Công ty mới thành lập dựa trên hợp nhất thương hiệu của FPT Play và Truyền hình FPT, do anh Phạm Thanh Tuấn là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc.
Ngày 28/9, Ban Nhân sự (FHR) FPT Telecom thông báo quyết định thành lập Công ty TNHH Truyền hình FPT (viết tắt là FPL). Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/10/2021.
Công ty TNHH Truyền hình FPT do Công ty Cổ phần Viễn thông FPT sở hữu 100% vốn, trụ sở ở TP.HCM. Mô hình công ty là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, do anh Phạm Thanh Tuấn, cũng là người đại diện pháp luật, đảm trách. Công ty có một chi nhánh tại Hà Nội, do chị Tô Nam Phương làm Giám đốc.
Anh Phạm Thanh Tuấn sinh ngày 4/2/1976, anh tốt nghiệp Đại học Bách Khoa (khoa Điện – Điện tử) và Đại học Kinh tế (khoa Quản trị Kinh doanh). Ngày 1/11/1999, anh Tuấn đầu quân cho FPT.
Sau khi gia nhập công ty, anh Tuấn giữ nhiều vị trí chủ chốt của FPT Telecom như: Kỹ thuật viên, Trưởng phòng Kỹ thuật, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng (INF), Giám đốc Chi nhánh Bến Thành, Giám đốc Vùng 5, Vùng 6, Vùng 7, Giám đốc Dự án Đường trục Bắc – Nam, Giám đốc Ban Dự án FPT Smart Surveillance (FSS), Giám đốc Phát triển Kinh doanh. Từ tháng 1/2015 đến tháng 8/2016, anh Tuấn cũng là Giám đốc Ban Dự án Truyền hình trả tiền (tiền thân của Trung tâm Dịch vụ Truyền hình).
Ngoài ra, theo cơ cấu nhân sự do FHR đưa ra, chị Tô Nam Phương và chị Trần Thị Thu Trang là hai Phó tổng giám đốc của Công ty TNHH Truyền hình FPT.
Gắn bó với FPT hơn một thập kỷ, chị Tô Nam Phương từng đảm nhiệm qua nhiều vị trí quan trọng của đơn vị. Thời gian đầu, chị giữ chức vụ PTGĐ Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế FPT (FTI, thuộc FPT Telecom). Sau đó, năm 2011-2015, chị Phương được bổ nhiệm làm Chủ tịch FTI. Ngoài ra, năm 2013, chị kiêm nhiệm thêm vị trí PGĐ Trung tâm Dịch vụ Truyền hình (hay Truyền hình FPT). Từ đó đến năm 2019, chị Phương được giao trọng trách kiêm nhiệm vị trí GĐ Trung tâm Marketing.
Năm 2020, chị Phương đảm nhiệm vị trí Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Truyền hình, tập trung phát triển nhiều mảng nội dung quan trọng. Tại FPT, chị Phương được mệnh danh là “bà đầm thép” trong công việc, luôn dẫn đầu, tiên phong, đưa trung tâm bứt phá và đạt nhiều thành tựu xuất sắc. Năm 2018 và 2021, Trung tâm Dịch vụ Truyền hình cán mốc thuê bao kỷ lục.
Chị Trần Thị Thu Trang sinh năm 1979, gia nhập FPT năm 2001. Trong suốt 20 năm gắn bó với nhà F, chị đảm nhận nhiều vị trí quan trọng: Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo Trực tuyến FPT; Phó Giám đốc Khối Nội dung và Quảng cáo trực thuộc FPT Online và Giám đốc FPT Online chi nhánh Hà Nội.
Năm 2012, chị Trang được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc FPT Online. Năm 2014, chị được luân chuyển sang FPT Telecom, với chức vụ Trưởng Ban Dự án Start-up. Chị đã cùng các đồng nghiệp Ban Dự án Start-up xây dựng thương hiệu FPT Play từ những ngày đầu chập chững cho đến khi FPT Play thành công trở thành thương hiệu quen thuộc và là ứng dụng cung cấp dịch vụ hàng đầu trên thị trường Việt Nam.
Sau khi FPT Play và Truyền hình FPT hợp nhất thương hiệu, thành lập Công ty mới, chị Trang và chị Phương đều được tin tưởng giao nhiệm vụ Phó tổng giám đốc.
Công ty hiện có 6 khối, gồm Kinh doanh, Kỹ thuật và Hệ thống, Nội dung, Kỹ thuật Sản xuất, Văn phòng và Digital. Trong đó, anh Lê Trọng Đức là Giám đốc Công nghệ, anh Phạm Anh Tuấn đảm trách nhiệm vụ Giám đốc Kỹ thuật, chị Nguyễn Thu Hương là Giám đốc khối Nội dung, anh Trần Quang Minh sẽ giữ trọng trách Phó giám đốc khối Nội dung, anh Phạm Ngọc Thạch là Giám đốc khối Kỹ thuật Sản xuất. Khối Digital do anh Nguyễn Huy Hoàng làm Giám đốc. Anh Đinh Tiến Dũng vẫn giữ chức Giám đốc Sáng tạo.
Công ty có 37 phòng, ban, trung tâm. Lĩnh vực kinh doanh của công ty là sản xuất, phát hành phim điện ảnh, hoạt động viễn thông không dây, lập trình máy vi tính…
Anh Phạm Thanh Tuấn (Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty TNHH Truyền hình FPT) chia sẻ công ty mới thành lập có rất nhiều hứa hẹn với mảng doanh thu quảng cáo, kỳ vọng đây sẽ là hướng phát triển đột phá của Viễn thông FPT trong thời gian tới.
Văn bản mới ban hành cũng yêu cầu giải thể Trung tâm Dịch vụ Truyền hình và Ban Dự án Start-up; miễn nhiệm các chức vụ quản lý thuộc hai đơn vị này; điều chuyển CBNV từ Dự án Fshare – Start-up sang Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế FPT (FTI); điều chuyển CBNV thuộc Trung tâm Dịch vụ Truyền hình và Ban Dự án Start-up (không gồm CBNV Dự án F-share) sang Công ty TNHHH Truyền hình FPT.
Trước đó, ngày 15/9, trong cuộc họp thường quý, các thành viên HĐQT cũng thông qua việc phê duyệt thành lập Công ty TNHH Truyền hình FPT trên cơ sở hợp lực 2 đơn vị FPT Play và Truyền hình FPT.
Thu Hòa