Thứ Ba, Tháng Bảy 1, 2025
spot_img

5 yếu tố chinh phục “Bước nhảy từ chuyên viên lên quản lý” của Phó TGĐ FTI

Để trở thành một Quản lý giỏi là điều vô cùng khó và cần nhiều sự cố gắng, nỗ lực không ngừng. Tuy nhiên, từ một chuyên viên lên làm quản lý lại càng cần nhiều bí quyết và kinh nghiệm hơn nữa để chinh phục các nhân viên, đồng thời hoàn thành tốt công việc. Hãy cùng Phó TGĐ FTI – Trần Hải Dương đi tìm “bước nhảy” hữu hiệu nhất cho câu chuyện từ chuyên viên lên làm quản lý.

Vào ngày 17/7 vừa qua, hơn 40 thành viên Cán bộ nguồn FTI – FTEL đã có cùng tham gia buổi giao lưu có tên “LeaderTalk: Bước nhảy từ chuyên viên lên vị trí Quản lý” do Ban Đào tạo tổ chức. Anh Trần Hải Dương – Phó TGĐ FTI cũng chính là “giảng viên” đứng lớp trong chương trình lần này.

Vốn quen thuộc với hình ảnh một người “Sếp” cương trực, tuy nhiên, trong chương trình lần này, anh Trần Hải Dương đóng vai trò vô cùng khác biệt: một người giảng viên nhưng cũng đồng thời là một “đàn anh” với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Với những mẩu chuyện ngắn được đúc kết bài học rõ ràng, anh Trần Hải Dương đã đưa ra 05 yếu tố giúp các “Cán bộ nguồn” vượt qua khó khăn, khủng hoảng khi từ chuyên viên trở thành quản lý.

1. Thích nghi với câu chuyện “từ nhân viên lên quản lý”:

Điều đầu tiên, cũng là quan trọng nhất khi các CBNV nhận được sự thay đổi trong công việc chính là phải bình tĩnh và thích nghi dần với những điều mới. Câu chuyện từ nhân viên lên làm quản lý có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào, và bất cứ ai cũng phải sẵn sàng để thích ứng với hoàn cảnh.

Anh Trần Hải Dương nhấn mạnh, các “cán bộ nguồn” phải luôn tích lũy, học hỏi kỹ năng dùng người, phân bổ công việc hợp lý. Theo kinh nghiệm từ chính anh, việc quản lý 2 người, tới 20 người là những câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Việc các Quản lý phải thích nghi, nắm bắt thông tin cũng như tâm lý của các thành viên của mình để đối xử phù hợp là việc thiết yếu được ưu tien hàng đầu. Là một quản lý tốt, chưa nói đến giỏi, trước hết phải cân nhắc xem nên nói gì – tại thời điểm nào. Việc kết hợp các thành viên trong nhóm là yếu tố “sống còn”, là yếu tố gắn kết quyết định tới sự thành công của Công ty. “Trước hết là đoàn kết, sau đó mới là đào tạo!” – Phó TGĐ FTI khẳng định.

2. Giảm bớt cái tôi – phát triển bản thân:

Trước đây, nếu là một nhân viên bình thường, bạn có thể tập trung nhiều vào công việc cá nhân, nhưng khi đã trở thành một Quản lý, bạn sẽ phải coi công việc của tất cả mọi người là công việc của mình. Việc lắng nghe, kết hợp, điều chỉnh các ý kiến của nhiều cá nhân trong nhóm sẽ là công việc cốt yếu của một người Quản lý, và đôi khi, chính bạn sẽ phải là người cần thay đổi để hòa đồng với nhóm của mình.

Trở thành một người Quản lý, tức bạn sẽ phải tự nhìn vào bản thân và đánh giá điểm mạnh – yếu cá nhân. Có thể điểm yếu sẽ là bạn quá thẳng thắn – dễ làm mất lòng đồng nghiệp, hay bạn quá nhạy cảm – dễ bị dung hòa ý kiến, đó chính là những điểm mà bạn cần thay đổi ngay để khi đã là người nắm trách nhiệm “cầm cân nảy mực” của nhóm. “Hãy học cách tiết chế bản thân để hòa đồng với đồng nghiệp của mình.” – Đây là điều số 2 mà anh Trần Hải Dương muốn gửi gắm tới các “cán bộ nguồn” – những người sẽ nắm vị trí quan trọng của Công ty trong tương lai. Một “bí quyết” mà anh Trần Hải Dương cũng chia sẻ tới các học viên là cuốn sách “Biết ăn biết nói biết cả thiên hạ”, theo anh đây là “cẩm nang” hữu hiệu mà bất cứ ai cũng nên “bỏ túi”.

