Vào chuyến công tác cuối năm 2020, Chủ tịch FTEL Hoàng Nam Tiến và Giám đốc Công nghệ FTEL Trần Thanh Hải đã gợi ý, khuyến khích Ban Quản lý và Phát triển đường trục (PMB) mang sản phẩm “Mái vòm che Container” dự thi sáng kiến. Hãy cùng Foxnews khám phá cụ thể hơn về sản phẩm mới lạ này!
Trong vòng thi Chung khảo tháng 7 của chương trình Sáng tạo FTEL 2021, sản phẩm “Mái vòm che Container” của tác giả Nguyễn Nhật Khánh Vân và Nguyễn Văn Quyền đến từ Ban PMB đã đạt giải Đồng.
Đặc biệt, nhóm tác giả đã mang sáng kiến này dự thi Sáng tạo FTEL 2021 theo lời gợi ý của anh Hoàng Nam Tiến và anh Trần Thanh Hải, trong chuyến công tác tới Tây Nguyên vào cuối năm 2020. Sau khi khảo sát, đánh giá sản phẩm thực tế tại hiện trường, anh Hoàng Nam Tiến và anh Trần Thanh Hải đánh giá cao sự sáng tạo và tính mới của sản phẩm này.
Anh Hoàng Nam Tiến và anh Trần Thanh Hải thăm trạm trong chuyến công tác Tây Nguyên
Cụ thể, sản phẩm được thực hiện nhằm tránh sự xâm thực của thời tiết đến vỏ Container, gây ảnh hưởng đến các thiết bị đang vận hành của PMB. Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết ẩm ướt, độ ẩm cao. Trong quá trình vận hành trạm Container, thời tiết đã gây ra hiện tượng oxi hóa làm cho vỏ bị rỉ sét, gây hư hỏng nghiêm trọng thiết bị bên trong trạm, tốn nhiều chi phí và thời gian trong việc cải tạo trạm Container, giảm tuổi thọ sử dụng máy điều hòa và Container, mất thẩm mỹ trạm truyền dẫn tuyến trục.
Qua các lần kiểm tra định kỳ trạm Container, nhóm tác giả đã phát hiện ra hiện tượng các trạm xuống cấp. Từ đó, nhóm đã thảo luận cùng các thành viên khác trong đơn vị và đưa ra phương án lắp mái vòm che Container.
Quá trình thực hiện ý tưởng quả thực không dễ dàng. Đầu tiên nhóm đã gặp khó khăn trong việc thuyết phục Quản lý phòng và Ban Giám đốc PMB, nhóm đã trình bày những ưu điểm và khuyết điểm khi lắp mái vòm, tính toán bố trí lên mái vòm để chịu được từng cấp độ thời tiết khác nhau của từng khu vực có trạm. Ngoài ra, nhóm tác giả đã xin thử nghiệm mái vòm che Container bằng việc lắp trạm mẫu trong vòng 2 năm để đánh giá và hoàn thiện.
Mái vòm che Container được lắp đặt nhằm mục tiêu tạo ra thêm một lớp bảo vệ tăng cường tuổi thọ Container thêm từ 10 tới 20 năm, tạo kế hoạch cải tạo Container dự định sau khi lắp mái che từ 3 năm lên 6 năm. Việc di chuyển cục nóng lên nóc Container giúp tiết kiệm không gian trạm và tránh phá hoại từ bên ngoài.
Mái vòm che Container trạm truyền dẫn tuyến trục sẽ được lắp đặt và tận dụng không gian phía trên nóc Container. Mái vòm che Container được làm bằng khung thép có mái làm bằng tôn uốn dạng vòm với kích thước và nguyên vật liệu lắp đặt tiêu chuẩn.
Việc lắp đặt mái vòm che Container cho các trạm truyền dẫn tuyến trục với chi phí đầu tư là 12,500,000 VNĐ/ 1 trạm. Việc đầu tư lắp đặt mái vòm sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí như: Giảm tần suất bảo trì máy lạnh từ 4 lần/ năm xuống 3 lần/ năm, giảm chi phí 1,000,000 VNĐ/ trạm, tăng thời gian cải tạo, sửa chữa vỏ và nóc container định kỳ từ 3 năm/ 1 lần lên 6 năm/1 lần, giảm chi phí cải tạo vỏ và nóc container với chi phí từ 16,666,000 VNĐ/1 năm xuống 8,333,000 VNĐ/1năm (Tiết kiệm nữa chi phí so với ban đầu chưa lắp mái vòm che container), …
Theo anh Nguyễn Nhật Khánh Vân – thành viên nhóm tác giả sản phẩm nhóm đã có nhiều lần trao đổi, thảo luận và cả phản biện lẫn nhau trong quá trình làm việc để đưa ra phương án tối ưu nhất cho sản phẩm so với thực tế khu vực.
Các thành viên PMB
Ngoài ra, Ban Giám đốc PMB cũng đã góp ý nhiều dựa trên trải nghiệm thực tế và đưa ra những lời khuyên giúp sản phẩm ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, anh Nguyễn Hoài Nam – Giám đốc PMB luôn theo sát các thành viên PMB ở vòng Chung khảo để cổ vũ, hỗ trợ nhóm. Trong tất cả các số Chung khảo có đội đến từ PMB, anh Nguyễn Hoài Nam đều tham gia và tiếp thêm tinh thần cho các thành viên của đơn vị mình, đây chắc chắn là liều “doping” cho các tác giả thêm phần sáng tạo, tự tin khi trình bày trước Hội đồng Thẩm định.
“Việc sản phẩm ra đời và được áp dụng là niềm vui không gì có thể tả. Sản phẩm này đã góp một phần mang lại hiệu quả an toàn trong vận hành trạm truyền dẫn, do đó nhóm càng tự hào vì đã góp công sức vào sự phát triển chung của PMB.” – Nhóm tác giả chia sẻ.
Siêu Ú