Anh Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, Chủ tịch sáng lập Trường Hy Vọng, gửi gắm tình yêu thương và khẳng định tên trường chính là mong mỏi lớn nhất của người đã khuất: Các con được sống tốt và hạnh phúc. Bằng yêu thương, các thầy cô sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ để các con nên người.
Chủ tịch Trương Gia Bình vừa gửi thư chào đón những học sinh của Trường Hy Vọng. Toàn văn bức thư như sau:
Các con yêu quý,
Không nỗi đau nào bằng nỗi đau mất cha, mất mẹ. Không bất hạnh nào lớn hơn khi bỗng dưng trở thành trẻ mồ côi. Các con hãy biết rằng người cuối cùng cha mẹ nghĩ đến trước khi lìa đời là chính các con. Dầu không thể nuôi dưỡng các con được nữa, nhưng linh hồn cha mẹ vẫn luôn dõi theo các con, hy vọng các con sống tốt và hạnh phúc.
Trường Hy Vọng ra đời để làm dịu đi nỗi đau mất cha, mất mẹ, để chia vơi đi bất hạnh mồ côi. Tên trường chính là mong mỏi lớn nhất của người đã khuất: Các con được sống tốt và hạnh phúc. Bằng yêu thương, các thầy cô sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ để các con nên người.
Hơn thế nữa, Trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các con theo đuổi đam mê của mình trong khoa học hay công nghệ, nghệ thuật hay thể thao, kinh tế hay xã hội. Trường sẽ mời những người thành đạt trên nhiều lĩnh vực để tìm kiếm, hướng dẫn và phát triển tài năng của các con.
Ai trên đời cũng đều có tài năng tiềm ẩn nào đó. Biết yêu thương chính mình là tìm ra nó và bền bỉ nuôi dưỡng nó. Là Chủ tịch sáng lập Trường, cá nhân thầy cũng sẽ thường xuyên chia sẻ với các con những bài học rút ra từ cuộc đời mình.
Trường Hy Vọng là ngôi trường của tình yêu thương. Đó là tình yêu thương của các thầy cô; tình yêu thương của anh, chị, em học sinh trong trường – những người cùng cảnh ngộ như các con; của những người trong Quỹ Hy Vọng và những người trong đại gia đình FPT và cả những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng. Vào các dịp nghỉ lễ, Trường sẽ đưa các con về sống trong tình yêu thương của gia đình các con.
Linh hồn cha mẹ đã khuất muốn các con được hạnh phúc. Con người được hạnh phúc khi được yêu thương và con người được yêu thương chỉ khi trái tim mình biết yêu thương. Trái tim yêu thương là trái tim biết vui niềm vui của người khác, biết đau nỗi đau của người khác, biết lo nỗi lo của người khác. Trái tim yêu thương biết nhảy nhót cùng tia nắng trên những vòm cây, biết hòa theo tiếng chim hót, biết cảm thụ ngọn gió mơn man, biết trôi cùng mây trời và biết choáng ngợp dưới bầu trời đầy sao. Trái tim yêu thương là trái tim biết rung động trước vẻ đẹp mong manhcủa từng cánh hoa, biết trân quý tất cả những gì xung quanh mình.
Trái tim yêu thương sẽ cho các con trải nghiệm hạnh phúc trong từng khoảnh khắc. Nó sẽ là nguồn cảm hứng bất tận. Nó sẽ cho các con sức mạnh vượt mọi thử thách. Nó sẽ mở cho các con một thế giới tưởng tượng diệu kỳ để nhìn thấy những gì người khác không nhìn thấy. Nó sẽ giúp các con thành công. Bởi lẽ tất cả các phát minh trong khoa học, công nghệ, tất cả các đỉnh cao trong nghệ thuật hay thể thao, các thành tựu trong kinh doanh hay xã hội đều xuất phát từ trái tim biết yêu thương.
Các con yêu quý,
Thầy muốn nhắc lại một lần nữa rằng cha, mẹ các con vẫn luôn dõi theo mỗi bước các con đi và luôn trông mong các con sống tốt và được hạnh phúc. Các thầy cô và nhiều người khác nữa sẽ làm tất cả những gì có thể để các con được sống tốt và hạnh phúc. Bởi vậy, các con hãy cố gắng biến trái tim mồ côi đau thương của mình thành trái tim biết yêu thương.
Thầy,
Trương Gia Bình
Chủ tịch sáng lập Trường Hy Vọng
Trường nội trú FPT mang tên Hy Vọng ra đời trong hoàn cảnh các em nhỏ mất cha mẹ do dịch Covid-19 hoành hành. Lo sợ những mất mát, đau thương mà các em gánh chịu sẽ là rào cản cho tương lai sau này, do đó ngày 16/9, anh Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT, đã khởi xướng ý tưởng xây dựng một ngôi trường dành cho các em. |
Chungta.vn
Vâng,
Những ai đã là cha/mẹ, là con hay thậm trí là ông/Bà sẽ rất đồng cảm khi đọc thư của anh, cảm thấy tự hào khi đc là thành viên của tập đoàn FPT, có cá tính và nhiều hành động nhân văn “Bố/mẹ già có thể lẫn và dần quên đi hàng xóm, bạn bè hay không còn phân biệt được tiền và giấy. Nhưng những đứa con sẽ là thứ cuối cùng bố/mẹ thường nhớ và nhắc đến!”