3. Tạo động lực cho nhóm như thế nào?

Câu hỏi “Tạo động lực cho nhóm như thế nào?” cũng là câu hỏi được rất nhiều học viên thắc mắc trong chương trình. Và để giải đáp cho câu hỏi khá ‘hóc búa’ này, anh Trần Hải Dương đã cùng các học viên phân tích cách quản lý kết quả và quản lý chi tiết trong công việc. Đồng thời, theo anh, việc đặt ra kỷ luật trong nhóm cũng sẽ là “sợi chỉ đỏ” giúp duy trì được tiến độ công việc đều đặn, tuy nhiên, hãy là người Quản lý linh hoạt, không nên quá cứng nhắc, tránh trường hợp xảy ra bất bình trong nhóm.

Bên cạnh đó, để có thể tạo động lực cho các thành viên, người “thuyền trưởng” cần phải biết cách trao cơ hội cho từng cá nhân để họ thể hiện được khả năng của mình. Đây cũng chính là cách khuếch tán động lực làm việc cá nhân trong nhóm, khi ai cũng có cơ hội thể hiện, bộc lộ ưu điểm và ghi dấu trong công việc. Khi đó, tất cả nhân viên sẽ đều thấy mình đang chung mục tiêu của nhóm, của Công ty và làm việc hết mình hơn.

Thêm một “bí quyết” mà anh Trần Hải Dương chia sẻ cho các “trưởng nhóm tương lai” chính là mô hình “4 Ps of Marketing” – mô hình quản lý trong nhóm. Mô hình marketing 4P hay còn được gọi là marketing mix/maketing hỗn hợp là chiến lược marketing bao gồm 4 yếu tố: Product (sản phẩm) – Price (giá cả) – Place (kênh bán hàng)– Promotion (xúc tiến thương mại). Đây là một trong những mô hình marketing cơ bản và phổ biến nhất.

4. Hãy tự quản lý thời gian dành cho công việc và gia đình trước!

Với bước nhảy từ chuyên viên lên Quản lý, đồng nghĩa với việc khối lượng công việc của bạn sẽ nhiều hơn trước, và đôi khi bạn sẽ cảm thấy “bó tay” với việc cân bằng giữa công việc và gia đình. Chọn công việc hay gia đình? Câu trả lời là bạn không được chọn! Bởi thiếu đi một trong hai, bạn sẽ đều rơi vào cảnh khó khăn, mệt mỏi. Vì vậy, bạn cần phải biết linh động thời gian giữa hai bên. Tuy nhiên, đôi lúc bạn sẽ phải hy sinh cho một bên nào đó, chẳng hạn như khi trùng lịch ý nghĩa với gia đình nhưng vẫn phải hoàn thành công việc trước.

5. Học cách đối mặt “face-to-face” với khó khăn:

Áp lực công việc, không làm chủ được thời gian, không hoàn thành deadlines – đó chính là những khó khăn có thể ập tới bất cứ lúc nào với một Quản lý. Khi mắc phải những trường hợp ấy, bạn sẽ dễ dàng chán nản, mệt mỏi và dễ rơi vào trạng thái uể oải, mất đi động lực. Tuy nhiên, hãy đứng dậy và kéo lại tinh thần, bởi bạn sẽ không ở đó một mình, mà sẽ có nhiều thành viên trong nhóm và Ban Lãnh đạo giúp đỡ. “Kinh doanh như đi câu, quả được – quả không” – Anh Trần Hải Dương khẳng định. Sẽ luôn có những khó khăn nối tiếp khó khăn, nên hãy làm quen dần với những điều đó.

Kết thúc buổi giao lưu, các “cán bộ nguồn” bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều buổi giao lưu hơn nữa để tích lũy kinh nghiệm. Trong mục tiêu 5 năm tới, FTI đặt ra rất nhiều dự định lớn để chinh phục thị trường. Và người làm nên yếu tố thành công cho những mục tiêu của Công ty chính là các “cán bộ nguồn”. Sau khi “bỏ túi” 5 yếu tố trên, bạn cần phải tiếp tục trau dồi, học thêm các lớp đào tạo, kết nối với các đồng nghiệp để ngày một vững tâm hoàn thành công việc, chinh phục “bước nhảy từ chuyên viên lên quản lý”. Trở thành một quản lý giỏi không khó, nhưng trước hết, hãy là một người quản lý tốt!

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

17,207Thành viênThích
5,553Người theo dõiTheo dõi
540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img