Giữa cuộc sống bộn bề, con cái chính là niềm an ủi và hạnh phúc của những người mẹ. Suy nghĩ dành cho con những điều tốt đẹp nhất luôn là động lực khiến họ trở thành “siêu nhân” vừa giải quyết bận rộn trăm bề từ công việc vừa chu toàn từng bữa ăn giấc ngủ và giải trí bên con. Thế nhưng, với chị Phan Thị Thanh Nga (PMB) những điều ấy vẫn chưa đủ và đôi khi, chị vẫn cảm thấy có lỗi với đứa con trai bé bỏng của mình vì đã không thể dành hết thời gian cho con.
Vào một buổi trưa oi bức giữa cái nắng 35 độ của Sài Gòn, ngồi lướt Facebook và nghe những bài nhạc yêu thích để tận hưởng một ngày cuối tuần êm đềm, tôi bất chợt nhìn thấy bài thơ chị Nga viết tặng con trai của mình kỷ niệm lúc cậu bé 1 tuổi. Điều này lại khiến tôi nhớ đến Up – tên thường gọi của bé con nhà chị, bởi có đôi lần được mẹ đưa vào công ty vì không nhờ được người chăm nom, thế nên cậu bé đã trở thành nhân vật nhỏ đáng yêu quen thuộc với các cô chú ở FTEL này. Biết chị buồn vì nhớ con trai, tôi liền nhắn tin và thủ thỉ vài câu cùng chị.
Hai tháng trước, khi dịch bệnh Covid bắt đầu lây lan khó kiểm soát, lo lắng cho con trai được nghỉ học nhưng ở nhà không có người chăm sóc, chị Nga đành gửi con về quê ở cùng ông bà Ngoại. Nhớ lại ngày đầu đưa con ra sân bay để ông bà dẫn về, chị vẫn còn buồn lắm vì cậu bé cứ liên tục hỏi ông bà “ba mẹ con đâu?”. Xót con là thế, nhưng không thể làm gì hơn vì ở Sài Gòn lúc này sẽ chẳng an toàn và ba mẹ cũng chẳng thể toàn tâm chăm con trọn 24h vì bộn bề công việc.
Từ ngày có Up, chị chấp nhận đánh đổi hết thời gian tự do trước đây, toàn tâm toàn vẹn chăm sóc cho cậu bé. Chị tâm sự “ngày chị đi sinh là hôm đó vẫn còn hẹn hò anh chị đặt gà ăn trưa, tối về đau bụng nên ‘lên thớt’ luôn. Cũng may, công ty có chính sách hỗ trợ tốt, công việc được anh chị trong phòng ban chia sẽ hỗ trợ nên chị cũng an tâm hơn khi quay trở lại sau thời gian thai sản”.
Áp lực đối với những người “mẹ công sở” chính là thời gian vừa quay lại với công việc vừa chăm con. Có quá nhiều việc phải lo khiến chị không kịp xoay sở. Có quá nhiều thứ phải làm mà chẳng cần kể ra, tôi biết những bà mẹ bỉm sữa như các bạn cũng đều sẽ hiểu… Đến khi bé được 7 tháng, chị tạm gửi con về ông bà vài ngày. Lúc này bé vẫn chưa cai sữa, nên chị vẫn phải hút ra để đông và gửi về quê cho con. Thời gian này được xem là khó khăn nhất đối với chị vì phải xa con. Những lúc nghĩ lại, Chị Nga vẫn cảm thấy mình có lỗi với cậu bé rất nhiều.
Vì vậy, mỗi khi có chút thời gian, chị luôn ở bên cho con. Sáng sớm chạy đôn đáo lo cho bé đến lớp, tan ca lại chạy ngay về nhà tìm con. Ấy thế mà người mẹ trẻ vẫn cứ lo gần lo xa việc con không được đầy đủ. Ngày Up được 13 tháng tuổi, chị Nga gửi vào trường học cùng thầy cô, dường như hiểu được nỗi vất vả của mẹ, bé ngoan ngoãn và không hề quấy khóc nên được thầy cô vô cùng yêu mến. Thời điểm đó, bé cũng là học trò nhỏ nhất so với các bạn.
