Thứ Sáu, Tháng Mười Một 22, 2024
spot_img

FTEL – Những cuộc chuyển đổi

Trong những ngày chúng ta bắt gặp cụm từ Chuyển đổi số ở khắp nơi, cá nhân tôi cũng có hàng chục bài diễn thuyết về Chuyển đổi số hoặc tương tự trong cả năm 2021, khép lại một năm Chuyển đổi số nhớ lại trước đây FPT, FTEL cũng đã có nhiều lần chuyển đổi vậy. 

2003-2004 là chuyển đổi từ Dial-up sang băng rộng ADSL với những câu chuyện chị Chu Thành Hà đôi khi nhắc lại, anh Trương Đình Anh vào TP.HCM kéo cáp và dặn chị Hà, lỡ anh có vấn đề gì em ở Hà Nội lo cho Công ty. Tôi thì tham gia sâu hơn vào cuộc chuyển đổi Quang hóa hạ tầng những năm 2012-2014, mong muốn của FTEL là cung cấp được mọi dịch vụ trên một kết nối vốn chưa khả thi với xDSL lúc đó.

Trên thị trường, các đối thủ của chúng tôi cũng đặt mục tiêu tương tự, đã nghiên cứu nhiều phương án và đã rầm rộ triển khai cáp đồng trục ở nhiều nơi. Trong nội bộ thì câu hỏi Cáp đồng trục hay Cáp quang là tương lai lúc đó chưa có câu trả lời rõ như hiện tại. 80% hạ tầng ở các nước tiên tiến đều là cáp đồng trục dịch vụ Internet, truyền hình cáp đã chạy trên đó cả thập kỷ, chỉ có một vài nước như Nhật bản, Hàn quốc có một số nhỏ thuê bao cáp quang đến hộ gia đình và cung cấp truyền hình IPTV. 

Tôi đã có hàng tháng trình bày nội bộ FTEL, với FPT về tương lai của cáp quang sẽ là hàng chục năm nữa nhưng hiển nhiên các lãnh đạo mang tính thực tiễn cao hướng tới cái mà mọi nơi đã làm đã thành công là cáp đồng trục, truyền hình cáp và đặc biệt là 1 đối thủ lớn của chúng tôi đang bắt đầu triển khai cáp đồng trục trên cả nước. Sau nhiều lần họp hành bảo vệ, phương án tốt nhất mà tôi đề xuất là chúng tôi sẽ thử nghiệm cả hai công nghệ cáp quang, cáp đồng trục. Hiển nhiên trong thâm tâm tôi vẫn luôn tin rằng cáp quang mới là tương lai và chắc chắn tôi sẽ thuyết phục tiếp.

Anh Vũ Anh Tú.

Từ quyết định đó tôi đã cùng các anh chị HuyVD, AnhNV2, ToảnNC, PhượngNTT2, PhướcHT2, MậuNV, HảoVD triển khai ngay cáp đồng trục ở Bình Dương với quy mô vài ngàn thuê bao để thử nghiệm, mặt khác chúng tôi lập nhóm nhóm lấy tên Nhóm đánh hàng Quảng Châu để tìm phương án giảm chi phí đầu tư cho một thuê bao cáp quang chỉ cỡ tương đương với 1 thuê bao xDSL hiện tại, chứng minh bằng công nghệ chưa đủ thì tôi sẽ chứng minh bằng tài chính. Nhóm này sang Trung Quốc đi đến khắp các hãng lớn như Huawei, ZTE, FiberHome, Alu, Nokia… đi đâu chúng tôi cũng nhận được những cái lắc đầu vì họ nghĩ FTEL lấy đâu ra tiền làm cáp quang.

Cuối cùng với nhiều công sức tìm kiếm từ các công ty lớn ở Thượng Hải, Thẩm Quyến đến các công ty nhỏ ở Thành Đô, Vũ Hán chúng tôi cũng tìm được một công ty đang OEM cho các hãng lớn muốn phát triển độc lập không chỉ OEM đồng ý làm cùng với chi phí chúng tôi kỳ vọng. Vậy là chúng tôi có những thành phần chính của công thức để thành công.

