Thứ Hai, Tháng Bảy 14, 2025
spot_img

Người nhà Cáo tiết lộ cách ‘vượt bão’ Black Friday

Nếu là một tín đồ shopping, chắc chắn sẽ không thể không biết đến Black Friday – Ngày hội mua sắm lớn bậc nhất, khi mọi nhãn hàng đều giảm giá đến “kịch sàn”. Hãy cùng lắng nghe người nhà Cáo chia sẻ cách vượt qua ‘cơn bão’ lớn nhất trong năm.

Black Friday được ấn định diễn ra vào thứ 6 đầu tiên sau ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) hàng năm, tại nước Mỹ.Vào ngày này, hàng chục nghìn mặt hàng trên khắp nước Mỹ sẽ đồng loạt giảm giá và người dân đổ xô đi mua sắm. Đây được coi là một phần của văn hóa Mỹ và ngày nay lan rộng ra rất nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tại Việt Nam, các nhãn hàng cũng rục rịch chuẩn bị các chương trình giảm giá hấp dẫn thu hút người tiêu dùng. Không nằm ngoài xu hướng đó, người Nhà Cáo đã sẵn sàng vượt qua cơn bão mua sắm “Black Friday” mà không bị rơi vào khủng hoảng tài chính với những bí quyết dưới đây.

1. Mua thứ mình CẦN, không mua thứ mình MUỐN 

Là một tín đồ shopping, chị Nguyễn Hải Yến – Truyền hình FPT đã có cách trị “cơn cuồng mua sắm” để sắp xếp chi tiêu của mình. Với khoản thu nhập hàng tháng, chị Yến chia thành những khoản nhỏ như chi phí thiết yếu cho cuộc sống và chi tiêu cá nhân như mua sắm, du lịch hay giải trí. “Mỗi khi mua sắm đồ dùng cần thiết chị đều có kế hoạch trước và có sự chuẩn bị khoản tiền nhất định”.

Nói về bí quyết vượt qua sự cám dỗ của cơn mua sắm ngẫu hứng, chị Yến chia sẻ: “Đối với những món đồ mình vừa nhìn đã thích thì tùy vào tình hình kinh tế nếu đáp ứng được thì mình mua. Còn nếu vẫn phân vân thì mình sẽ dành thời gian tầm 1-2 tuần để ngắm nghía món đồ thật kỹ. Nếu sau thời gian đó mình vẫn còn thích thì sẽ mua hoặc ngược lại mình sẽ không còn hứng thú sẽ đỡ được khoản tiền đó”. Với cách quản lý tiền bạc rõ ràng và phân bổ hợp lý nên bài toán chi tiêu tài chính trong gia đình chị trở nên dễ dàng hơn. 

2. Thực hiện “Nguyên tắc tích lũy” trong quản lý tài chính 

Thói quen chi tiêu không tốt trong quá khứ đã từng khiến chị Đinh Ngọc Hường, Giảng viên nội bộ FTC luôn trong tình trạng thâm hụt tài chính. May mắn không bị cám dỗ bởi những đợt sale khủng từ nhãn hàng nhưng chị lại có đam mê trên những bánh xe đi qua những cung đường đến những mới. Chị Hường kể lại trong quá khứ là cứ một tháng, dù bận rộn cỡ nào chị cũng sẽ cố gắng sắp xếp 2 -3 ngày để đi xa vì thế bạn bè hay trêu rằng lương chịchỉ đủ dùng trong nửa tháng. Đến khi chị cần một số vốn để đầu tư cho sự nghiệp của mình thì chị mới hoảng hốt nhận ra:“Vậy tiền của tôi ở đâu trong 10 năm qua?”.

Thời điểm chưa biết quản lý tài chính, chị Hường tiêu tiền rất hoang phí và cảm xúc. Nhưng sau khi tìm hiểu, đọc sách và chị đã quyết tâm thay đổi thói quen xấu để có thể tự chủ trong tài chính. Chị xác định mục tiêu tiết kiệm của mình muốn đạt được trong tương lai để nắm rõ mình cần phải làm gì để đạt mục tiêu đó. Chị chi các khoản mua sắm cho những thứ cần thiết cho bản thân như chi phí ăn uống, sinh hoạt, cho công việc như sách vở, trang phục và trí tuệ như các khóa học, huấn luyện. Để có thói quen chi tiêu hiệu quả, chị Hường chia thu nhập của mình ra từng khoản nhỏ. Với những nhu cầu tiêu dùng hằng ngày, chị gói gém trong khoảng 50%– 70% lương. Những phần tiền còn dư ra chị sẽ phân bổ vào hai khoản nhỏ là khoản tiết kiệm và khoản đầu tư. “Mình luôn luôn phải nghĩ đến hướng xa hơn là 3 -5 năm sau mình sẽ có một khoản tiền nào đó, không phải là khoản tiền lương mà đó sẽ là nguồn tiền khác bảo toàn tài chính cá nhân, dù cho mình bị thất nghiệp hay rủi ro trong đầu tư đều sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống”– chị Hường giải thích về nguyên tắc chi tiêu của mình

