Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
spot_img

9 ‘siêu’ sáng tạo đọ sức tại Bán kết iKhiến 2019

Sau 8 số chung khảo, iKhiến 2019 sẽ bước vào vòng Bán kết với 9 sáng tạo giành giải Vàng, diễn ra ngày 2/1/2020.

Nền tảng akaDev là sáng tạo của anh Lê Anh Dũng cùng các đồng nghiệp ở FHO.PID thuộc nhà Phần mềm. Sản phẩm nhận giải Vàng từ ikhien chung khảo số 2. Sáng tạo có tính linh động cao, đáp ứng yêu cầu một cách nhanh chóng mà không phải lập trình theo lối thông thường. Từ nền tảng akaDev có thể triển khai nhanh một ứng dụng Web bất kỳ, không phải code tay và đảm bảo chất lượng đồng đều.

Có akaDev, thay vì mất 2 đến 3 ngày để code một web ứng dụng, thời gian rút ngắn xuống chỉ còn 2 đến 3 tiếng. Năng suất lao động tăng từ 50 đến 70%. Đi vào hoạt động lần đầu tiên từ tháng 4/2018, đến nay đã có 5 tool được xây dựng từ nền tảng akaDev như hệ thống tuyển dụng của FPT Japan, hệ thống quản lý SME của FPT Software, hệ thống quản lý dịch vụ nội bộ của tập đoàn – SSC Portal.

Nền tảng CodeLearn được chuyên gia công nghệ FPT Cao Văn Việt và các cộng sự phát triển từ năm 2018. Hệ thống Codelearn có 3 tính năng lớn là cung cấp khóa học giúp người lập trình nâng cao trình độ; tổ chức thi và rèn luyện qua các bài tập ở nhiều cấp độ; xếp hạng người dùng qua từng thời gian. Để thiết lập CodeLearn cần ứng dụng nhiều công nghệ mới như compiler, AI, docker, AWS… Nền tảng hỗ trợ người dùng sử dụng 5 loại ngôn ngữ lập trình gồm C++, Java, Js, Python và C#. Bên cạnh đó, để đáp ứng lượng người truy cập lớn, CodeLearn sử dụng kiến trúc trên nền tảng cloud AWS, cùng công nghệ chat, notify…

Sau nửa năm hoạt động, CodeLearn có 10.000 người đăng ký sử dụng trên toàn cầu. Trong quá trình vận hành, CodeLearn nhận nhiều đánh giá tốt. Trong đó, người dùng hài lòng do IDE của hệ thống thân thiện, tốc độ cao, có các khóa học tiếng Việt, sự kiện đa dạng…

Đến nay CodeLearn đã tổ chức hơn 20 cuộc thi cho học viên Fresher academy; 3 cuộc thi ra các trường ĐH FPT, ĐH Giao thông vận tải ĐH Quy Nhơn và hơn 10 trường đại học tại TP HCM. Trong nội bộ FPT Software, nền tảng là nơi tổ chức thi lập trình cho gần 600 CBNV.

Giải pháp số hóa quản lý hạ tầng viễn thông (DIP) do đội ngũ INF HO và ISC lên ý tưởng cùng nhau xây dựng trên nền tảng bản đồ số của Google, kết với cơ sở dữ liệu hiện hữu nhằm quản lý mạng lưới tối ưu, trực quan và chuyên nghiệp hơn, giúp người dùng dễ sử dụng, tra cứu, quản lý nhanh và hiệu quả nhất. Giải pháp gồm 8 module: theo dõi kế hoạch; khảo sát phát triển hạ tầng mới; nghiệm thu hạ tầng bằng hình ảnh; quản lý thông tin đối tượng hạ tầng; quản lý công trình ngầm; quản lý trụ điện; quản lý đối tượng hạ tầng bằng QR code và bảo trì hạt ầng nội – ngoại vi.

