Thứ Hai, Tháng Bảy 14, 2025
spot_img

PTGĐ Vũ Thị Mai Hương gửi ‘tâm thư chuyện sử dụng rượu bia’

Rượu bia không chỉ là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật mà còn là “thứ” khiến cuộc sống nhiều gia đình mất mát, đau thương.

Mới đây, trên dòng trạng thái gửi toàn bộ CBNV của PTGĐ Vũ Thị Mai Hương viết: “Trước khi nghỉ tết chúng ta đã ngậm ngùi đưa tiễn bạn Lê Văn Chung chi nhánh Ninh Bình và nhắc nhau ‘tết rồi đó, phải cẩn thận khi uống, khi lái xe’. Thế nhưng hôm qua, chúng ta lại nhận một tin dữ là trong khoảng thời gian từ 23h đến 24h ngày 17/02/2020, bạn Lê Văn Luân – Thủ kho của PNC đã tử vong do tai nạn giao thông va chạm với xe containner sau khi dự bữa tiệc sinh nhật bạn”. PTGĐ bày tỏ nỗi buồn sâu sắc với anh Luân khi con của anh mới chỉ tròn 18 tháng tuổi.

Trong “tâm thư” của mình, PTGĐ Vũ Thị Mai Hương nhấn mạnh, mỗi cán bộ Quản lý cần đem đến cho CBNV của mình những thông điệp tích cực để sống tốt hơn, lành mạnh hơn, chúng ta đang làm việc trong môi trường ngày càng chuyên nghiệp hơn, vì vậy hãy bảo vệ sức khỏe bản thân, hạnh phúc gia đình và làm việc tỉnh táo, hăng hái đạt hiệu quả.

Ngay bây giờ, Ban Điều Hành chưa kịp đưa ra thêm chính sách nào về việc tuân thủ Nghị định 100, nhưng PTGĐ có một niềm mơ ước một ngày gần đây người FTEL, người FPT “bị ghét vì không chịu nhậu hoặc đắn đo lắm mới dự những buổi bia rượu”. PTGĐ mong rằng, các cán bộ Quản lý cần làm gương trước CBNV của mình trong việc tuân thủ các quy định của công ty, của nhà nước.

Không có bất kỳ ngưỡng an toàn nào cho người uống rượu bia

Ngày lễ tết, hội họp, gặp nhau mời uống một chút rượu để chúc sức khỏe là một nét văn hóa của người Việt. Tuy nhiên uống nhiều rượu bia, đặc biệt ép nhau uống rượu bia thì không phải là nét “văn hóa” và hoàn toàn không tốt cho sức khỏe.

Khi nói đến tác hại của rượu bia, mọi người thường nghĩ ngay đến hậu quả gây rối loạn tâm thần, xơ gan và tai nạn giao thông. Tuy nhiên trong thực tế hậu quả lớn nhất của uống rượu bia đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều. Chúng ẩn họa những nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm phổ biến hiện nay.

Theo số liệu thống kê của WHO, số ca tử vong do hậu quả của rượu bia, các bệnh không lây nhiễm như: bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư chiếm tới 46%, tiếp theo là chấn thương (chủ yếu là tai nạn giao thông) và bệnh đường tiêu hóa (xơ gan). Vậy rượu bia gây hại cho người sử dụng như thế nào? nên uống bao nhiêu? mức nào là nguy hại sức khỏe?

Tác hại của rượu bia chính là do chất cồn (ethanol) gây ra thông qua ba cơ chế trực tiếp chính gồm:

Thứ nhất với liều nhỏ và từ từ, chất cồn gây độc mạn tính cho các cơ quan và mô trong cơ thể, làm tổn thương tế bào và dẫn đến hậu quả là mắc các bệnh mạn tính (ung thư, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường…).

Thứ hai khi uống nhiều, chất cồn gây nhiễm độc cấp tính, tác động lên cấu trúc và dẫn truyền của thần kinh trung ương, làm rối loạn phối hợp động tác, giảm tỉnh táo, rối loạn nhận biết, ảnh hưởng đến hành vi, từ đó gây ra các hậu quả cho người uống và người xung quanh (tai nạn, bạo lực, hành vi nguy cơ…).

Thứ ba, chất cồn là chất hướng thần gây nghiện làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng. Việc uống rượu bia thường xuyên dẫn đến thích nghi thần kinh khiến cho việc giảm liều lượng hoặc ngừng uống sẽ dẫn đến hội chứng “cai rượu”. Lệ thuộc rượu bia sẽ gây ra loạn thần do rượu và dẫn đến mắc các bệnh mạn tính cũng như gây ra các hậu quả trước mắt và gánh nặng lâu dài cho xã hội.

Cuối cùng chất cồn có thể tương tác xấu với các chất hóa học khác trong cơ thể, làm trầm trọng thêm những tổn thương thể chất và tinh thần có sẵn.

Trong thực tế không thể có được một tiêu chuẩn chung uống bao nhiêu là có hại bởi vì nguy cơ do uống rượu bia khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu bia khác nhau. Thậm chí một số cá nhân dễ bị tổn thương còn bị tăng tính nhạy cảm đối với tính độc, kích thích tâm thần và gây nghiện của rượu bia. Nói một cách khác, không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định.

Dựa vào các bằng chứng khoa học, trong năm 2016 Cơ quan y tế của Vương quốc Anh đã ban hành Khuyến nghị mới về sử dụng đồ uống có cồn, cảnh báo rằng uống rượu bia với bất kỳ mức độ nào cũng làm tăng nguy cơ gây các bệnh ung thư, đồng thời khuyến cáo nam giới không nên uống quá 14 đơn vị trong 1 tuần (1 đơn vị cồn của Anh tương đương với 8 gam cồn nguyên chất). Các nghiên cứu công bố trong “Báo cáo về sử dụng rượu bia tại Cộng đồng Châu Âu năm 2012” cũng khẳng định nguy cơ tử vong do bệnh tật và tai nạn thương tích sẽ tăng lên đáng kể nếu một người uống nhiều hơn 2 đơn vị cồn trong một ngày, và nguy cơ tử vong tăng tương quan với mức độ uống.

100% Người FTEL phải nghiêm chỉnh chấp hành luật Phòng chống tác hại của rượu bia

Theo đó, kể từ ngày 1/1/2020, Luật phòng chống tác hại rượu bia chính thức có hiệu lực. Tại Điều 5, có 13 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm người điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Vì vậy, bất kể người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện… hay phương tiện giao thông thô sơ đường bộ như xe đạp, xích lô… đều không được phép uống rượu bia khi lưu thông trên đường.

Khoản 5, Điều 5 cũng quy định Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập. Do đó, bất kỳ CBNV FPT Telecom nào sử dụng rượu bia trước, trong giờ làm việc đều phải chịu các hình thức kỷ luật của công ty và Pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, chi tiết Luật quy định như sau:

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

7. Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.

8. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

9. Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

10. Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.

11. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.

12. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.

13. Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.

Để luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai hết sức quan trọng. BĐH FPT Telecom, đại diện Phó Tổng Giám đốc Vũ Thị Mai Hương chỉ đạo 100% Người FTEL phải nghiêm chỉnh chấp hành luật Phòng chống tác hại của rượu bia.

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

20,688Thành viênThích
945Người theo dõiTheo dõi
1,115Người theo dõiĐăng Ký
spot_img