Ngay sau khi có Quyết định từ ngày 12/3, Trung tâm Đào tạo FTC đã tiến hành thay đổi nơi làm việc của 50% CBNV. Cùng với đó, các lớp học cũng chuyển toàn bộ sang hình thức online từ ngày 18/3.
6 năm trước, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận đã từng nói: "Dạy học đã thay đổi. Cần phải chú trọng phát triển cá nhân. Trước đây nói dạy 1 lớp 40 em. Giờ phải nói dạy 40 em một lớp". Câu nói của Bộ trưởng nhấn mạnh một sự thay đổi tưởng chừng như chỉ đổi chỗ câu từ thôi nhưng đã đặt ra một yêu cầu “trở mình” mạnh mẽ trong ngành Giáo dục. Đó là đặt người học làm trung tâm. Công cuộc đó càng quan trọng hơn khi thời điểm trí tuệ nhân tạo ngày càng được đưa vào công tác giảng dạy.
Với FTC, bài toán dài hơi cho câu hỏi: Lấy người học làm trung tâm như thế nào trong thời đại công nghệ số? Làm sao để bài giảng vẫn thu hút học viên trong khi thiếu đi những tương tác trực tiếp? Và câu chuyện đó càng trở nên khốc liệt hơn trong mùa dịch Covid-19, khi FTEL áp dụng Phân tách địa bàn, thay đổi phương thức làm việc và chuyển dần sang hình thức học online.
Thay đổi nơi làm việc không làm ảnh hưởng hiệu suất công việc
Từ ngày 12/3, 50% cán bộ nhân viên của FTC đã chuyển sang địa điểm khác ngoài tòa nhà PVI để làm việc. Cụ thể, đó là nhóm quản lý đào tạo (25%) và nhóm giảng viên nội bộ (25%). Theo đó, các nhóm giảng viên chuyển sang làm việc tại Detech II (107 Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội). Trong khi đó, một số vị trí khó chuyển địa bàn làm việc như nhóm Công nghệ đào tạo, đòi hỏi phải có máy tính cấu hình cao nên tiếp tục ở lại làm việc tại PVI.
Để đảm bảo cho công tác thay đổi địa bàn làm việc không ảnh hưởng tới năng suất lao động, FTC cắt cử mỗi team đều có một quản lý cấp phòng đi kèm khi có sự thay đổi. Chia sẻ với FoxNews, chị Trịnh Thùy Nhung (GĐ Trung tâm Đào tạo FTC) cho hay, đơn vị không mất quá nhiều thời gian để thực hiện theo Quyết định đã ban hành.
Học online – Vất vả cho giảng viên, có lợi cho học viên
Nói FTC không mất nhiều thời gian bởi lẽ việc chuyển đổi sang hình thức học online cho các lớp học đã nằm trong lộ trình của FTC trong tương lai. Và thời điểm dịch này là một cú hích mạnh để đẩy nhanh tiến trình thay đổi đó. Có thể nói, đây là một phép thử thực tế để Trung tâm đào tạo tiếp tục đổi mới, hoàn thiện giáo án và các khóa học để tạo sự thích thú cho người học.
Hình thức học online không còn xa lạ trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam. Câu chuyện trong mùa dịch chuyển đổi bài toán cốt lõi dạy như thế nào cho hấp dẫn càng khốc liệt hơn khi thiếu vắng sự tương tác trực tiếp giữa người dạy và người học. Theo GS Chris Dede, Đại học Harvard, Mỹ, sự kết hợp giữa giáo dục trực tuyến và trực tiếp sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn là chỉ áp dụng một trong hai cách trên. Nhưng điều cốt yếu trong thời điểm hiện nay và cho cả ngành giáo dục không phải phương tiện mà là chất lượng, phương pháp giảng dạy.
Ông Dede cho rằng hiện tại, cách học từ xa là cơ hội để các nhà giáo dục thử nghiệm những phương pháp giảng dạy mới. Sau đó, họ đưa những sáng tạo này đến với lớp học trực tiếp. Điều đó hoàn toàn đúng với bài toán mà FTC đang tìm cách giải mã.
Anh Trần Văn Long (Giảng viên Kỹ năng mềm FTC), người trực tiếp giảng dạy khóa học trực tuyến “Tân binh Nhân viên kinh doanh tháng 3 – Chặng chuyên ngành” chia sẻ, chuyển sang hình thức học online là cơ hội cho cả giảng viên và học viên. Anh Long cho biết khóa học này là một trong những nội dung thuộc lộ trình chuyển đổi số trong đào tạo. Khi mùa dịch đến bất ngờ, công tác chuyển hóa hình thức học được đẩy nhanh hơn.