Nhưng khi triển khai thực tế tại Lạng Sơn các thiết bị này lại không ổn định gặp phải nhiều sự cố chúng tôi phải ngày đêm làm với họ để giải quyết nhưng có vẻ không thể tiếp tục được. Đúng lúc này công sức nhiều ngày gõ cửa khắp nơi của chúng tôi cũng có kết quả, EVP của một công ty OEM cho Huawei, Nokia ở Trung Quốc hẹn tôi và anh Nguyễn Văn Khoa gặp vào một buổi chiều tại Hongkong.

Hai anh em đến buổi họp với tinh thần hứa hẹn cao như các đối tác khác, cậu EVP lớn tuổi từng làm Bell Labs lại tiếp tục thắc mắc FTEL có thực sự làm cáp quang không, đầu tư qui mô có lớn không, chi phí có đủ không … trao đổi suốt từ 16h đến 22h với nhiều cuộc gọi riêng của cậu EVP với CEO cũng dẫn đến quyết định họ sẽ làm cáp quang cùng FTEL với chi phí FTEL mong muốn, để thể hiện quyết tâm hai bên ký với nhau vào một quyển vở học sinh, quyển vở mà cậu EVP luôn mang theo sau này. 

Anh Vũ Anh Tú và các cộng sự trong chuyến công tác tại Myanmar.

Anh Khoa và tôi ra về cùng tâm trạng nghi ngờ những cam kết trên quyển vở có thật không, sau này khi làm đến một triệu thuê bao cáp quang hai bên trở nên thân thiết hơn mới biết rằng họ cũng không tin chúng tôi thực hiện cam kết đó. Câu chuyện chuyển đổi cáp quang còn rất rất nhiều những đối tác như vậy.

Khi chúng tôi bắt đầu làm trên thị trường đầu tư cho một thuê bao cáp quang cỡ 300$ nhưng chúng tôi đã làm được ở mức 100$, để bảo trì một điểm đứt cáp là 4 – 8 giờ cùng với những chi phí đắt đỏ, công cụ lên tới 10.000$ để hàn cáp, thì với FTEL một bộ công cụ cho kỹ thuật viên chỉ 300$, xử lý một điểm đứt chỉ trong vòng 2 giờ. Hay có những bạn kỹ thuật viên thu nhập tới 19 triệu/tháng vào 2014 do có khả năng triển khai cả trăm thuê bao một tháng. Với đối tác, với những sáng tạo, nỗ lực của một đội ngũ lớn từ những kỹ sư mạng, kỹ sư phần mềm, kỹ thuật viên triển khai cáp… chúng tôi đã tạo ra nhiều giải pháp khác nhau đảm bảo được chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian triển khai, xử lý sự cố.

Tất cả những vấn đề từ nhỏ đến lớn được giải quyết đã giúp FTEL đã xây dựng được một hạ tầng cáp quang đến hộ gia đình rộng khắp và trong một khoảng thời gian ngắn chúng tôi đã bỏ xa các đối thủ lớn với số hộ gia đình được triển khai cáp quang.

Đến hôm nay FTEL có thể tự hào với mạng lưới hạ tầng mạng mẽ, xây dựng trên những nền tảng tốc độ cao, tiên tiến không kém đối thủ nào, đội ngũ các chuyên gia, kỹ sư, kĩ thuật viên đang đi đầu trong nhiều lĩnh vực viễn thông, đây là cơ sở để FTEL tiếp tục bước vào một cuộc chuyển đổi mới với Truyền hình OTT, 4K, Smart Home, Smart Living, Smart Camera… tôi tiếp tục mong đợi thành công trong Cuộc chuyển đổi mới của FTEL.

Tác giả: Anh Vũ Anh Tú – Nguyên PTGĐ FPT Telecom

Hiện là Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT

Trích sách “Sử ký FTEL 25 năm Bán Mạng”

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

17,207Thành viênThích
5,553Người theo dõiTheo dõi
540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img