Tâm lý thường thấy của các ứng viên khi đi phỏng vấn xin việc là e ngại bị “làm khó”, bị các cán bộ tuyển dụng “quay như chong chóng” bởi các câu hỏi. Nhưng ít ai biết rằng, công cuộc “tìm người đúng vị trí” cũng lắm chuyện gian nan mà ở đó, chính những cán bộ tuyển dụng mới là người phải “đau đầu”.
Tuyển dụng hàng trăm salesman cho công ty nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất với chị Nguyễn Thị Thư, FHR Hà Nội là khi phỏng vấn một bạn nữ sinh viên trong chương trình Running sale vừa diễn ra. Ứng viên này cho rằng tiêu chuẩn tuyển dụng nhân viên kinh doanh của công ty "quá dễ" khi những ứng viên được gọi phỏng vấn không phân biệt bằng cấp. "Em ấy khá thẳng thắn, tôi đánh giá cao điều này. Tuy nhiên, có lẽ vì còn là sinh viên nên hiểu biết của bạn về doanh nghiệp, về tiêu chí tuyển dụng ở các vị trí còn chưa đúng đắn", chị Thư nhận định.
Tiếp xúc với hàng trăm ứng viên, chị Thư cho rằng phong thái chuyên nghiệp của nhà tuyển dụng cũng là yếu tố quan trọng thuyết phục các ứng viên.
Thư khi ấy đã giải thích cho ứng viên đó hiểu hơn về đặc thù của nghề sales, về quy trình, các tiêu chí tuyển dụng để ứng viên có cái nhìn đa chiều hơn về việc tuyển dụng tại FPT Telecom. "Ngay buổi chiều hôm đó, bạn nữ sinh ấy đã gửi email xin lỗi về thái độ và cảm ơn vì mình đã giải đáp rất chi tiết những điều mà em ấy còn thắc mắc", chị Thư chia sẻ. Đó chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp gây "ngỡ" cho cán bộ tuyển dụng, tuy nhiên, chị Thư luôn tâm niệm đã làm nghề này cần giữ phong thái chuyên nghiệp và tận tình giải đáp mọi thắc mắc của ứng viên.
Giống như người đồng nghiệp tại Hà Nội, chị Ngô Thị Hoa Lê, cán bộ HCNS chi nhánh Quảng Ninh cũng gặp vô vàn những "ca khó" trong quá trình tuyển dụng nhân sự và cuộc điện thoại lúc nửa đêm là trường hợp mà chị Lê nhớ nhất.
"Nếu gặp phải một cuộc gọi lúc nửa đêm lần nữa, tôi vẫn sẽ trả lời và tư vấn cho ứng viên một các nhiệt tình", Ngô Thị Hoa Lê, CN Quảng Ninh.
"Có lẽ đêm hôm đó, bạn ứng viên ấy không ngủ được, lướt facebook thấy thông tin tuyển dụng nên gọi luôn cho mình mà không để ý lúc ấy là 1 giờ sáng", chị Lê nhớ lại. Dù cảm thấy chút phiền hà khi giấc ngủ bị gián đoạn, chị Lê vẫn trả lời như một cuộc gọi thông thường và không quên nhắc nhở ứng viên nếu còn thắc mắc thì sáng hôm sau có thể gọi lại. Là một người làm tuyển dụng, chị Lê cảm thấy thông cảm với những ứng viên như trên: "Đặt mình vào vị trí của ứng viên tôi hiểu được điều này. Nó khiến tôi nhớ lại mình lúc còn đi tìm việc, cũng thức cả đêm lên mạng tìm việc. Nhưng không gọi cho nhà tuyển dụng vào ban đêm đâu nhé", chị Lê hài hước chia sẻ.
Gia nhập FPT Telecom với xuất phát điểm là một nhân viên Chăm sóc khách hàng chủ động rồi đến nhân viên Kiểm soát chất lượng nên khi tiếp nhận công việc Hành chánh nhân sự, chị Trần Thị Như Hằng, chi nhánh Vũng Tàu hiểu và thông cảm hơn với những yêu cầu "tìm đồng đội" từ các đơn vị. Đơn vị nào cũng cần "gấp" bởi chỉ cần khuyết một vị trí là công việc sẽ có nhiều xáo trộn. Bởi thế nên chị luôn trăn trở và nỗ lực tìm kiếm những ứng viên phù hợp nhất. Trong quá trình ấy, chị ấn tượng nhất với một ứng viên đi phỏng vấn nhưng hoàn toàn không biết gì về vị trí mình ứng tuyển. Với câu hỏi "Bạn có biết về vị trí bạn đang ứng tuyển hay không?” thì chị nhận được câu trả lời thật thà: "Dạ không, vì em vừa học vừa ở nhà phụ gia đình làm rẫy, thấy công ty tuyển kỹ thuật thì em đăng ký thôi ạ."