Được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2018, DIP có thể quản lý cáp, công trình ngầm, công trình treo, liên kết với hệ thông giấm sát thiết bị và quảng lý hợp đồng thuê mượn hạ tầng ngầm của các ISP khác. Từ khi ứng dụng vào thực tế, DIP giúp giảm 2/3 nguồn lực, thời gian xác định và xử lý ngoài hiện trường; tiết kiệm chi phí trong các lần bảo trì; quản lý đầy đủ, chính xác, tra cứu thông tin nhanh và hiệu quả cao; Giảm 171.3 giờ làm việc, tiết kiệm 30 tỷ đồng/năm.

Sản phẩm akaBot là một RPA platform (Robotic Process Automation – Tự động hóa quá trình robot), giúp tự động hóa quy trình nghiệp vụ mà không tác động đến hệ thống IT hay đổi các tác nghiệp của doanh nghiệp. akaBot do anh Bùi Đình Giáp và cộng sự phát triển.

Sản phẩm gồm ba thành phần, trong đó akaBot Studio dành cho người không biết lập trình có thể tự thiết kế hệ thống bằng cách kéo thả. akaBot Center dành cho operator có chức năng tạo lập hệ thống vận hành, điều phối và akabot Agent tự động thực thi các quy trình nghiệp vụ đã được thiết kế, có thể chạy được cả trên máy ảo, máy local PC. Hiện akaBot có khả năng thay thế mọi công việc khối back office.

Sản phẩm hoạt động từ tháng 7/2018 tại các bộ phận hỗ trợ của FPT Software. Ngoài ra, akaBot được sử dụng tại một số công ty của Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu. Mới đây, akaBot đã ký được hợp đồng license lớn nhất FPT đến thời điểm này.

Hệ thống Auto Network Operation – Vận hành mạng tự động (ANO) (FPT Telecom) do nhóm tác giả Nguyễn Anh Tuấn – Nguyễn Thành Công – Phan Khánh Toàn – Dương Đức Nhân xây dựng.

Hệ thống nhằm thu thập, phân tích, kiểm thử và chủ động báo cáo cũng như khắc phục sai sót của hệ thống mạng, nhằm duy trì chất lượng và độ ổn định của hoạt động hệ thống. Hệ thống gồm nhiều khối chức năng khác nhau chạy độc lập phân tán và xử lý bất đồng bộ theo mô hình microservice gồm 3 khối.

Khi đưa vào sử dụng, hệ thống đã giúp nhận diện và xử lý hơn 30.000 tác vụ/ngày liên quan đến hiệu chỉnh thông số hệ thống; tự động hóa và giảm yêu cầu cần hỗ trợ 35% trên tổng số lượng yêu cầu từ khách hàng; Tiết kiệm được 100 nhân lực vận hành. Hệ thống rút ngắn thời gian triển khai 20 lần, rút ngắn thời gian thay đổi cấu hình 6 lần. Những điều này giúp tăng ổn định dịch vụ và nâng cao sự hài lòng của khách hàng.

Để đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt, nhóm tác giả FPT Telecom gồm các anh Trần Quan Giàu, Chế Phi Hoàng, Trần Minh Thành từ Trung tâm Hệ thống Thông tin (ISC) và anh Nguyễn Bá Minh Đăng – Trung tâm Quản lý cước, đã nghiên cứu và xây dựng giải pháp số hóa hóa đơn, thu cước bằng máy POS trên nền hệ thống hóa đơn điện tử. Nhân viên thu cước thay vì phải mang theo tập hóa đơn giấy bên mình thì chỉ với máy POS nhỏ gọn đã có thể đáp ứng được toàn bộ quá trình đi thu, hạn chế các rủi ro thất lạc, hư hỏng hóa đơn.

Sáng tạo giúp tiết kiệm được 108 nhân sự in ấn, vận chuyển; 22,64 tỷ đồng mỗi năm. Nhân viên thu cước tiết kiệm được hơn 150.000 km/tháng đi lại nhận hóa đơn; giảm thời gian xé hóa đơn, kiểm soát hóa đơn, trả hóa đơn về, thời gian tiết kiệm được lên đến 4.500 giờ/tháng. Hiện tại, FPT Telecom đã triển khai được 1.200 máy POS thu tại nhà và 150 máy tại quầy để phục vụ khách hàng.