“Cấu trúc online sẽ có một số đặc điểm khác so với lớp học truyền thống. Giảng viên cần chuẩn bị cho học viên tài liệu, để người học đọc trước. Với điều này, khóa học đòi hỏi tính chủ động cao ở các học viên. Và chính giảng viên cũng cần phải sáng tạo, tìm tòi để các bài tập được chuyển tải một cách thực tế, hấp dẫn, bài tập đa dạng để học viên hứng thú với bài giảng”, giảng viên Trần Văn Long nhấn mạnh.
Chị Trịnh Thùy Nhung cho biết, mỗi lớp học như của anh Long là một cuộc rút gọn quy mô. Trước đây, thay vì 40 học viên trong một lớp thì chuyển sang hình thức học trực tuyến, sẽ chỉ còn tối đa 10 học viên. Điều này giúp người huấn luyện (coacher) có nhiều thời gian trao đổi với các học viên hơn, tăng thời lượng tương tác trực tiếp tới từng học viên trong lớp.
Đối với những khóa đặc thù như của anh Long, học viên sẽ được cung cấp kiến thức về cách giao tiếp và thiết lập cuộc hẹn qua điện thoại; Kỹ năng quan sát và nhận diện khách hàng. Bài toán đặt ra là làm thế nào người học vẫn tiếp nhận được lượng thông tin và lượng hứng thú so với học trực tiếp. Về điểm này, anh Long cho biết những giảng viên Kỹ năng mềm bên cạnh đổi mới sáng tạo trong nội dung cần có một số lưu ý trước khi bước vào khóa học.
“Micro chuẩn bị thế nào, giao diện học ra sao, nếu gặp khó khăn thì liên hệ ai…Đó là những câu hỏi mà chắc chắn học viên sẽ vướng phải khi học. Cán bộ quản lý đào tạo và giảng viên cần cung cấp cho người học tất cả những nội dung này để khi vào không gian học trực tuyến, học viên không còn lăn tăn hay gặp bất kỳ khó khăn nào”, giảng viên của FTC nhấn mạnh.
Ngoài ra, để hiểu rõ và sâu sát với các vấn đề của học viên, giảng viên FTC lập các group chat, thường xuyên trao đổi thẳng thắn, cởi mở để giải đáp các thắc mắc từ người học. Đây là kênh hữu ích thay thế cho tương tác trực tiếp vốn có của lớp học truyền thống.
Làm chủ công nghệ để chủ động
Trong thời gian đầu, ngoài nỗi lo về chất lượng giảng dạy, Trung tâm Đào tạo FTC còn tự đặt ra cho mình bài toán làm chủ công nghệ để bước thành công hai chân vào con đường chuyển hóa hình thức dạy và học. Chị Trịnh Thùy Nhung chia sẻ, ở thời điểm hiện tại, các khóa học của FTC đều dựa vào nền tảng thứ 3 như Google.
Trong thời gian tới, với lộ trình chuyển hóa hình thức dạy và học, FTC sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong giảng dạy bằng việc làm chủ các nền tảng. Điều này là cần thiết bởi có những khóa học cần tính bảo mật, tự làm chủ công nghệ sẽ giúp trung tâm bớt đi các nỗi lo, nguy cơ trong tương lai.
Về điểm này, Giám đốc Trung tâm đào tạo cho hay FTC đã có một lộ trình cụ thể để bám đuổi mục tiêu chuyển mình trong thời gian tới. Hiện nay, tại FTEL và Tập đoàn có rất nhiều ứng dụng, nền tảng học trực tuyến. Và với lời quả quyết của PTGĐ Vũ Anh Tú trong CEO TALK số 3, “FTEL sẽ có sự thay đổi lớn trong Công nghệ ở năm 2020”, chắc chắn sự thay đổi này sẽ bao gồm cả phương thức giảng dạy mà FTC đang điều chỉnh.
Nhìn bài toàn dạy và học mà FTC chiến đấu trong thời điểm dịch, nói một cách khách quan, nó là cú hích để tìm kiếm những cơ hội từ thách thức. Câu chuyện Phân tách địa bàn làm việc và thay đổi phương thức làm việc là một trong những phép thử để châm ngôn, học – dạy mọi lúc mọi nơi đi vào thực tế.
"Trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hóa vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội" – đó không còn là xu thế gói gọn trong ngành Giáo dục nữa. Mà đó là nhu cầu cấp thiết, rõ ràng nhất, thuyết phục nhất mà những đơn vị đào tạo như FTC cần đương đầu để giải quyết, khi nhìn từ dịch Covid-19 đang diễn ra.