Chương trình Leader Talk diễn ra tối 31/8 tại ĐH Điện lực, Hà Nội có sự tham gia của anh Trần Thanh Hải, GĐ Công nghệ FPT Telecom và anh Trần Thanh Hà, PGĐ Trung tâm Hệ thống thông tin. Hai lãnh đạo của nhà Cáo đã mang đến những thông tin và lời khuyên bổ ích cho các bạn sinh viên.
Với chủ đề "Tấm bằng Điện lực – Công lực đến đâu?", chương trình thu hút sự quan tâm và đăng ký của đông đảo các bạn sinh viên. Talkshow lần này cũng là cơ hội để các thầy cô giáo khoa Điện tử viễn thông và sinh viên từ nhiều khoa khác nhau của ĐH Điện lực được giải đáp những băn khoăn về giá trị tấm bằng đại học và những đánh giá của nhà tuyển dụng về khả năng của sinh viên mới ra trường. Tận dụng cơ hội này, các bạn sinh viên đã đặt rất nhiều câu hỏi thú vị cho hai diễn giả đến từ FPT Telecom là anh Trần Thanh Hải, GĐ Công nghệ FPT Telecom và anh Trần Thanh Hà, PGĐ Trung tâm Hệ thống thông tin.
Hai chuyên gia công nghệ của nhà Cáo (áo cam, ngoài cùng bên phải) mang đến nhưng câu trả lời thú vị trước màn "hỏi xoáy" của các bạn sinh viên.
Mở đầu phần hỏi đáp, một sinh viên đến từ khoa Điện tử Viễn thông hỏi khó hai diễn giả với câu hỏi "đòi lương" nhà tuyển dụng bao nhiêu là hợp lý.
Giải đáp vấn đề này, anh Trần Thanh Hà cho rằng bên cạnh bằng cấp việc đàm phán lương với nhà tuyển dụng dựa phần lớn vào khả năng trình bày và thuyết phục của ứng viên trong buổi phỏng vấn. Nếu ứng viên thể hiện được giá trị, kỹ năng và kiến thức chuyên môn của bản thân thì nhà tuyển dụng sẵn sàng trả mức lương tương xứng với khả năng của bạn. Bên cạnh đó, anh Hà khẳng định FPT Telecom luôn đánh giá đúng và có mức đãi ngộ tương xứng với khả năng của các bạn sinh viên mới ra trường.
Chủ đề của buổi nói chuyện – "Công lực" của tấm bằng Điện lực" cũng được các bạn sinh viên đưa ra để hỏi đáp các diễn giả. Trong phần đặt câu hỏi của mình, Trần Văn Đáng, sinh viên năm cuối khoa Hệ thống điện, cho biết đã vượt hơn 70 km từ Hòa Bình, nơi bạn đang thực tập, để về nghe những chia sẻ từ lãnh đạo FPT Telecom. Thắc mắc của Đáng cũng là vấn đề mà rất nhiều bạn sinh viên muốn có lời giải đáp: Cơ hội và khả năng cạnh tranh của sinh viên trường Điện lực với các sinh viên cùng ngành học đến từ các trường đại học khác?
Các bạn sinh viên không chỉ đặt câu hỏi mà còn chủ động bày tỏ quan điểm với các diễn giả.
Anh Trần Thanh Hà bày tỏ quan điểm công lực không thể đánh giá qua tấm bằng đại học mà nó nằm ở nội tại mỗi cá nhân. Chính các bạn sinh viên phải học tập và rèn luyện khả năng, kiến thức để tăng "công lực" cho bản thân. Kiến thức chuyên môn, tiếng Anh, khả năng trình bày ý tưởng và tư duy sáng tạo… là những điều mà nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy ở các bạn sinh viên. "Khi các bạn có những yếu tố đó hãy trình bày với nhà tuyển dụng với sự tự tin và khi đó họ sẽ không có lý do gì để từ chối một ứng viên như vậy", anh Hà nhận định.
Trong khi đó, anh Trần Thanh Hải lại khẳng định anh không đánh giá ứng viên qua tấm bằng đại học mà dựa trên bảng điểm, thành tích thực tế của các bạn. "Đối với sinh viên mới ra trường, anh không thể đánh giá trường nào tốt hay không tốt mà anh sẽ dựa trên chính kết quả học tập của các em", anh Hải cho biết.
GĐ Công nghệ FPT Telecom cũng đưa ra lời khuyên rằng các sinh viên nên tích lũy kinh nghiệm bằng cách thực tập hoặc làm thêm những công việc liên quan đến ngành học của mình càng sớm càng tốt. Điều đó giúp cho quá trình học tập tại trường trở nên dễ dàng hơn khi có thể áp dụng ngay lý thuyết vừa học vào thực tế. "FPT Telecom đã nhận rất nhiều sinh viên thực tập làm việc trong những dự án lớn. Nhiều người trong số đó đã có một công việc tốt ngay sau khi ra trường. Khi đã có kinh nghiệm, có sản phẩm cộng thêm kiến thức trên ghế nhà trường, đó chính là “công lực” mạnh nhất mà nhà tuyển dụng mong muốn", anh Hải nhấn mạnh.
Các bạn sinh viên của ĐH Điện lực hào hứng tham gia chương trình
Bên cạnh đó, các câu hỏi xoay quanh các chứng chỉ cần thiết, ngoại hình có quan trọng khi đi xin việc hay có nên bỏ học để theo công việc kinh doanh lương 10 triệu đồng… tất cả câu hỏi trên đều được hai diễn giả của FPT Telecom trả lời hết sức dí dỏm, hài hước nhưng vẫn đầy đủ thông tin cần thiết. Cuối chương trình, sinh viên còn được giao lưu văn nghệ, chơi trò chơi, bốc thăm trúng thưởng và trao tặng học bổng. Các phần quà giá trị gồm: Một điện thoại di động trị giá 2 triệu đồng, một suất học bổng tiền mặt trị giá 1 triệu đồng.
Đây là lần đầu tiên Leader Talk của FPT Telecom đến với trường ĐH Điện lực. Trước đó, 7 chương trình đã diễn ra thành công tại nhiều trường đại học khác nhau trên địa bàn Hà Nội, thu hút sự quan tâm của hàng nghìn sinh viên. Chương trình do phòng Tuyển dụng và Phát triển nguồn nhân lực FPT Telecom tổ chức.