“FPT giống như xã hội thu nhỏ, có điểm mạnh và điểm yếu, như bàn tay có ngón ngắn ngón dài. Nên sẽ không có việc một đơn vị tốt hay xấu hoàn toàn. Hãy xem thưởng – phạt như một việc rất bình thường”, TGĐ FPT Nguyễn Văn Khoa nhận định.
Từ ngày 15/7, Chính sách “3 thưởng – 1 phạt” chính thức có hiệu lực tại nhà F. Theo đó, cán bộ nhân viên (CBNV) có thể được động viên, tôn vinh, thưởng nóng cũng như nhắc nhở, phê bình, cảnh báo những sai sót, vi phạm trong chính công việc hằng ngày một cách kịp thời. Chính sách cũng nhằm tăng cường sự sâu sát, gắn kết nhưng nghiêm minh giữa cán bộ quản lý và cấp dưới.
– Năm 2019, FPT đã ban hành Quy định về Giao – nhận nhiệm vụ, chế độ báo cáo và kỷ luật tuân thủ tại FPT. Trước đó cũng đã áp dụng Kỷ luật lao động theo Bộ Luật Lao động của Nhà nước. Vậy tại sao năm nay, tập đoàn lại tiếp tục ban hành Chính sách “3 thưởng 1 phạt”, thưa anh?
– Với một tập đoàn đã có lịch sử hơn 30 năm và quy mô 36.000 CBNV, FPT cần có những chính sách phù hợp để duy trì tính kỷ luật trong tập đoàn. Năm 2019, FPT đã ban hành Quy định về Giao – nhận nhiệm vụ, chế độ báo cáo và kỷ luật tuân thủ, trước đó cũng đã áp dụng Kỷ luật lao động theo Luật Lao động của Nhà nước và sắp tới là Chính sách "3 thưởng 1 phạt".
Người FPT luôn tôn trọng mỗi cá nhân nhưng hiện tại, chúng ta có hơn 36.000 con người, với đội ngũ đông như vậy, kỷ luật là chuẩn mực chúng ta phải tuân thủ theo để giữ vững hàng ngũ, phù hợp với 6 giá trị "Tôn – Đổi – Đồng – Chí – Gương – Sáng". Quy định ban hành không phải với mục đích dùng như một công cụ nghi kỵ lẫn nhau, kỷ luật càng nhiều càng tốt mà nó hướng đến sự tôn trọng tập thể.
Người FPT đã quen với khen và động viên nhiều mà quên mất yếu tố còn lại. Để giữ sự cân bằng, tập đoàn đưa ra Chính sách “3 thưởng 1 phạt” nhằm nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ quản lý trong thực thi nhiệm vụ tôn vinh, khen thưởng và gìn giữ sự nghiêm minh, tuân thủ kỷ luật trong tổ chức. Về lâu dài nâng cao khen thưởng, kỷ luật tạo nên văn hóa cân bằng tại FPT. Khi thành văn hóa, mọi việc sẽ diễn ra tự nhiên với tinh thần tự giác.
Chính sách cũng cung cấp thêm công cụ cho "người chỉ huy", đó là có toàn quyền thưởng – phạt nhân viên dưới quyền, nhanh chóng, kịp thời mà không phải qua nhiều bước như trước đây.
– Vậy những thành tích nào sẽ được thẻ thưởng, và ngược lại, thẻ phạt ghi nhận những vi phạm gì?
– Thẻ thưởng được dùng để khen các chiến công/thành tích đột xuất mà cán bộ quản lý thấy cần biểu dương (bằng lời nói) hoặc thưởng nóng (bằng tiền) kịp thời. Ví dụ dùng thẻ thưởng khi CBNV có thành tích trong công việc (hoàn thành công việc khó/gấp/trong hoàn cảnh khó khăn, làm xong một dự án/giai đoạn dự án…); có sáng kiến/giải pháp/cải tiến; có hành vi thể hiện tính ưu việt của người FPT (giúp đỡ đồng nghiệp, cộng đồng, phong trào)…
Các thành tích đã được ghi nhận thành các giải thưởng định kỳ của FPT/Công ty thành viên (CTTV) như: Sao, Danh hiệu, Bằng khen thì sẽ không tính là thẻ thưởng.
Việc dùng thẻ thưởng khi nào, với thành thích nào và thưởng cho ai phụ thuộc rất nhiều vào sự sâu sát, nhìn nhận, đánh giá công tâm của cán bộ cấp quản lý với nhân viên.
