đặt hàng” từ các đội nhóm, công ty thành viên FPT để tùy biến các tính năng theo nhu cầu của đơn vị, từ đó thử thách có nhiều chức năng hơn, thay vì các ứng dụng bên ngoài chỉ đơn thuần là tạo thử thách. Đến nay FoxSteps đã “nhận đơn” từ một số đơn vị ngoài Hội Chạy FPT như FPT Retail, Viễn thông quốc tế FPT (FTI).
Trước mắt, đội sản phẩm đang nghiên cứu kết nối FoxSteps thêm với Apple Watch sau khi kết nối với Garmin. Trong tương lai xa hơn, FoxSteps đang có viễn cảnh đẩy mạnh phổ biến ra bên ngoài, cân nhắc 2 phương án là đẩy ra bên ngoài với hình thức một mảng kinh doanh của FPT, hoặc chỉ theo hướng CSR (trách nhiệm xã hội), đẩy mạnh thương hiệu.
chungta.vn