Với mỗi tình huống tuyển dụng khác nhau, chị Hằng thường đưa ra lời khuyên cho các ứng viên tham gia tuyển dụng chính là trước khi nộp hồ sơ thì các bạn cần đọc rất kỹ nội dung mô tả công việc cũng như tìm hiểu về đơn vị mình thi tuyển để biết rằng mình có phù hợp hay không. Tình trạng ứng viên nộp hồ sơ tràn lan mà không có sự đầu tư nghiên cứu cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng "hồ sơ ảo" làm khó nhà tuyển dụng.
Chị Hồ Thị Thảo Nguyên, FPT Telecom Đồng Nai bật mí rằng bản thân cảm thấy thích thú nhưng khá áp lực với công việc này vì “phải tuyển dụng làm sao để tương xứng với đặc thù và quy mô phát triển của chi nhánh”. Công việc tuyển dụng với những quy trình quen thuộc nhưng không gây nhàm chán, bởi mỗi vị trí khác nhau, hồ sơ ứng viên khác nhau cũng là cơ hội để cán bộ tuyển dụng tìm hiểu, tiếp xúc và làm mới các trải nghiệm, kiến thức của bản thân.
Chia sẻ về câu chuyện thú vị trong quá trình tuyển dụng, chị Nguyên nhớ ngay đến các ứng viên cho vị trí nhân viên kỹ thuật vì thường họ là nam giới và khá kiệm lời. "Nhưng khi họ đã chia sẻ thì lại rất thật và chân thành", chị vui vẻ nói. Do đó, chị thường áp dụng "chiến thuật" vừa phỏng vấn vừa chia sẻ, để các ứng viên cảm thấy thoải mái và chia sẻ được thế mạnh của bản thân.
Tuy chỉ vừa gia nhập đội ngũ tuyển dụng nhân sự FTEL nhưng anh Nguyễn Thành Chung, FHR HCM luôn quan niệm: "Các ứng viên đều có thể phù hợp với công ty, quan trọng là vị trí nào. Mỗi người có những điểm mạnh và yếu khác nhau, nếu đặt đúng người vào đúng việc thì họ có thể phát triển nhanh và thành công". Vì thế điều anh luôn trăn trở là với một tổ chức lớn như FPT Telecom thì làm thế nào để có thể phát hiện và sắp xếp được công việc phù hợp cho mọi người, lựa chọn gần 3000 vị trí mỗi năm từ hơn 15,000 ứng viên là một việc chưa từng dễ dàng.
“Thị trường tuyển dụng hiện nay có sự cạnh tranh công bằng, ở tất cả các vị trí, công việc. Cùng một vị trí có thể có đến 4, 5 thậm chí nhiều hơn doanh nghiệp tuyển dụng với các chế độ, đãi ngộ khác nhau dẫn đến thông tin tuyển dụng của chúng ta đến với các ứng viên cũng sẽ khó khăn hơn", anh chia sẻ.
Có nhiều ứng viên trong CV ghi rất nhiều nhưng thực tế lại ít kinh nghiệm, lại có những bạn ghi rất ít nhưng đã trải qua nhiều công việc khác nhau, vì thế dần dần anh Chung thường tiếp cận với ứng viên qua nhiều kênh hơn, thậm chí là trao đổi để không bỏ lỡ những nhân sự tiềm năng.
Ở góc độ nhà tuyển dụng, anh Chung cho rằng hồ sơ cá nhân, CV là thứ đầu tiên và có khi là duy nhất mà doanh nghiệp biết và đánh giá ứng viên có phù hợp hay không trước khi phỏng vấn. Do vậy, kỹ năng làm hồ sơ là đặc biệt quan trọng nếu các bạn không muốn bị loại ngay từ "vòng gửi xe".
Mỗi công việc đều có đặc thù riêng và đối với những người làm tuyển dụng, việc phải tiếp xúc với hàng trăm nghìn ứng viên ở mọi trình độ, lĩnh vực học vấn khác nhau thì việc không ngừng trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng và tác phong là vô cùng quan trọng. Đó cũng là điều mà các cán bộ tuyển dụng, cũng như hành chính nhân sự tại các đơn vị của FPT Telecom đang nỗ lực học tập và rèn luyện từng ngày để công tác tuyển dụng tại FTEL ngày một trở nên chuyên nghiệp.