Tái cấu trúc không còn là cụm từ xa lạ với các doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm then chốt, cần những thay đổi, “nghĩ khác – làm khác”. Facebook, Tesla hay Disney đều đã thành công và trở thành doanh nghiệp toàn cầu, đứng đầu nhiều lĩnh vực sau khi mạnh dạn tái cấu trúc bộ máy tổ chức.
Năm 2011, Facebook tuyên bố tái cấu trúc lần đầu tiên, lý do được đưa là mong muốn phù hợp hơn với sự tăng trưởng và hợp lý hóa quy trình phát triển sản phẩm của công ty. Khi đó, Facebook đã trở thành website được truy cập nhiều thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Google.
Quyết định đó đã đúng. Với bộ máy vận hành mới, Facebook đạt được thành công trên toàn thế giới và số lượng người dùng tăng lên chóng mặt.
Năm 2018, Facebook công bố cơ cấu bộ máy tổ chức mới. Lần lột xác thứ hai xuất hiện cùng thời điểm với giai đoạn công ty gặp rắc rối khi xử lý các cuộc tấn công an ninh mạng liên quan bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Thay vì 5 lĩnh vực, tổ chức bộ máy của Facebook tinh gọn lại còn ba lĩnh vực chính. Đó là Hệ thống ứng dụng, Nền tảng & hạ tầng mới và Dịch vụ sản phẩm trung tâm. Lần lượt giám đốc sản phẩm Chris Cox, CTO Mike Schroepfer và phó chủ tịch Javier Olivan sẽ là những người quản lý các lĩnh vực trên.
Một lần nữa, quyết định này lại chứng minh tính đúng đắn của nó khi Facebook gia nhập thị trường mới mang tên blockchain và thu về sự tăng trưởng chưa từng có.
Tesla
Từ khi thành lập năm 2003, thương hiệu sản xuất ôtô điện, pin năng lượng mặt trời và tàu vũ trụ Tesla đã nổi tiếng về sự đổi mới và tăng trưởng nhanh chóng. 15 năm sau khi thành lập, Giám đốc điều hành của Tesla, Elon Musk, thông báo “tái sinh” tổ chức với hàng loạt chi phí được cắt giảm. Nguyên nhân vị tỷ phú đưa ra là mong muốn một tổ chức phẳng hơn và cải thiện giao tiếp giữa các đội nhóm.
Trước áp lực từ các nhà đầu tư nhằm tăng dòng tiền và tăng tốc độ sản xuất xe hơi mới, Tesla cũng đã sa thải 3.000 nhân viên, tương đương 9% lực lượng lao động, như một phần của quá trình tái tổ chức. Hầu hết cá nhân bị ảnh hưởng đều làm công ăn lương, không phải là công nhân sản xuất, minh chứng cho việc công ty sẵn sàng cắt giảm trong các lĩnh vực không phải là sản xuất hàng đầu.
Tinh gọn bộ máy tổ chức là việc khó nhưng đôi khi là phần cần thiết của tái cơ cấu. Trong trường hợp của Tesla, những dấu hiệu ban đầu cho thấy việc tái tổ chức đang thành công. Thời điểm năm 2018, sau màn “lột xác”, giá cổ phiếu của Tesla lao ngược trở lại đường đua và các nhà phân tích thị trường dự đoán công ty sẽ sớm đạt được các mục tiêu về sản lượng và dòng tiền.
The Wall Street Journal
Đầu năm 2017, Dow Jones công bố kế hoạch tổ chức lại ấn phẩm hàng đầu của mình, The Wall Street Journal, và khẳng định điều này sẽ giúp công ty chuyển hướng sang chiến lược kỹ thuật số, bắt kịp xu thế công nghệ. Chiến dịch tái cấu trúc bộ máy được đặt tên là WSJ2020, nhằm loại bỏ các quy trình biên tập lỗi thời, chuyển trọng tâm từ báo in sang kỹ thuật số. Công ty cũng thông báo về việc tạo ra các danh mục công việc mới và sắp xếp các vị trí nhà báo với tầm nhìn định hướng công nghệ hơn.