Còn thẻ phạt áp dụng cho các hành vi vi phạm quy định Giao – nhận nhiệm vụ và kỷ luật tuân thủ của FPT; các quy định, nội quy khác của FPT/CTTV. Việc sử dụng thẻ phạt là để phê bình, nhắc nhở, giúp CBNV tự nhìn nhận các sai sót và tự “sửa mình”, không có nghĩa nghiêm trọng hay không nghiêm trọng khi áp dụng thẻ phạt, tất cả đều hướng đến mục tiêu là giúp chất lượng và thái độ làm việc của CBNV tốt lên.
Nhưng khen/chê phải có ý nghĩa. Nếu không, nhân viên sẽ đánh giá thấp năng lực lãnh đạo và bất phục. Chỉ khi lãnh đạo không gần gũi với nhân viên thì mới không có chỗ để khen chê. Có thể khen từ những việc rất nhỏ bằng 1 gold – đó là khen để khích lệ, động viên.
– Theo chính sách này, việc sử dụng thẻ thưởng – thẻ phạt được áp dụng cho mọi quy mô của công ty/bộ phận. Trong trường hợp có cán bộ quản lý một bộ phận lớn (từ vài chục đến cả trăm người) hoặc chỉ quản lý vài người thì việc theo dõi công việc và áp dụng thưởng – phạt có thể gây khó khăn cho người quản lý đó khi phải thực hiện đủ quota 3 thưởng 1 phạt (quá nhiều hoặc quá ít). Vậy điều này sẽ được giải quyết như thế nào?
– Hàng quý, cán bộ quản lý từ Level 4 trở lên không phân biệt phạm vi quản lý và số lượng CBNV dưới quyền cần sử dụng tối thiểu 3 thẻ thưởng và 1 thẻ phạt. Sau một thời gian triển khai (dự kiến là hết Quý 3/2020), Ban Nhân sự FPT sẽ ghi nhận các ý kiến thực tế và có thể đề xuất với Ban điều hành FPT xem xét, điều chỉnh chính sách nếu cần thiết.
Tôi từng làm cán bộ Level 4 nhưng chỉ quản lý hai người. Vì năm 2003, bộ phận của tôi mới thành lập. Nhưng tôi tin nếu làm việc với họ trực tiếp hằng ngày, yêu cầu rất cao về chất lượng công việc và thời gian đáp ứng thì việc dùng thẻ phạt sẽ trở nên bình thường.
Tất nhiên, trước khi hành động, chúng ta cần nói chuyện với CBNV, mong muốn làm việc nghiêm túc. Tất cả phải làm việc trên nguyên tắc, cam kết giữa lãnh đạo và cấp dưới.
– Quỹ thưởng quy định mức tối đa/tối thiểu và được cấp định kỳ ra sao?
– Quỹ thưởng tối đa là 0,4% tổng quỹ thu nhập thực chi của CTTV trong quý và được quyết toán theo quý. Trường hợp không sử dụng hết quỹ trong quý sẽ không được chuyển sang quý sau. Cụ thể, quỹ của mỗi cán bộ quản lý do CTTV tự phân bổ phù hợp với đặc thù từng đơn vị.
– Để đảm bảo thẻ thưởng – thẻ phạt được sử dụng một cách công bằng và minh bạch ở các cấp, việc kiểm tra, giám sát sẽ được thực hiện ra sao?
– Cán bộ quản lý cần đặt chữ “tin” với người được giao việc. Trong văn hóa FPT, chúng ta đã giao việc, giao trọng trách cho ai là trao luôn niềm tin tuyệt đối. Chữ “tin” mang ý nghĩa tin tưởng, tin cậy và chúng tôi tin rằng các cán bộ quản lý FPT các cấp khi thực thi nhiệm vụ sẽ công tâm, minh bạch, nghiêm khắc và làm đúng trên niềm tin của Ban điều hành FPT.
Tôi cho rằng hệ thống tôn vinh, khen thưởng của FPT bản thân nó là minh bạch, kết hợp với việc sử dụng ứng dụng myFPT, chúng ta khen ai thì toàn dân FPT sẽ được nhìn thấy thông tin khen thưởng đó trên hệ thống.
Về xử lý vi phạm, thì trước khi xử lý, cán bộ quản lý có trách nhiệm trao đổi và thống nhất với CBNV về hành vi, hình thức xử lý vi phạm trước khi thực hiện. Ngoài ra, sẽ có các kênh thông tin để phản hồi, phản ánh, và sẽ có cơ chế hậu kiểm đột xuất với các dữ liệu có “nghi ngờ”.
– Khi CBNV nhận thẻ phạt, liệu họ có bị ghi vào lịch sử làm việc?
