Trung thu nay đã khác xưa rồi! Đâu đó là những cảm thán của cộng đồng sau mỗi mùa Tết đoàn viên. Trẻ em vẫn được vui chơi, phá cỗ trông trăng, người lớn vẫn được quây quần bên gia đình, nhưng đâu đó, cảm xúc và cách đón một cái Tết dường như đã khác.
Trung thu năm nay, chị Bùi Thị Thu Hằng, cán bộ phòng Văn hóa Đoàn thể (VHĐT) đã có một ngày bận rộn đến 8h tối ở công ty để hoàn tất các công việc sau sự kiện. Rời văn phòng với tin nhắn rủ đi chơi trung thu của một nữ đồng nghiệp, chị Hằng tạm quên đi cảm giác buồn vì ít nhất cũng đã có người bầu bạn trong đêm trăng rằm. "Đây là năm đầu tiên đón Trung thu xa nhà nên tôi cảm giác hơi tủi thân một chút", chị Hằng chia sẻ. Dịp rằm tháng 8 âm lịch hàng năm, cô gái 23 tuổi thường quây quần bên bố mẹ và các em, cùng nhau ngắm trăng, thưởng thức bánh trung thu và trò chuyện. "Trung thu năm nay cũng trùng vào ngày sinh nhật bố tôi nên tôi rất muốn trở về bên cạnh bố để chúc mừng sinh nhật", nàng Cáo trẻ tuổi hy vọng sẽ được ở bên gia đình trong những dịp tết đoàn viên sau này.
"Trung thu là tết Đoàn viên, nhưng đối với gia đình, mọi khoảnh khắc sum họp dù vào thời điểm nào cũng cần trân trọng" – chị Hằng (ngoài cùng bên trái) chia sẻ.
Không giống như người đồng nghiệp của phòng VHĐT, trung thu năm nay, chị Nguyễn Mỹ Linh, cán bộ Trung tâm Đào tạo (FTC) lại chọn cách đi du lịch cùng gia đình nhỏ để tận hưởng niềm vui. Đón trung thu tại phố cổ Hội An với sắc màu lung linh của đèn lồng, hoa đăng, sự náo nhiệt của du khách trong và ngoài nước, chị Linh cảm nhận được bầu không khí tươi mới. "Chuyến du lịch lần này trùng với trung thu cũng là một sự tình cờ nhưng trung thu hàng năm hay bất kỳ dịp đặc biệt nào, tôi vẫn luôn mong muốn gần bên gia đình, bên con trai nhỏ", bà mẹ một con chia sẻ.
Trung thu phố cổ với sắc màu lung linh của đèn lồng mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho chị Mỹ Linh.
"Hồi nhỏ, trung thu rất ấm cúng. Anh chị em, hàng xóm háo hức trước cả tuần vì được mua đồ chơi, chuẩn bị các thứ đón trung thu. Giờ mọi thứ sẵn có nên phần nào cũng bớt đi sự háo hức kỳ diệu mà tuổi thơ từng trải qua", chị Linh bày tỏ. Nhưng chị cũng cho rằng, cảm xúc về trung thu mỗi người mỗi khác, càng lớn sẽ càng có những suy nghĩ riêng nhưng kể cả cuộc sống có hối hả bao nhiêu, vẫn cần lắm những giây phút đầm ấm vui Tết Trung thu bên gia đình.
Trong những năm gần đây, vùng đất Tuyên Quang luôn chào đón Trung thu bằng những lễ hội đường phố rực rỡ sắc màu. Đặc biệt năm nay, người Tuyên Quang còn được trải nghiệm lễ hội dân tộc Dao đặc sắc trong dịp rằm tháng 8. Chị Phan Thị Thanh Huyền, cán bộ HCNS chi nhánh Tuyên Quang thường ngồi trước cửa nhà cùng gia đình xem rước đèn hoặc đưa con mình đi bộ ra Quảng trường để ngắm những mô hình trung thu khổng lồ và xem biểu diễn văn nghệ.
"Thực ra nói Trung thu, giới trẻ toàn ra đường chơi không ở bên người thân là không đúng, như Trung thu ở Tuyên Quang thời gian chơi rất dài, khoảng từ 8 – 15 âm lịch. Mọi người đều có thể bố trí được thời gian ở nhà quầy quần bên nhau vào đêm rằm".
"Nhớ nhất hồi nhỏ, tôi được rước đèn trung thu cùng anh chị trong xóm. Hồi đó do cầm đèn ông sao không cẩn thận nến đổ nghiêng thế là cháy mất đèn, nhưng tôi vẫn thích đi rước đèn nên cứ cầm đèn đã cháy đi tiếp. Nghĩ lại trung thu xưa giản dị mà rất vui, giờ lớn rồi mà vẫn không quên kỷ niệm đó", chị Huyền chia sẻ. Cũng theo chị Huyền, ở Tuyên Quang bây giờ người ta làm mô hình đèn lồng to để đi thi chấm điểm, để người lớn thể hiện với nhau, sau này con cháu họ lớn lên sẽ chẳng thể có được những kỷ niệm đáng nhớ như trước kia nữa.
Được gần một mùa trung thu gia nhập FPT nhưng Đinh Thị Minh Tuyền cũng kịp thấm thía cảm giác xa gia đình và không được tận hưởng cảm giác đoàn viên. Tuy nhiên, Tuyền cũng nhanh chóng "bắt nhịp" với một gia đình khác để bù lại, đó chính là đại gia đình Ban chất lượng (FTQ) cùng những đồng nghiệp luôn yêu quý cô. "Nhớ ngày xưa, cứ đến dịp trung thu là được nhận quà, được xem múa lân, đi rước đèn, ăn bánh trung thu nè. Còn nay khác xưa nhiều rồi, Trung thu cũng êm đềm trôi qua trong văn phòng làm việc đến mức vô tình nhận ra: “Ah! hôm nay trung thu rồi à?!”
