“FPT Telecom là một trong số ít những doanh nghiệp đi đầu và có kết quả khởi sắc trong việc chuyển đổi IPv4 sang IPv6, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc chuyển đổi hạ tầng quang, tích cực thực hiện việc cung cấp thử nghiệm dịch vụ IPv6 cho khách hàng” – đó là những đánh giá khách quan về nhà viễn thông FPT trong chương trình hội thảo “Ngày IPv6 Việt Nam 2019”. Sự kiện đã chính thức diễn ra ngày 6/5, thu hút hơn 300 đại biểu, khách mời tham dự.
Ngày 6/5, tại khách sạn JW Marriot Hà Nội, chương trình hội thảo “Ngày IPv6 Việt Nam 2019” đã chính thức diễn ra, với chủ đề: chuyển đổi, cung cấp dịch vụ sử dụng IPv6 trong các cơ quan, tổ chức nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số. Sự kiện vinh dự đón chào sự tham gia của các lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, Trung tâm Internet Việt Nam VNNIC, các Sở Thông tin và Truyền thông, cục Công nghệ Thông tin của các Bộ, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ IDC, các doanh nghiệp dịch vụ Internet – ISP, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động và các đơn vị phát triển, cung cấp dịch vụ nội dung trực tuyến, báo điện tử, mạng xã hội. Về phía FPT Telecom, PTGĐ Vũ Anh Tú, PGĐ Trung tâm Điều hành mạng Phan Hồng Tâm và PGĐ Trung tâm Hạ tầng Viễn thông miền Bắc Nguyễn Kim Quy đã đến tham dự chương trình.
Định nghĩa IPv6 là địa chỉ Internet mới, được thiết kế với 2 mục đích chính: thay thế địa chỉ IPv4, mở rộng không gian địa chỉ, và nâng cấp các phiên bản công nghệ, khắc phục các nhược điểm của IPv4. IPv6 đem đến những lợi thế như tốc độ truy cập Internet cao hơn, không gian địa chỉ lớn gần như vô hạn, khả năng tự động cấu hình, bảo mật kết nối đầu cuối, quản lý định tuyến và chất lượng mạng tốt hơn và dễ dàng thực hiện multicast.
Năm 2019 là năm cuối cùng của giai đoạn 3 – giai đoạn chuyển đổi số (2016 – 2019) kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Đây là giai đoạn cuối cùng, đóng vai trò quan trọng khi Việt Nam sẽ chính thức chuyển đổi các dịch vụ sang hoạt động với nền tảng IPv6. Trong các năm qua, bám sát thực hiện theo kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả lớn trong triển khai, ứng dụng IPv6. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ ứng dụng IPv6 tại Việt Nam tăng nhanh, đạt xấp xỉ 34%, đứng thứ 13 trên thế giới, thứ 6 khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và thứ 2 khu vực ASEAN, với hơn 16.000 người sử dụng. Việc cung cấp rộng rãi dịch vụ IPv6 tới người sử dụng đã góp phần đảm bảo cho hoạt động Internet Việt Nam bắt kịp với xu thế công nghệ mới.
Hội thảo ngày IPv6 Việt Nam được tổ chức thường niên vào ngày 6/5 hàng năm, do Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin & Truyền thông. Thành công từ chương trình hội thảo các năm trước đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc trong công tác chuyển đổi và triển khai IPv6 tại Việt Nam. Hội thảo ngày ngày IPv6 Việt Nam 2019 sẽ điểm lại chặng đường, quá trình thúc đẩy phát triển IPv6 và thành tựu của Việt Nam; giới thiệu quá trình triển khai, ứng dụng IPv6 tại các đơn vị trong giai đoạn cuối cùng của kế hoạch hành động quốc gia IPv6; đánh dấu giai đoạn Việt Nam chính thức sử dụng và cung cấp dịch vụ IPv6.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải đã phát biểu khai mạc sự kiện. Theo Thứ trưởng, sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới như Internet of Things (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), 5G,… khiến số lượng các thiết bị kết nối ngày càng cao, đặt ra những thách thức lớn để đảm bảo kết nối và định danh cho các thiết bị. Do đó, việc chuyển đổi mạng Internet, các hệ thống công nghệ thông tin sang IPv6 là xu hướng tất yếu, đảm bảo cho phát triển bền vững, là hạ tầng nền tảng cho phát triển xã hội số, kinh tế số và nhiều dịch vụ khác. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet lớn, trong đó có FPT Telecom, đã triển khai rộng rãi cung cấp dịch vụ IPv6 đến với người sử dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ ứng dụng IPv6 trong mạng lưới dịch vụ Internet các cơ quan Nhà Nước, các doanh nghiệp ứng dụng số Việt Nam còn nhiều khiêm tốn.