– Văn hóa FPT trước đây ít nhắc đến kỷ luật, nên khi nghe đến “thẻ phạt”, CBNV đều cảm thấy nặng nề. Tôi nhắc lại, FPT có hai loại xử lý vi phạm: Loại thứ nhất là xử lý tiền kỷ luật, gồm 2 hình thức: Thông báo khiển trách và thông báo khiển trách kèm trừ thưởng, nhằm nhắc nhở, phê bình để CBNV rút kinh nghiệm và không mắc lại lỗi. Cả hai hình thức này đều không ghi vào lịch sử, hồ sơ làm việc của CBNV. Loại thứ hai ở mức nặng hơn là xử lý kỷ luật lao động, gồm 3 hình thức theo quy định của Bộ Luật lao động: Khiển trách, cách chức và sa thải. Ở loại này, thông tin kỷ luật sẽ được ghi nhận vào lịch sử, hồ sơ làm việc của CBNV.
Tôi nhận thấy CBNV đã rời FPT đều dành sự yêu quý, tôn trọng rất lớn. Vì vậy, chúng ta không thể tùy tiện ghi thẻ phạt vào hồ sơ. Thay vào đó, thậm chí hãy ghi những điều tốt đẹp. Tôi mong muốn giữ văn hóa này của FPT, đó là cách chúng ta ghi nhận những gì CBNV đã cống hiến cho tập đoàn.
– Có một thực tế ở FPT là nhiều khi việc ban hành chính sách/quy định được triển khai ráo riết ở giai đoạn đầu, nhưng sau đó lại bị xao lãng hoặc không được cập nhật, theo dõi sát sao do không có bộ phận hoặc đội ngũ đồng hành việc triển khai và báo cáo kết quả. Với Chính sách “3 thưởng 1 phạt” này thì sao, thưa anh?
– FPT luôn bị chê là “đánh trống bỏ dùi” hoặc thậm chí “đánh trống mà không có dùi”. Hiện tại, chúng ta sẽ có người phụ trách việc này, do Giám đốc Nhân sự FPT Chu Quang Huy chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, quản lý, báo cáo. Với sự tham gia sâu sát của lãnh đạo tập đoàn, của các bên như Truyền thông, Công nghệ, Chất lượng, Tài chính… và sự ủng hộ của các cấp quản lý trong FPT, tôi tin rằng chính sách này sẽ đi vào đời sống, áp dụng liên tục và dần trở thành văn hóa của FPT.
– Có người cho rằng chê thì dễ, còn khen khó hơn. Cá nhân anh thấy sao?
– Thời phổ thông, chúng ta luôn nhớ về những thầy cô nghiêm khắc với mình hơn. Trong một tổ chức luôn cần sự nghiêm khắc, dù việc chê luôn khó hơn khen. Một người lãnh đạo giỏi là biết chê sao cho nhân viên phấn đấu chứ không phải đau buồn. Hãy sử dụng lời chê như một lời động viên. Làm sao để nhân viên thấy được sự chân thành trong đó.
– Theo anh, khó khăn và thuận lợi trong việc triển khai chính sách này là gì?
– Trước khi ban hành chính sách, các bộ phận chuyên môn đã có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng thời Ban lãnh đạo FPT rất quan tâm chính sách này, có công cụ myFPT giúp việc thực thi, kiểm soát chính sách dễ dàng và hiệu quả việc thực thi; các cấp quản lý được phân quyền thưởng – phạt để thực hiện chính sách.
Nhưng khó khăn lớn nhất xuất phát từ văn hóa người Việt nói chung cả nể, xuề xòa, dĩ hòa vi quý. Còn người FPT nói riêng không quen với văn hóa kỷ luật và chưa thật sự nghiêm khắc với cấp dưới.
– Anh kỳ vọng gì sau khi Chính sách “3 thưởng 1 phạt” đi vào thực tiễn?
– FPT giống như xã hội thu nhỏ, có điểm mạnh và điểm yếu, như bàn tay có ngón ngắn, ngón dài. Nên sẽ không có việc một đơn vị tốt hay xấu hoàn toàn. Hãy xem thưởng – phạt như một việc rất bình thường. FPT đang có đội ngũ lãnh đạo minh bạch, có tâm trong công việc. Nếu sâu sát với anh em trong lúc giao việc thì việc dùng thẻ, đặc biệt thẻ phạt, là việc bình thường. Tôi kỳ vọng FPT là tổ chức có văn hóa kỷ luật, nói không với trào phúng, châm biếm về chính sách của FPT. Chúng tôi gạt bỏ điều đó và hy vọng các bạn cùng chúng tôi làm điều đó. Chúng ta sẽ xây dựng và áp dụng nó liên tục.