Nằm trong chuỗi chương trình kết nối Foxnews, sáng ngày 31/08, Tọa đàm Covid-19 và cách ứng xử trong đại dịch với chủ đề “Vượt qua áp lực, trầm cảm trong đại dịch” do Ban Truyền Thông phối hợp cùng Trung tâm Đào tạo tổ chức đã thu hút hơn 1800 người theo dõi livestream cùng lúc và hơn 320 lượt tương tác liên quan đến chủ đề của chương trình.
Trầm cảm và các bệnh lý liên quan đến sức khỏe tâm thần vẫn đang còn khá mơ hồ với nhiều người. Đôi lúc chúng ta vẫn thường lơ là với những cảm xúc, hành vi bất thường của chính mình và người xung quanh.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, sự bùng phát của Covid-19 đã thay đổi cuộc sống hằng ngày của mỗi người, khiến bản thân rơi vào lo âu. Lúc này, sự rối loạn tinh thần và các vấn đề thay đổi tâm lý trở nên rõ nét hơn, chúng ta dần nhận ra tính nguy hại của nó. Đó cũng là lý do chương trình được xây dựng nhằm đồng hành cùng CBNV nhà Cáo vượt qua những khó khăn về áp lực, trầm cảm trong mùa dịch.
Chương trình có sự tham gia của Chủ tịch FTEL Hoàng Nam Tiến cùng Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, cố vấn chuyên môn của Trung tâm Công nghệ Y khoa DNA (DNA medical Technology). Các khách mời được kết nối thông qua nền tảng họp trực tuyến OnMeeting và phát trực tiếp trên Fanpage Foxews.fpt.vn.
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm nhiều hơn trong đại dịch Covid-19?
Tại buổi tọa đàm, Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa đã đưa ra thống kê chi tiết về tỉ lệ số người mắc bệnh trầm cảm tăng gấp 5 lần trong mùa dịch so với bình thường. Trong khi đó, nỗi lo âu sợ hãi, sang chấn tinh thần khi tiếp nhận thông tin đặc biệt như người thân nhiễm bệnh, gặp nguy hiểm tính mạng … cũng tăng hơn 50%, đặc biệt là stress tăng hơn 80% trong cộng đồng. Sự tác động của bệnh dịch đã thể hiện rõ rệt qua những con số thống kê cụ thể.
Bác sĩ cũng cho biết, nhiều người thường lầm tưởng nữ giới và những người lớn tuổi sẽ là đối tượng gặp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần bởi dại dịch. Thực chất, lứa tuổi thanh niên, người trẻ tuổi dưới 40 tuổi, độ tuổi thường xuyên bay nhảy, giải trí đang bị ràng buộc bởi giãn cách xã hội, sự cố lập, tù túng, … hay những người có sẵn những căn bệnh mãn tính, có bệnh lý liên quan đến tâm thần trước đó lại là đối tượng cần phải được tập trung quan tâm nhiều hơn trong giai đoạn này. Kể cả lứa tuổi học sinh, sinh viên, người thất nghiệp … thường xuyên tiếp xúc với mạng xã hội cũng là những đối tượng có tên trong danh sách không an toàn.
“Theo khảo sát, sự quá tải của của truyền thông trong thời gian đại dịch cũng là một trong những nguyên nhân chính gây áp lực tinh thần.” – Bác sĩ khẳng định.
Không nằm ngoài vòng áp lực tâm lý trong mùa Covid-19, anh Hoàng Nam Tiến chia sẻ, lãnh đạo khi làm việc ở nhà cũng sẽ có những khó khăn, áp lực từ họp hành, công việc, theo dõi màn hình thiết bị điện tử liên tục, mỗi ngày … Vì thế, biểu hiện bất ổn định sẽ gặp nhiều hơn và nặng hơn ở các vị lãnh đạo.
Anh nhấn mạnh: “lãnh đạo có thể từ bỏ tất cả mọi thử nhưng không thể từ bỏ trách nhiệm với hàng trăm, hàng nghìn người, thậm chí là những gia đình đang nhìn vào mình. Lãnh đạo phải làm gương trong mọi buổi họp hành, làm việc và hành động dù có bị cách ly. Làm việc ở nhà thì tổ chức hệ thống lúc nào cũng đánh giá nhanh, chính xác và công bằng. Xây dựng công ty thành cộng đồng có sự chia sẻ, kết nối, hỗ trợ và đặc biệt là phải có niềm vui. Nếu duy trì được tinh thần đó, chúng ta sẽ giữ được sự sáng suốt, giảm khả năng trầm cảm.”
