Một dáng hình bé nhỏ, một nụ cười dè dặt, một đức tính khiêm tốn, một nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ, đó là những cụm từ giản dị để mô tả về Trần Quan Giàu – cán bộ lập trình tại Trung tâm Hệ thống Thông tin (ISC, FPT Telecom).
Nếu là người nhà F quan tâm đến sáng tạo và cuộc thi iKhiến thì hẳn sẽ không lạ gì cái tên Trần Quan Giàu, người đã 3 năm liên tiếp từ 2018 đến 2020 có sản phẩm dự thi và gặt hái được nhiều giải thưởng. Với 3 sản phẩm: Hợp đồng điện tử, POS hóa đơn điện tử và Đăng ký online dịch vụ FPT Telecom, anh Giàu và các cộng sự đã mang về cho mình 2 giải Vàng và 1 giải Bạc iKhiến.
Nói về hành trình 3 năm liên tiếp với 3 sản phẩm “đình đám”, anh khiêm tốn: “Từng tham gia rất nhiều dự án khác nhau, tại nhiều vị trí nên mình có góc nhìn tổng quát về hệ thống và quy trình. Từ các vấn đề đó, mình đã nảy ra rất nhiều phương án cải thiện trong công việc và các ý tưởng cứ thế đến”.
Trong 3 sản phẩm dự thi gần đây nhất thì dự án đầu tay POS – Hóa đơn điện tử đã để lại trong anh Giàu nhiều ấn tượng khó quên nhất. POS – Hóa đơn điện tử ra đời đã tạo ra một bước tiến “ngoạn mục” vào thời điểm bấy giờ khi nhân viên thu cước không phải mang theo tập hóa đơn giấy dày cộp bên mình nữa. Tất cả gói trong một chiếc máy POS nhỏ gọn. Sau khi thanh toán, giao dịch sẽ được ghi nhận tức thời lên hệ thống. Từ đó, nhân viên văn phòng có thể kiểm soát quá trình thu cước một cách nhanh chóng và chính xác.
Giải pháp đem lại cho FPT Telecom những kết quả vượt trội. Nổi bật trong số đó là tăng được quỹ thời gian thu cước thêm 3 ngày mỗi tháng, góp phần đưa tỷ lệ thu hồi công nợ 30 ngày từ 98% lên 99%, tương ứng 5 tỷ đồng. Quản lý dòng tiền tối ưu khi chuyển từ tiền mặt sang quản lý qua tài khoản ngân hàng. Dòng tiền cho 2 ngày thu sớm là hơn 40 tỷ đồng. Sáng tạo cũng giúp tiết kiệm 95 nhân sự in ấn, vận chuyển. Nhân viên thu cước giảm được hơn 150.000 km/tháng đi lại nhận hóa đơn; giảm thời gian xé hóa đơn, kiểm soát hóa đơn, trả hóa đơn về… tổng thời gian giảm lên đến 4.500 giờ/tháng.
Với hiệu quả tích cực ngay từ sau sáng kiến đầu tiên, anh Giàu cùng các công sự đã liên tiếp cải tiến các hệ thống quy trình, giúp nhà Viễn thông tiết kiệm hàng chục tỉ đồng mỗi năm. “Các dự án giúp trải nghiệp khách hàng tốt hơn, công việc của các phòng ban được tối ưu. Đó là điều mà cá nhân tôi thấy có ý nghĩa nhất” – anh Giàu khẳng định.
Tuy nhiên, cán bộ lập trình nhà Viễn thông cũng nhấn mạnh, việc thay đổi một hệ thống hay quy trình đã sử dụng quá lâu là thử thách rất lớn và đòi hỏi tính kiên nhẫn cao của đội sáng tạo. Bởi không chỉ khó khăn trong việc thay đổi thói quen của nhân viên mà còn phải đảm bảo tính tương thích với cả hệ thống cũ và mới. Anh Giàu chia sẻ: “Để thay đổi thói quen trong công việc phải cần thời gian nên khi triển khai thử nghiệm, nhóm luôn thực hiện trên một tập đối tượng nhỏ để có thể hướng dẫn sử dụng và trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh”.