Một số vị trí nhân viên đã bị cắt giảm trong các văn phòng của WSJ châu Á và châu Âu, nhưng ở Mỹ, WSJ có kế hoạch sắp xếp lại đội ngũ nhân viên hiện có thay vì hàng loạt sa thải hoặc cách chức. Kết quả, WJS bước vào năm 2019 với tâm thế sẵn sàng, các cây bút mang theo tinh thần tác nghiệp tác chiến. Trong dịch Covid-19, họ đã chứng minh được vị thế qua hàng loạt phóng sự, phân tích chất lượng về nội dung, mãn nhãn về hình ảnh, công nghệ, mang tới trải nghiệm đọc mới cho độc giả hiện đại.
Năm 2015, Google tái cấu trúc và thành lập công ty mẹ Alphabet. Mục tiêu của quyết định táo bạo này là củng cố vị trí dẫn đầu của Google với tư cách là thương hiệu công nghệ thành công nhất thế giới, mở rộng sang các ngành công nghiệp mới.
Google đã bổ nhiệm vị trí CEO mới và đây cũng là khoảng thời gian để hai nhà đồng sáng lập có thêm thời gian, sức lực tập trung khám phá các cơ hội kinh doanh mới. Sau đó, Google bước vào quỹ đạo tăng trưởng đầy bất ngờ.
Sau hai năm hoạt động theo bộ máy mới, có 4 điều tích cực mà Google thu lại được. Thứ nhất, việc tách rời hoạt động kinh doanh truyền thống khỏi các dự án đầu tư đã mang lại sự minh bạch hơn cho các nhà đầu tư. Thứ hai, mỗi đơn vị kinh doanh có Giám đốc điều hành riêng và quyền tự chủ lớn hơn trong hoạt động hàng ngày. Thứ ba, các đơn vị kinh doanh đầu tư của Alphabet đã kiểm soát chi tiêu và đang làm việc để có lãi. Thứ tư, đội ngũ lãnh đạo của công ty đã trở nên đa dạng hơn, với nhiều vị trí trong đội ngũ điều hành cấp cao là phụ nữ (6/13), nhiều hơn bất kỳ công ty công nghệ nào khác trong Fortune 100.
Disney
Disney đã phát triển theo cấp số nhân kể từ khi Walt Disney xây dựng tổ chức vận hành đầu tiên. Năm 2018, thương hiệu công bố tái cấu trúc với mục tiêu giúp hãng tận dụng các cơ hội tăng trưởng ở Mỹ và quốc tế.
Theo cấu trúc mới, công ty sẽ được tổ chức thành bốn mảng kinh doanh chính. Đây là động thái nhằm định vị công ty để mở rộng toàn cầu, đổi mới công nghệ nhiều hơn và tạo ra nhiều nội dung đa dạng hơn cho khán giả.
Disney tạo ra những bộ phim và công viên giải trí thu hút cả người trẻ lẫn người già, từng bước cạnh tranh với Netflix và Amazon trong lĩnh vực steam. Việc hợp nhất các đơn vị kinh doanh nhất định và mở rộng trách nhiệm cho một số cá nhân trong đội ngũ quản lý cũng được đánh giá là quyết định quyết liệt, mạnh mẽ nhưng đúng đắn.
Trọng tâm của bất kỳ quyết định tái cấu trúc bộ máy nào, yếu tố then chốt đó chính là kế hoạch được thai ngén kỹ lưỡng và bước triển khai thật mượt mà, xem xét tác động của nó tới hàng loạt lĩnh vực, khách hàng và nhân viên.
Bằng chứng từ những ông lớn đã cho thấy các doanh nghiệp đứng đầu sẽ không bao giờ dừng lại ở một bộ máy tổ chức duy nhất. Việc tái tổ chức là điều tất yếu và cần thiết cho những đòi hỏi của thị trường, khách hàng. Nó cũng tạo ra nhiều vị trí công việc mới, cơ hội mới.
Thu Hòa