Anh Đinh Tiến Dũng, GĐ Ý tưởng của “Hành trình kết nối”, bật mí giải chạy tiếp sức là “câu chuyện” kể lại quá trình thi công đường trục Bắc Nam, một trong những “kỳ tích” của FPT Telecom khi chỉ mất 9 tháng 10 ngày thay vì 2 năm như dự định ban đầu.
Lần đầu tiên trong lịch sử FPT, một giải chạy tiếp sức được tổ chức xuyên Việt suốt 31 ngày trên 28 tỉnh thành trên chiều dài 2.600 km, với sự tham gia của 3.000 CBNV FPT Telecom. Giải chạy được xuất phát từ ngày 5/8 tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và kết thúc ngày 4/9 tại Cà Mau.
Là "cha đẻ"của giải chạy, anh Đinh Tiến Dũng, GĐ Sáng tạo Truyền hình FPT, chia sẻ với Chungta.vn về ý tưởng tổ chức "Hành trình kết nối".
Anh Đinh Tiến Dũng cho rằng giải chạy Hành trình kết nối chính là "câu chuyện" kể lại quá trình thi công tuyến đường trục Bắc Nam. Ảnh anh Dũng trong giải chạy Run More của FPT Telecom cuối năm 2017. Ảnh: Nguyên Văn.
– Ý tưởng ban đầu của anh là giải chạy tiếp sức hay thể loại nào khác?
– Một buổi chiều cuối tháng 4, chị Phùng Thu Trang (Trưởng ban Truyền thông FPT Telecom) hẹn tôi đi ăn trưa. Chị có nói rằng: “Chủ tịch Chu Thanh Hà rất mong muốn nhà Viễn thông tổ chức một sự kiện mừng sinh nhật tập đoàn, đồng thời phải thể hiện được giá trị cốt lõi của FPT Telecom”. Những ý tưởng như tổ chức giải nhảy flashmob, múa, đá bóng… hiện ra trong suy nghĩ. Nhưng tất cả đều không khả thi vì nó không thể biểu thị giá trị cốt lõi của người Viễn thông là "sự kết nối".
Cuối cùng, tôi mạnh dạn đề xuất ý tưởng tổ chức giải chạy tiếp sức xuyên Việt. Vì chỉ là chạy nên ai cũng có thể tham dự được, điều đó chắc chắn thu hút được số lượng lớn người tham gia. Sau khi chia sẻ ý kiến tới chị Hà, ý tưởng đã được thông qua mà không gặp phải bất cứ bất đồng nào.
Về mặt ý nghĩa, giải chạy như là một câu chuyện bằng hành động kể lại quá trình thi công tuyến đường trục Bắc Nam, một trong những "kỳ tích" của nhà Viễn thông đạt được khi thi công chỉ trong 9 tháng 10 ngày. Bên cạnh đó, giải chạy cũng là cách xóa nhòa khoảng cách địa lý để toàn bộ CBNV FPT Telecom trực tiếp tham gia và trải nghiệm.
– Tại sao FPT Telecom lại chọn tổ chức giải chạy xuyên Việt dài ngày mà không phải là sự kiện giống như Iron Man 70.3?
– Lợi thế đó chính là nguồn nhân lực dồi dào của FPT Telecom. Đối với các sự kiện kéo dài về mặt thời gian, chi phí nhân lực là cản trở lớn nhất đối với các đơn vị tổ chức. Đối với FPT Telecom, do nguồn nhân lực trải dài trên khắp 59 tỉnh/thành nên Ban tổ chức không phải "bận tâm" nhiều đến bài toán này. Đây là lợi thế “bộ đội địa phương” của FPT Telecom và là điều các đơn vị tổ chức chuyên nghiệp chắc chắn không có được. Ngoài ra, với mong muốn để tất cả các CBNV của mọi miền có thể tham gia vào sự kiện, tổ chức trong thời gian ngắn thì không đủ "đã" cho anh em trên toàn quốc.
– Những thuận lợi trong tổ chức giải chạy?
– Thuận lợi đầu tiên là ở FPT Telecom luôn có sự hỗ trợ, giúp đỡ. Lần nọ, tôi ngồi nhẩm lại, nghĩ rằng sẽ không thể tổ chức giải này trong thời gian chưa đầy 3 tháng. Ngay lập tức chị Trang nói rằng: “Chị sẽ bỏ các dự án khác để tập trung thực hiện giải này cùng em". May mắn có chị ấy cùng đồng hành, chứ nếu để một mình tôi hầu như không thể thực hiện được giải chạy này. Nếu ở một đơn vị khác mà không có ai dám chịu khó chịu khổ, chắc chắn tôi sẽ cảm thấy “bơ vơ” trong chính ý tưởng của mình.
Lợi thế tiếp theo là tinh thần của tất cả CBNV FPT Telecom ở các vùng đều rất “máu". Hầu như không phải hô hào gì cả, chỉ cần thông báo có giải chạy là anh em mong ngóng tham gia từng ngày. Cuối cùng là việc FPT Telecom có mặt tại 59 tỉnh/thành nên việc huy động nhân lực không phải là vấn đề lớn. Giải chạy đi đến đâu cũng chắc chắn nhận được sự giúp đỡ của anh em tại đó.
– Vậy còn những khó khăn thì sao, thưa anh?
– Ban tổ chức sẽ lưu ý đến những điều ảnh hưởng tới sức khoẻ lẫn an toàn của các VĐV như thời tiết và giao thông. Theo đó, nếu trời có nắng hoặc mưa nhỏ, các vận động viên sẽ tiếp tục lộ trình. Tuy nhiên nếu thời tiết chuyển biến xấu như có giông, lốc hoặc sấm sét, giải chạy sẽ tạm ngưng, các vận động viên được di chuyển đến địa điểm trú gần nhất.