Do vậy, anh Giàu cũng đúc kết được 4 yếu tố cần có của một sản phẩm sáng kiến khi đưa vào đời sống đó là: đúng thời điểm, được sự ủng hộ của lãnh đạo, sự hưởng ứng các phòng ban liên quan và nỗ lực của đội ngũ phát triển.
Đồng hành cùng anh Giàu trong Dự án Hợp đồng điện tử, anh Lê Đình Phúc (FPT Telecom) cũng luôn dành cho đồng nghiệp của mình sự tôn trọng: “Đã làm chung cùng Giàu nhiều dự án, mình luôn cảm thấy ở Giàu một nguồn năng lượng rất lớn. Chịu khó, sáng tạo không ngừng và có trách nhiệm với công việc từ chất lượng, hỗ trợ hay tiến độ là những cụm từ chính xác để nói về cậu ấy”.
Anh Phúc còn kể về những ngày mới thử nghiệm Hợp đồng điện tử tại các điểm kinh doanh, hai người đã luôn cùng nhau “xông pha chiến trường”, chỉ cần nhân viên kinh doanh cần hỗ trợ thì dù đêm hôm cũng luôn có mặt kịp thời để hỗ trợ các bạn qua nền tảng online. Những ngày khó quên ấy, đã giúp anh Phúc và anh Giàu có thêm nhiều trải nghiệm thực tế và hoàn chỉnh tính ứng dụng cao nhất cho dự án này.
Đảm trách tốt công việc của một cán bộ lập trình đã khó, anh Giàu còn luôn tận lực với những ý tưởng cải tiến, sáng tạo của cá nhân. Hành trình ấy đã được anh Giàu “đánh đổi” bằng quỹ thời gian nghỉ ngơi của riêng mình. Nỗ lực 200% công suất mỗi khi thực hiện một sản phẩm mới, từ sáng tới tối muộn may ra mới có thời gian nghỉ ngơi là những lời bộc bạch chân tình của anh. “Còn trẻ nên mình rất thích khám phá những cái mới chứ không có điều gì to tát hay lớn lao. Sáng tạo luôn bắt nguồn từ chính những công việc hàng ngày” – anh mỉm nhẹ nụ cười khiên tốn.
Khi được hỏi về “bí kíp” để trở thành một người sáng tạo hiệu quả, anh Giàu suy nghĩ một hồi lâu và đúc kết 3 điều, đó là: tinh thần trách nhiệm theo đuổi đến cùng, đối mặt không khoan nhượng với mọi khó khăn và tìm cho mình những cộng sự tuyệt vời.
Học ngành công nghệ thông tin và gia nhập nhà F từ năm 2010, anh Giàu đã trải qua nhiều dự án từ nhỏ đến bé của nhà Viễn thông mà chưa từng lùi bước. “Từ những ngày đầu Giàu mới vào công ty, là người trực tiếp hướng dẫn và dõi theo từng bước đi của Giàu, mình đã luôn ấn tưởng với cậu thanh niên nhỏ bé này về tinh thần chịu khó học hỏi và nỗ lực trong công việc”, anh Nguyễn Vĩnh Hưng – Trưởng phòng tại Trung tâm ISC – hồi tưởng lại.
Ngay từ khi mới tiếp xúc với các sản phẩm sáng tạo do anh Giàu và cộng sự thực hiện, anh Hưng đã đánh giá rất cao về tính khả thi của sản phẩm cũng như hiệu quả cho công ty. Là cấp trên trực tiếp, anh Hưng luôn đồng hành cùng anh Giàu trước mọi khó khăn trong quá trình phát triển sáng kiến cũng như cảm thấy hào hứng và tin tưởng trước mỗi bước đi thành công. “Nói ít làm nhiều là cụm từ chính xác nhất để mô tả về Giàu” – anh Hưng tự hào.