Trước tình hình đó, trong thời gian qua, Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã tập trung đẩy mạnh triển khai IPv6 trong khối cơ quan Nhà Nước, và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn, tư vấn trực tiếp về triển khai IPv6 đến các đơn vị. Thứ trưởng Phạm Hồng Hải tin tưởng, với sự tham gia vào cuộc của tất cả các cơ quan Nhà Nước, các doanh nghiệp liên ngành, hội thảo sẽ là cơ hội để các đơn vị có thể cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn triển khai IPv6 để từ đó, góp phần hoàn thiện quá trình cung cấp, chuyển đổi mạng Internet IPv6 tại Việt Nam. Ngay sau bài phát biểu của Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, các cấp đại biểu, khách mời đã cùng nhau bấm nút khai trương triển khai cung cấp dịch vụ IPv6.
Hội thảo cũng đã lắng nghe phần trình bày của các diễn giả về việc triển khai, ứng dụng IPv6 tại các cơ quan, tổ chức Nhà Nước, cũng như tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ IDC, Cloud, Báo điện tử,…Đại diện FPT Telecom, PGĐ Trung tâm Điều hành mạng Phan Hồng Tâm cũng đã có những chia sẻ liên quan đến việc cung cấp dịch vụ số trên nền tảng IPv6 của công ty.
Anh Phan Hồng Tâm cho biết, tham gia từ những ngày đầu cùng Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, FPT Telecom luôn đóng vai trò tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi, và thu về nhiều kết quả khả quan trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Sau hơn 20 năm hoạt động trong quá trình hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông, FPT Telecom đã có nhiều đóng góp cho việc phát triển Internet tại Việt Nam. Đối với IPv6, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đánh giá, FPT Telecom là một trong số ít những doanh nghiệp đi đầu và có kết quả khởi sắc trong việc chuyển đổi IPv4 sang IPv6, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc chuyển đổi hạ tầng quang, tích cực thực hiện việc cung cấp thử nghiệm dịch vụ IPv6 cho khách hàng.
Một số cột mốc đáng nhớ trong triển khai IPv6 tại FPT Telecom, có thể kể đến việc tham gia “Kế hoạch hành động Quốc gia về IPv6” do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành năm 2011, hay kết nối IPv6 với các nhà cung cấp dịch vụ như Google, Yahoo, Microsoft,…, và cung cấp dịch vụ thử nghiệm IPv6 cho 200.000 khách hàng sử dụng dịch vụ Leased-line, FTTH, ADSL,…năm 2012. Bước sang năm 2016, công ty đã chuyển đổi 500.000 thuê bao nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Đến tháng 4/2019, số lượng thuê bao active IPv6 đạt 1.600.000.
Các dịch vụ nội dung số của FPT Telecom sử dụng IPv6 bao gồm Truyền hình FPT, FPT Play, FPT Telecom Data Center, Fshare, Mix166 và StarTalk. Công ty vẫn đang tiếp tục chuyển đổi và cung cấp các dịch vụ nội dung số hỗ trợ IPv6, nhằm đem đến chất lượng dịch vụ tốt nhất đến với khách hàng sử dụng dịch vụ.
Ngày IPv6 Việt Nam 2019 sẽ tiếp tục diễn ra trong các ngày 7 và 8/5, với chương trình đào tạo, tập huấn triển khai IPv6 cho cơ quan Nhà Nước, tại trụ sở Trung tâm Internet Việt Nam, tầng 23, tòa nhà Cục Viễn thông, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.