Công thức lương mới dành cho cán bộ hạ tầng INF thuộc biên chế TIN/PNC và FTEL sẽ được áp dụng thử nghiệm trong tháng 7 và tháng 8/2017, sau đó sẽ xem xét áp dụng chính thức từ ngày 1/9. Theo đó, cán bộ INF sẽ có cơ hội hưởng mức lương vượt trần tối đa 30% so với lương ABC đầu vào, tuỳ theo xếp hạng từng chi nhánh và kết quả KPI trong tháng.
Công thức lương mới dựa trên bộ 15 KPI phản ánh toàn diện chất lượng hạ tầng và phản ánh chất lượng dịch vụ đang cung cấp cho khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi chất lượng hạ tầng, chất lượng vận hành hạ tầng. Bộ 15 KPI cũng kèm theo thang điểm để đánh giá năng suất lao động của từng đơn vị từ đó sẽ cho ra xếp hạng của từng chi nhánh. Trước đó, công thức lương của các nhân sự INF chỉ được đánh giá dựa trên 2 chỉ số KPI với 2 mức xếp hạng là Đạt/Không đạt. Vì vậy, việc nâng KPI lên 15 chỉ số và phân chi tiết hơn thành 7 bậc xếp hạng nhằm đánh giá một cách toàn diện năng suất lao động của từng cá nhân đặc biệt là kỹ thuật viên triển khai, bảo trì cho khách hàng của trung tâm TIN/PNC. Đây cũng được coi là hành động nhằm phân tích rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoạt động kém của một số đơn vị hay các điểm sáng ở những chi nhánh hoạt động tốt, từ đó nâng cao hiệu quả quản trị.
Đối với các chi nhánh bị hạ 1 hạng vì có từ 3 KPI loại kém (hạng 1) trở lên sẽ có quy tắc hạn chế tổng lương. Theo đó, tổng lương của một nhân sự sẽ thay đổi từ 70% đến 130% so với lương ABC đầu vào, tuỳ theo xếp hạng từng chi nhánh và kết quả của từng chỉ số KPI trong tháng theo bảng sau:
Theo đó, hạng 4 là hạng tiêu chuẩn. Chi nhánh xếp hạng này, các cán bộ nhân viên sẽ nhận được 100% mức lương. Ở hạng 5, 6 và 7, chi nhánh được đánh giá có năng suất lao động đạt Khá tốt, Tốt và Xuất sắc, thì tổng lương của nhân sự sẽ tăng tương ứng cho từng bậc lần lượt là 10%, 20% và 30%. Và ngược lại, ở các hạng 3, 2 và 1 đối với các chi nhánh xếp loại Trung bình, Yếu và Kém, mức lương của nhân sự sẽ giảm lần lượt 10%, 20% và 30% so với lương ABC đầu vào. Lương của mỗi cá nhân sẽ được tính dựa trên các loại lương bao gồm: lương cơ bản, lương theo xếp hạng của chi nhánh và lương theo KPI của cá nhân. Như vậy, so với cách tính lương trước đây, các cán bộ INF sẽ có khả năng nhận được lương vượt trần cao hơn, đồng nghĩa với việc nâng cao thu nhập theo năng suất và nỗ lực của bản thân.
Đối với cán bộ INF thuộc biên chế TIN/PNC, lương cơ bản (theo ngạch ABC) đầu vào là trung bình thu nhập 4 tháng đầu năm 2017 và làm tròn lên theo bảng lương ABC. Nhân sự đang thử việc thực hiện tương tự kèm theo quy định lương thử việc, nhân sự tuyển mới thoả thuật theo bảng lương ABC. Đối với cán bộ INF thuộc biên chế FTEL, lương ABC đầu vào là thu nhập cố định hiện hữu trong tháng.
15 KPI mới bao gồm 10 chỉ số đánh giá năng suất lao động trực tiếp của từng cá nhân và 5 chỉ số KPI về chất lượng dịch vụ khách hàng giúp nhấn mạnh mục tiêu làm hài lòng và mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất. Đây cũng sẽ là cơ sở để bản thân các cán bộ INF ở các chi nhánh phát hiện được các vấn đề còn tồn tại trong dịch vụ khách hàng để từ đó giúp công tác chăm sóc khách hàng liên bộ phận với CS, CUS và IBB được thực hiện hiệu quả và mạch lạc hơn.
Công thức lương mới được áp dụng cho các cán bộ INF thuộc biên chế TIN/PNC và FTEL tại chi nhánh, ngoại trừ cán bộ quản lý tại Vùng 2,3, 4, 6 và 7. Còn tại Vùng 1 và 5, áp dụng cho các cán bộ INF thuộc biên chế TIN/PNC và FTEL tại các phòng QLVH, ngoại trừ cán bộ quản lý.
"Mục đích của việc áp dụng công thức lương mới lần này là nhằm tăng năng suất lao động của cán bộ hạ tầng INF. Từ đó, hiệu quả công việc của mỗi cá nhân cho đến các đơn vị, chi nhánh vì thế cũng được cải thiện đáng kể", anh Lê Trung, PGĐ Trung tâm Phát triển Hạ tầng miền Nam cho biết.
Được biết, đây là lần đầu tiên chính sách lương đến từng cán bộ hạ tầng trên toàn quốc được đồng bộ. Chính sách mới sẽ đảm bảo tối ưu hóa nhân sự với các chỉ số đánh giá trên chất lượng hạ tầng và chất lượng vận hành hạ tầng.