Với tinh thần ứng biến linh hoạt, nắm bắt cơ hội giữa khó khăn, một số nhân viên kinh doanh SG13 (quận Gò Vấp, TP HCM) đã lập nên kỷ lục mà trước đó họ chưa làm được.
Ngay từ đầu tháng 6, Gò Vấp là quận đầu tiên của TP HCM bị phong tỏa. Các salesman Trung tâm Kinh doanh Sài Gòn 13 (Gò Vấp) không khỏi nôn nao, lo lắng. Một mặt, họ lo cho sức khỏe đồng nghiệp và cả bản thân. Mặt khác, họ lo về chỉ tiêu được giao trong tháng, về khó khăn trong việc gặp gỡ khách hàng để ký kết hợp đồng…
Quả ngọt từ kênh trực tuyến
Nguyễn Thị Thuỳ Mai là nữ salesman có số hợp đồng ký kết cao nhất trung tâm trong tháng 6 dù gần như chỉ tập trung vào kênh bán hàng online. Tháng 6 cũng là kỷ lục cá nhân của Mai với tổng 143 hợp đồng.
Vốn coi kênh trực tuyến là chủ đạo, Mai đã quen hơn với những khó khăn đặc thù như việc thuyết phục vất vả hơn, việc tương tác giữa khách hàng và khối kỹ thuật mất nhiều thời gian hơn, sự cần thiết hướng dẫn khách hàng thanh toán trực tuyến…
Chính vì thế, khi nghe thông tin phong tỏa toàn quận Gò Vấp, cô có phần bình tĩnh hơn các đồng nghiệp của mình. Nguyễn Thị Thuỳ Mai tuy biết cuộc sống của người dân trong quận sẽ gặp khó khăn hơn, nhưng đây cũng là lúc nhu cầu truy cập mạng để làm việc từ xa, giải trí…tăng cao. “Trong nguy có cơ, đây là một cơ hội bán hàng cho mình”, Mai thầm nghĩ. Nắm bắt thói quen mua sắm của khách hàng, Mai cho rằng mùa dịch thì kênh online càng được chú trọng nhiều hơn. Các đối tượng cần được tập trung là bậc phụ huynh, vì nhu cầu sử dụng Internet và Truyền hình tăng cao hơn.
Tuy phải đầu tư một khoản vào kênh quảng cáo, với cô gái, làm nhân viên kinh doanh thì chốt được nhiều khách hàng nhất chính là niềm vui sướng nhất. Với kinh nghiệm của mình, việc kết nối đội kỹ thuật hỗ trợ khách hàng lắp mạng gấp ngay trong khu vực phong tỏa cũng không làm khó được Thùy Mai.
Là người phụ nữ của gia đình, Nguyễn Thị Thuỳ Mai còn cần sắp xếp thời gian nấu ăn, khi ông xã (cùng làm FPT Telecom) cũng làm việc tại nhà. Gửi con về quê tránh dịch, chị yên tâm hơn tập trung vào công việc và giữ lịch trình gần như giống khi làm ở văn phòng. “May mắn tôi có chồng làm cùng công ty nên cũng dễ cảm thông cho tính chất công việc”, Mai nói.
Tự nhận bản thân là người sống khá tình cảm và “nhiều chuyện”, việc đầu tiên nữ nhân viên kinh doanh muốn làm khi hết phong tỏa là lên công ty cùng làm việc và nói chuyện cùng anh em trong phòng.
‘Đồng cam cộng khổ’ với khách hàng
Ngô Mạnh Hùng, salesman V5 SG13, nhớ mãi lần len lỏi vào con đường nhỏ vào một khu trọ ẩm thấp để đến nhà khách hàng. Đó là một gia đình khó khăn cần lắp mạng cho 2 đứa con học trực tuyến. Thấy hoàn cảnh khách hàng khó khăn, lại không đủ tiền đóng trả trước 3 tháng, Hùng đã chủ động hỗ trợ một phần kinh phí từ tiền túi bản thân, cho khách hàng tạm thời đóng một số tiền ít đi và cho khách hàng nợ lại một phần tiền, khi nào khách hàng có điều kiện sẽ gửi lại.
“Sau khi ký hợp đồng, tôi cũng thường chủ động hỏi thăm tình hình học tập của 2 bé đang đi học, và tặng thêm những phần quà như khẩu trang, nước rửa tay, bình nước để mang lại niềm vui tới cho khách hàng”. Với Hùng, đó là cách anh không chỉ làm công việc của một salesman mà còn là một người kết nối khách hàng với công ty.
Trước đó, khi nhận chỉ đạo làm việc từ xa, Hùng hơi bối rối. Nhưng ngay lập tức anh nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Ban Giám đốc Trung tâm. Hùng biết mình phải thích nghi và thay đổi.