Tương tự như việc tích lũy kiến thức hay kinh nghiệm trong việc học và công việc, chị Hường tin rằng những thay đổi nhỏ trong quản lý tài chính sẽ dẫn đến khác biệt lớn trong tương lai: “Mỗi một ngày, mỗi một tháng mình tích lũy một ít, có lẽ chỉ là 200 ngàn đến 1 triệu. Tuy số tiền không nhiều nhưng sẽ tạo cho mình thói quen biết giữ lại tiền mình kiếm được. Từ chính từ nguồn tiền đó sau này sẽ là một khoảng đầu tư khác để tạo cho dòng tiền của mình nó tăng lên”.

3. Lên danh sách những thứ đồ cần mua theo thứ tự quan trọng giảm dần

“Quan điểm của mình là để tránh mua sắm một cách vô định, mình sẽ take note điện thoại những thứ cần mua. Sau đó sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống, quan trọng nhất mình đặt lên đầu. Thậm chí tính dự trù mua hết các món đồ này sẽ hết khoảng bao nhiêu tiền, từ đó mình mới bỏ bớt những thứ đồ không quan trọng." – Đó là quan điểm của Đặng Hà Vy – Ban Truyền Thông Hà Nội.

Vy cũng cho biết, vì có rất nhiều món mua về rồi không dùng hoặc thực sự không cần thiết, lâu lâu cô bạn lại đem cho hoặc làm từ thiện những món đồ đó. Cũng là cách để Vy chia sẻ với mọi người và rút kinh nghiệm cho bản thân.

4. Chi tiêu đúng số tiền mà mình được phép chi tiêu.

"Đừng chết ngập trong cơn khát cà thẻ" – đó là quan điểm tiêu dùng của Bùi Thu Hằng đến từ phòng văn hóa đoàn thể. Cô bạn vui vẻ kể lại câu chuyện thực tế của bản thân: “Trước đây mình thường “găm” thật nhiều tiền, mang tối đa thẻ mình có để sẵn sàng mua hoặc cà thẻ bất kì lúc nào. Về sau nhận ra nếu không mang thẻ lúc đó, mình đã tiết kiệm được kha khá tiền. Ví dụ có lần mình rất thích một chiếc máy ép chậm rồi lại đang được sale mạnh, đã muốn cà thẻ để mua ngay nhưng lại nhớ ra mình mang nhầm thẻ, tự dưng lại tiết kiệm được tiền và về nhà thấy mình vẫn còn 1 chiếc máy ép đa năng, vậy chẳng việc gì phải hứng lên mua sắm vì mình đang “sẵn tiền” quá cả. Sau đó nếu dự định mua quần áo thôi, mình sẽ khống chế số tiền & số thẻ mang theo để tránh “lạm chi”. Đến bây giờ mình đã khá tự tin trong việc kiểm soát chi tiêu cá nhân, nhất là những dịp Big Sale cuối năm như này”  

Quản lí ngân sách không chỉ đơn giản là thanh toán các hóa đơn đúng hạn mà là việc xác định xem số tiền cần phải chi tiêu và phải chi tiêu cho những khoản mục nào. Thiết lập những thói quen tốt sẽ giúp chúng ta không bị lâm vào tình trạng lạm chi và có một cuộc sống hạnh phúc. Không cần phải có một nguồn thu nhập cao mới có thể áp dụng phương pháp quản lý tái chính, ai cũng có thể áp dụng và linh hoạt thay đổi tỷ lệ phần trăm dựa vào những ưu tài chính của bản thân, tương ứng với mức lương của chúng ta nhận được. 

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

20,688Thành viênThích
945Người theo dõiTheo dõi
1,115Người theo dõiĐăng Ký
spot_img