FPT.eSignCloud là giải pháp chữ ký số điện tử cá nhân đầu tiên và duy nhất tính tới nay tại Việt Nam. Sáng tạo của anh Lê Việt Cường, Nguyễn Tiến Long và Tào Tuấn Anh.

Hệ thống giúp việc ký hợp đồng, duyệt văn bản không phụ thuộc không gian và thời gian, đảm bảo tính xác thực, toàn vẹn dữ liệu. Đồng thời tạo ra dịch vụ mới, giúp FPT mở thị trường riêng.

Sáng tạo gồm 3 cấu phần: Khởi tạo chữ ký số tự động (CA), Mã OTP SMS và thông tin định danh khách hàng (KYC). Hệ thống hoạt động theo các bước:

Giải pháp giúp rút ngắn thời gian phê duyệt và ký khoản vay từ ít nhất một ngày còn khoảng 10-15 phút. Sau 6 tháng triển khai, các tổ chức tài chính và ngân hàng ứng dụng sản phẩm gồm: FE Credit, Home Credit, Easy Credit và OCB… Với FE Credit, FPT IS đã ký hợp đồng với số lượng sử dụng dự kiến từ 1-5 triệu chữ ký số hằng năm, mang về cho công ty từ 7-32 tỷ đồng. Dự kiến sản phẩm sẽ đem về doanh thu hàng chục tỷ đồng cho tập đoàn.

Hi FPT 5.0 được xem như một “siêu ứng dụng thông minh” với những tính năng vượt trội, mang đến trải nghiệm dịch vụ hoàn toàn mới cho khách hàng của FPT Telecom. Sản phẩm do nhóm dự án của FPT Telecom, do chị Vũ Giáng Hương đứng đầu, sáng tạo. Chỉ với smart phone, tất cả người tiêu dùng thực hiện kiểm soát, quản lý chất lượng, dịch vụ và nội dung Internet FPT. Hi FPT 5.0 có nhiều cải tiến vượt trội như được trang bị lớp bảo mật mạnh mẽ tiện lợi như Face ID, PIN, Touch ID; Thực hiện việc Giám sát trẻ em; Thanh toán Online, Đăng ký dịch vụ Online và nhận hỗ trợ tức thì qua Chatbox…

Triển khai từ tháng 10/2019, sản phẩm tiết kiệm được 38 nhân sự chăm sóc khách hàng; Tiếp cận được 74.707 khách hàng tiềm năng, chưa sử dụng dịch vụ của FPT Telecom.

Nền tảng tích hợp và xử lý dữ liệu FPT.Fortuna được xây dựng bởi anh Phạm Minh Tuấn và Mỵ Duy Long (FPT IS) là công cụ nhằm xây dựng kho dữ liệu chung, đáp ứng nhu cầu điều hành. Sáng tạo gồm 4 nền tảng chính: Tích hợp dữ liệu có cấu trúc; lưu trữ dữ liệu phi cấu trúc; xử lý dữ liệu; dữ liệu mở. Các thành phần này giao tiếp với nhau thông qua các giao thức phổ biến như HTML, ATI…

Hiện sản phẩm được ứng dụng trong dự án tích hợp, xử lý cơ sở dữ liệu của TP HCM. Sau 2 năm, sáng tạo đã tích hợp, cập nhật hàng ngày gần 1.000GB dữ liệu. Cơ quan quản lý chỉ cần 1 nhân viên giám sát nền tảng và hơn 1 giờ để xuất báo cáo thay vì 2 người làm toàn thời gian trong 4 ngày để xử lý 1GB dữ liệu. Hết năm 2019, tổng doanh thu của dự án là gần 2 triệu USD.

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

17,207Thành viênThích
5,553Người theo dõiTheo dõi
540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img