Ngoài những chỉ điểm về biểu hiện của những bệnh lý, nguyên nhân tạo ra áp lực, sự tiêu cực trong sức khỏe tâm thần, dưới tác động của đại dịch. Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa còn đưa ra ví dụ thực tế để làm sao chúng ta có thể nhận ra bản thân đang gặp vấn đề về tâm lý.
Làm thế nào để bản thân luôn được thoải mái, tích cực trong giai đoạn này?
Bên cạnh những hướng dẫn mang tính khoa học về cách điều trị hữu hiệu nhất trong mùa dịch, Bác sĩ đã đưa ra lời khuyên để giảm tải sự căng thẳng thần kinh, áp lực công việc bằng cách chăm sóc bản thân thật tốt, sắp xếp công việc hợp lý, dành thời gian đảm bảo ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, tập thể dục, … gọi điện cho gia đình, làm bất kỳ điều gì mà chúng ta cảm thấy thoải mái nhất. Khi quá tải, cần có sự nghỉ ngơi, thư giãn kịp thời. Hay để tránh việc bản thân cảm thấy cô đơn, chúng ta cần có những cuộc “meeting” online như chơi game, trò chuyện nhóm, hoạt động “giải trí tập thể” thông qua hình thức trực tuyến. Bác sĩ nhận định: “Sự lạc quan, hài hước cũng là một yếu tố bảo vệ tinh thần mỗi người.”
Tại FTEL, việc xây dựng văn hóa tinh thần trong nội bộ cho các CBNV cũng được đẩy mạnh. Anh Tiến cho rằng, phải xây dựng được 4 chữ chia sẻ, kết nối, hỗ trợ và phải vui thông qua những bản rap, từ những series sáng tác Stco, cho đến những hoạt động cộng đồng góp tiền, sức và đặc biệt là chúng ta tổ chức kết nối với nhau. Anh chia sẻ, cách đây vài tuần, hàng ngàn gói rau củ gửi đến Khách hàng hay những đợt thuốc men, gói cứu trợ được mang đến cho CBNV FTEL từ đường dây nóng … những điều này đã mang đến niềm vui hơn cả ngày thường, giúp mọi người lan tỏa tinh thần tích cực, giải tỏa căng thẳng hơn bao giờ hết.
Trong khuôn khổ chương trình tọa đàm, BTC cũng đã công bố kết quả minigame số phát sóng ngày 25/08 cùng với bộ giải thưởng hấp dẫn dành cho minigame lần này.
Bộ giải thưởng bao gồm: 01 Gói DNA Premium của DNA Medical Technology, trị giá 13.900.000 VNĐ và 4 giải thưởng khác có giá trị 1.000.000 đồng. Đây là dịch vụ giải mã gen công nghệ hiện đại nhất, được ứng dụng rộng rãi trên các quốc gia phát triển trong việc phòng ngừa & điều trị các bệnh ung thư & bệnh mạn tính.
Khép lại số phát sóng thứ hai, chương trình thu hút hơn 870 lượt tương tác và tiếp cận gần 12.000 người. Đặc biệt, chương trình ghi nhận số con đầy kỷ lục trong nội bộ với 1.800 người theo dõi Livestream cùng lúc. Điều này đã cho thấy sức hút của chương trình và sự quan tâm của mỗi CBNV đối với đời sống tinh thần của mình.
Vào ngày 01/09 tới, Tọa đàm về Covid-19 và cách ứng xử trong đại dịch sẽ tiếp tục phát sóng vào khung giờ 10h30 trên Fanpage Foxnews.fpt.vn với chủ đề F0 không cô đơn. CBNV sẽ cùng nhau tìm hiểu FPT, FTEL có những chính sách gì hỗ trợ nhân viên trong mùa dịch này cũng như câu chuyện chiến thắng Covid-19 từ chính đồng đội chúng ta là F0, F1.
Theo dõi lại Tọa đàm về Covid-19 và cách ứng xử trong đại dịch số 2 với chủ đề “Vượt qua áp lực, trầm cảm trong đại dịch” tại đây.
Huyền Trân