Không còn có thể đi thị trường, tiếp xúc khách hàng trực tiếp như trước, Mạnh Hùng chuyển qua kênh online và làm đại lý hiệu quả, đồng thời tập trung chăm sóc khách hàng cũ. Việc đi làm thị trường chuyển từ đi nhóm đông chuyển sang chia nhỏ 2 người, thay sticker bằng những bảng hiệu, băng-rôn để tiếp cận khách hàng mới. Công việc thường ngày của anh thường bắt đầu vào mỗi buổi sáng lúc 7h30 và kết thúc vào mỗi tối khi không còn những khách hàng cần hỗ trợ.
Qua việc thường xuyên chủ động chăm sóc, anh có thêm những khách hàng được người cũ giới thiệu. Trên hết, chàng trai trẻ tỏ ra nhạy bén trong việc linh hoạt trong chính sách bán hàng, chia sẻ khó khăn với khách hàng.Từ đó, số phát triển thuê bao có chuyển biến tích cực hơn.
“Tôi luôn luôn cảm thấy may mắn vì còn công việc để làm, không như nhiều người khác. Hơn nữa, công ty đã luôn quan tâm, khuyến khích và hỗ trợ”, Hùng nói.
Không ngại ngần xông pha điểm nóng
Mặc đồ bảo hộ, khẩu trang, làm các thủ tục khai báo y tế – đó là hình ảnh của salesman Đậu Đức Định khi đi chốt hợp đồng giữa điểm nóng. Khách hàng chính là các bác sĩ trong một bệnh viện thuộc diện cách ly.
Được Ban Giám đốc bệnh viện đồng ý và với sự hỗ trợ của ban quản lý, Định đã lắp đặt thành công 2 box FPT Play Box cho khách hàng đặc biệt.
Cũng như các đồng nghiệp, Định chú trọng vào kênh trực tuyến, trong khi vẫn giữ hoạt động “đi thị trường” lúc có thể. Sáng dậy, sau khi tập thể dục nhẹ nhàng, anh sẽ vào ngay các trang mạng để kiểm tra và đăng các thông tin liên quan đến khuyến mãi và các thông tin khác liên quan sản phẩm. Tiếp đó, salesman xử lý các công việc còn tồn ngày hôm qua, trước khi đi làm thị trường buổi sáng.
Đầu giờ chiều, anh tiếp tục các hoạt động online, giải quyết các hợp đồng cần xử lý, và tiếp tục đi thị trường vào tầm 4h giờ chiều trời đỡ nắng. Tối về, chàng trai trẻ lại tiếp tục viết bài đăng web, tương tác mạng xã hội mãi tới 1-2h sáng.
Mỗi sale có nhiều kênh tiếp cận người dùng khác nhau, và Định cũng dùng đa phương thức. Tuy nhiên, với cậu, tiếp cận trực tiếp là tốt nhất vì truyền đạt thông tin cho khách hàng một cách trực quan, dễ nghe, dễ hiểu và cũng nắm rõ được nguyện vọng, nhu cầu của họ. Song song đó, chăm sóc khách hàng sau bán hàng vô cùng quan trọng bởi đó là cách giữ uy tín của thương hiệu với người dùng. Hơn nữa, nếu chăm sóc tốt thì khách hàng cũ sẽ là người giới thiệu cho mình người dùng mới.
Tự hoàn thiện bản thân từ đa dạng phương thức bán hàng, nắm bắt được tâm lý khách trong mùa dịch (cần sự an toàn, được hỗ trợ giá và quà tặng), đi kèm thái độ nghiêm túc, quyết tâm “không ở nhà nằm nghỉ ngơi” là bí quyết lập kỷ lục ngay trong cao điểm dịch của chàng nhân viên kinh doanh Đậu Đức Định. “Và điều cần thiết là tôi đã rèn luyện được tính tự bảo vệ bản thân như tập thể dục ở nhà, biết tự nấu ăn cho mình, biết cách tự trị cách bệnh thường gặp”, Định nói thêm.
Theo anh Thái Thành Trinh, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Sài Gòn 13, nhờ nỗ lực của tập thể mà đơn vị đã vượt qua tháng 6 nhiều khó khăn với các chỉ số tốt. Trong đó, bộ ba Thuỳ Mai – Đức Định và Mạnh Hùng đã nỗ lực kinh doanh tốt, lập kỷ lục cá nhân trong phát triển thuê bao. Đà tăng trưởng của Trung tâm Kinh doanh Sài Gòn 13 đang tiếp tục được phát huy trong nửa đầu tháng 7 dù TP HCM đã trải qua chỉ thị 15, 10 rồi đến 16.
Theo Chungta.vn