Dù thương con là thế, nhưng chị vẫn chọn làm “người mẹ công sở” vừa kiếm tiền vừa chăm con. Có lẽ, đối với nhiều người, đây là quyết định sai lầm, vì thời gian dành trọn vẹn cho con mới là điều tuyệt hảo. Nhưng ở một khía cạnh khác, đây cũng là cách thể hiện tình yêu với con khi cố gắng nâng cấp mức sống và vật chất cho cả gia đình để con được đầy đủ. Chị chia sẻ: “Ngoài tình yêu thương của cha mẹ, tài chính cũng là một phần thiết yếu để giúp con có thể có điều kiện học tập và vui chơi tốt hơn, vì vậy chị sẽ cố gắng giãn cách và chia đều thời gian ở bên con. May mắn là chồng chị, anh ấy cũng hiểu và đồng tâm giúp chị san sẻ công việc nhà và chăm bé, nên cả 2 cùng xoay sẽ dễ dàng hơn đôi chút. Vả lại, ông bà Ngoại cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ, giúp chị có động lực vừa làm việc vừa chăm con hơn rất nhiều.” Chỗ dựa “to lớn” cũng là lý do giúp chị quyết định vai trò làm người mẹ công sở của mình. Tuy vất vả nhưng có hậu phương là chồng, là gia đình 2 bên, cũng khiến chị “thở phào nhẹ nhõm” đôi lần.
Hiện tại Up đã gần 3 tuổi, biết và hiểu chuyện nhiều, dưới quê không khí trong lành có bạn chơi chung cậu dì, ông bà chăm nên chị Nga đã an tâm làm việc mà không phải suy nghĩ quá nhiều. Mỗi ngày đều đặn, sau khi đi làm về, chị Nga đều gọi video để được gặp và tâm sự với con. “Đợi tới 1/6, trường học bắt đầu mở cửa, dịch bệnh có dấu hiệu tích cực hơn và cuộc sống sinh hoạt của tất cả mọi người trở lại guồng quay cũ, chị sẽ rước bé lên và gia đình lại được bên nhau như trước. Dù vất vả, nhưng là vất vả của sự hạnh phúc nên với vợ chồng chị, đó mới là điều mà 2 người cùng mong đợi.”
Thế mới nói, không quyết định nào liên quan đến con cái là không khó khăn và đầy lo lắng. Bỏ hết mọi cuộc vui, sớm tối vì con luôn là điều mà những người mẹ lựa chọn. Đôi khi, ta lại thấy ngưỡng mộ và suy nghĩ “bản thân có thể làm được như vậy hay không?” nhưng chắc có lẽ, câu trả lời sẽ đến khi chúng ta cũng trở thành người mẹ, trở thành người gánh trên vai trách nhiệm đối với những thiên thần nhỏ bé của mình. “Chim trời ai dễ đếm lông, nuôi con ai nỡ kể công tháng ngày” – câu hát chị Nga vẫn thường dùng ru Up ngủ thật đúng khi thay thế cho nỗi lòng của chị. Nghĩ đến câu nói ấy, tôi lại bất chợt không biết mẹ mình ở quê nhà giờ này đang làm gì? Vẫn lo lắng và suy nghĩ nhiều về con gái đang làm việc ở thành phố chật chội và đông người nữa hay không?
Tâm sự với chị thêm vài câu, chị hẹn dịp khác “vì nhắc đến thằng bé làm chị muốn gọi điện ngay vì nhớ con”. Tôi cũng chợt nhớ ra, hôm nay là ngày chủ nhật thứ 2 của tháng 5, kỷ niệm Ngày của mẹ. Nghĩ đến những điều chị vừa kể, lại nghĩ đến mẹ mình đang ở nhà, tôi liền gọi ngay cho mẹ, tâm sự cho mẹ nghe về những câu chuyện thường ngày của mình. Và bạn cũng như thế nhé, hãy làm những điều tốt nhất dành cho mẹ và gia đình mình vào một ngày tuyệt đẹp như thế này.