"Chắc sẽ nhiều người giống như mình, đi làm xa nên không được đoàn viên với gia đình nhỏ mà phải ở ngoài đường để đoàn tụ với “gia đình lớn” là xã hội, đồng nghiệp. Và với Tuyền, thì FTQ chính là gia đình thứ 2 đó", Minh Tuyền (váy hồng) cho biết.
Gia nhập từ tháng 9 năm 2015, cô gái nhỏ Nguyễn Hoàng Lan Anh, Nhân viên Hỗ trợ kinh doanh thuộc Trung tâm kinh doanh Sài Gòn 7 đã 3 lần đón trung thu cùng nhà Cáo cùng những hoạt động ý nghĩa xen kẽ công tác bán hàng. Qua đó, Lan Anh cũng nhận ra rằng: Nếu như ngày xưa, trẻ em được cùng nhau rước đèn bằng việc tự làm bằng giấy và đốt nến, chúng tôi thường kéo nhau thành nhóm nhỏ đi khắp xóm rồi chia bánh kẹo ăn chung thì ngày nay; khi cần thì các em đều được mua sẵn những chiếc đèn đèn lồng hiện đại cùng với nhiều mẫu bánh đa dạng đủ vị và nơi vui chơi của các em sẽ là các trung tâm thương mại hay phố đồ chơi….
“Đôi khi nhớ về ngày trung thu lúc nhỏ cảm thấy nôn nao và thấy vui hơn bây giờ nhiều. Gần tới ngày được ba mẹ tự tay làm lồng đèn để đi chơi cùng bạn bè trong xóm, cùng gia đình quây quần ăn bánh và xem tivi. Giờ đây, dù mọi thứ ngày càng hiện đại hơn nhưng bù lại dần không còn những tiếng hát hay ánh nến từ những chiếc lồng đèn bằng giấy rọi sáng khắp khu phố nữa”, Lan Anh hoài niệm.
"Từ khi gia nhập Sài Gòn 7, trung thu với mình càng ý nghĩa hơn với nhiều hoạt động cùng các đồng nghiệp", Lan Anh (thứ 4 hàng trên, từ trái sang) tiết lộ.
"Bây giờ, mỗi lần đến Trung thu thì không còn thấy những hình ảnh đó nữa. Các bạn trẻ bây giờ dường như không không thích chơi lân, các con phố đã không còn những đoàn người kéo nhau đi xem múa lân nữa. Cảm giác cũng hơi luyến tiếc" là những tâm sự của anh Nguyễn Chí Tuyên, Phòng Thể Thao, Truyền hình FPT. Anh cũng chia sẻ: Ngày trước, Tết Trung thu đã để lại cho anh rất nhiều kỷ niệm đẹp. Lúc nhỏ thì được ba mẹ chở đi mua lồng đèn, xem múa lân. Từ lớp 5 đến hết thời học sinh, cứ mỗi dịp Trung thu thì trong xóm lại rộn ràng khi các thanh thiếu niên cùng nhau góp tiền mua lân, trống, mặt nạ, chặt tre làm thang, tập múa… Cha mẹ thì chuẩn bị tiền, tìm chỗ treo để chờ lân của con mình đến múa và thưởng.
"Điều mà mình nhớ nhất là những năm đó, cứ dịp trung thu là trời mưa cho nên năm nào cũng bị lỗ. Nhưng ai ai cũng thấy vui vì đã trải qua môt mùa Trung Thu vui vẻ. Đó là động lực rất lớn để anh em trong xóm bước vào năm học mới", anh Tuyên tiết lộ.
Trung Thu ngày xưa và ngày nay đã có nhiều khác biệt. Nếu như trước đây là ngày hội chính dành cho trẻ em quây quần vui chơi và cùng gia đình phá cỗ thì ngày nay giới trẻ lại thường đi chơi đây đó nên đâu đó màu sắc Trung thu khiến những người "hoài cổ" có chút chạnh lòng. Tuy vậy, bù lại thì trung thu thời "hiện đại" đa dạng các hình thức vui chơi hơn, bánh trung thu có nhiều mẫu mã đa dạng hơn, đồ chơi cho trẻ em cũng rất nhiều giúp các gia đình có thêm sự chọn lựa. Chính là những điều chiêm nghiệm của chị Lê Ngọc Thùy Vy đến từ Trung tâm Hệ thống Thông tin cảm nhận được. Chị cũng khẳng định: "Trung thu là tết đoàn viên, dù giàu hay nghèo thì cũng nên giữ nét văn hoá truyền thống, quây quần bên nhau trong mâm cỗ để đón một mùa trăng yêu thương
"Riêng cá nhân tôi, tôi vẫn mong muốn duy trì nét văn hoá này cho gia đình tôi, để con cháu biết được thế nào là phá mâm cỗ đêm rằm, hát đồng dao", chị Vy hào hứng chia sẻ cùng với tấm ảnh "Tam đại đồng đường" của gia đình chị.
Trung thu vốn là dịp Tết đoàn viên, có thể theo thời gian và nhịp sống hiện đại, người trẻ hay các gia đình đã chọn những hình thức khác nhau để vui tết. Người vui, người lại chạnh lòng nhưng nếu trong trái tim mỗi người đều lưu giữ những tình cảm và ký ức đẹp thì Tết Trung thu vẫn còn đầy đủ những ý nghĩa theo cách của mỗi người.