Sáng 22/11, tại phòng Đào tạo, tòa nhà PVI, Hà Nội, PTGĐ FPT Đỗ Cao Bảo đã có buổi chia sẻ mang chủ đề “Thành công học”, thu hút sự tham dự của gần 100 cán bộ nguồn của FPT Telecom.
Buổi trò chuyện của anh Bảo nằm trong chuỗi hoạt động thuộc chương trình Tổng kết cán bộ quản lý FTEL 2018, diễn ra trong 2 ngày 22 – 23/11, do Trung tâm đào tạo (FTC) phối hợp với trường đào tạo cán bộ tập đoàn FPT (FCU) phối hợp tổ chức.
Định nghĩa: “Thành công là đạt được mục tiêu do mình đề ra”, anh Đỗ Cao Bảo cho biết, nếu trong vật lý có những quy luật quyết định sự vận động của sự vật, thì trong cuộc sống cũng có những quy luật tương đối chính xác quyết định sự thành công của con người.
Theo vị PTGĐ FPT, có tổng cộng 18 nguyên lý cho sự thành công, bao gồm:
– Phải có hoài bão, ước mơ lớn, đôi khi đến viển vông
– Niềm đam mê- theo đuổi niềm đam mê
– Làm đúng sở trường – làm đúng công việc mình yêu thích
– Hãy hành động – just do it
– Tính hiệu quả – tính thực tiễn
– Nghĩ lớn để thành công
– Khác biệt chứ không phải tốt nhất
– Làm cái gì, làm như thế nào
– Tạo dựng quan hệ; 85% thành công là nhờ các mối quan hệ
– Hãy tiếp xúc với những người thành công
– Cơ hội và nắm bắt cơ hội
– Chữ tín trong kinh doanh
– Nhận thức và có khả năng thay đổi (Công nghệ, quản lý, thị trường,…)
– Không bao giờ bỏ cuộc
– Không sợ sai sót, không sợ thất bại
– Hãy biến những vấn đề phức tạp trở nên đơn giản
– Tâm hồn thanh thản
– Quan niệm đúng đắn về tiền bạc
Từng nguyên lý trên đã được diễn giả Đỗ Cao Bảo diễn giải chi tiết đến tất cả cán bộ nguồn có mặt trong buổi đào tạo. Với nguyên lý đầu tiên, anh Bảo cho rằng, dù chấp nhận sự viển vông, nhưng người có hoài bão, ước mơ cần thấu hiểu đúng bản thân, có niềm đam mê, bên cạnh làm đúng sở trường, công việc mình yêu thích. Bên cạnh đó, mỗi người trong chúng ta cần có tầm nhìn, sứ mệnh về những điều muốn đạt đến và những bước để đạt được điều mình cần. Một mục tiêu hợp lý cho từng giai đoạn là điều vô cùng cần thiết.
Một số ví dụ tiêu biểu về hoài bão, ước mơ lớn có thể kể đến Thomas Edison sau 10.000 lần thí nghiệm thất bại, đã sáng tạo ra chiếc đèn thắp sáng nhờ điện, hay Toyota đã chế tạo ra 1 dòng xe đẳng cấp, lái nhanh, êm mà tiêu thụ xăng ít, mang kiểu dáng thanh lịch mà khí động học, vững tốc độ cao mà ma sát thấp,…mà ngày ngay đã rất nổi tiếng với tên gọi Lexus. Ở Việt Nam, những ước mơ lớn gắn liền với câu chuyện Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, mong muốn FPT thành tổ chức kiểu mới, giàu mạnh, hay tỷ phú Phạm Nhật Vượng với một hệ sinh thái ở, học, chữa bệnh, nghỉ mát, mua sắm, ô tô…mang thương hiệu VinGroup.
Trong quan điểm về sở trường, đam mê, anh Bảo nhận định, “sở trường là khi bạn thấy thích thú, say mê, quên cả thời gian, bạn thấy hạnh phúc và dễ dàng khi làm việc trong khi người khác thấy khó”. Đối với đam mê, anh Bảo dẫn chứng nghiên cứu của Srully Blotnick nghiên cứu trên 1500 sinh viên tốt nghiệp đại học kinh tế Mỹ trong giai đoạn 1960 – 1980 và thu về kết quả đáng suy ngẫm: số sinh viên lựa chọn kiếm tiền trước theo đuổi đam mê chiếm 83%, trong khi số người theo đuổi đam mê trước khi nghĩ đến tiền bạc là 17%. Số triệu phú thuộc nhóm 1 là 1 người (0.99%), nhóm 2 là 100 người (99.01%).
Nguyên lý thứ 4 – Hãy hành động, anh Bảo dặn dò các cán bộ nguồn rằng, không nên suy nghĩ, lắng nghe quá nhiều mà hãy làm đi, bởi vì “tài năng lớn nhất của những người thành đạt là khả năng hành động”. Trong nguyên lý thứ 5 – Nghĩ lớn để thành công, anh Bảo dẫn lại câu chuyện về Bill Zanker (Learning Annex) đã bỏ 1 triệu dollar để mời Donald Trump về diễn thuyết trong 1 giờ, và giúp Learning Annex tăng trưởng 400%, lợi nhuận lên tới 100 triệu dollar.
Một trong những nguyên lý quan trọng nhất, theo chuyên gia Đỗ Cao Bảo, nằm ở quan hệ – kỹ năng con người. Phó TGĐ FPT tin rằng, thành công luôn được tạo nên bởi sự giúp đỡ của nhiều người: cộng sự, nhân viên, khách hàng, đối tác, nhà đầu tư,…Triết lý xây dựng mối quan hệ của anh Bảo, bao gồm sự chân thành, cùng những phẩm chất yêu thương – trung thực – nhân từ – hào phóng. Ngoài ra, chúng ta cũng nên có những mối quan hệ từ sớm, lúc người khác chưa có chức vụ quyền lực. Cuối cùng, triết lý “cho trước khi nhận – tốt nhất là bạn bè, chiến hữu” cần được tất cả thấm nhuần.
Trong nguyên lý chọn việc để làm, vị diễn giả của “Thành công học” cho rằng, làm cái gì, làm như thế nào quan trọng hơn cả sự chăm chỉ. Dẫn lại câu nói của Jack Ma: “Rất nhiều người thông minh, chăm chỉ nhưng không thành công”, anh Bảo đưa ra luận điểm, rằng tất cả chúng ta không nên làm những việc thừa. Cùng với đó, theo anh Bảo, để đạt được thành công, chúng ta không nhất thiết phải là người tốt nhất, mà hãy cố gắng trở thành người khác biệt nhất.
Các nguyên tắc thành công tiếp theo được anh Đỗ Cao Bảo lần lượt trình bày. Trong Cơ hội và nắm bắt cơ hội, anh Bảo tin tưởng, tuy cuộc sống vốn không công bằng, nhưng thời gian và cơ hội là công bằng. “Trong suốt cuộc đời, ai cũng có nhiều cơ hội, và chúng ta cần nắm bắt, tận dụng tốt mỗi khi cơ hội đến”.Tiếp theo, anh Bảo đánh giá cao vai trò quan trọng của chữ Tín để đạt được thành công. Chữ Tín được thể hiện trong suốt quá trình dài, thông qua ứng xử, hành động thực tiễn nhằm giữ vững, thực hiện nghiêm túc các cam kết, lời hứa và đôi khi còn đánh đổi bằng tiền bạc. Trong tính hiệu quả, thực tiễn, đó là những thông kê cụ thể về 50% triệu phú Mỹ chưa tốt nghiệp đại học, hay 50% CEO Fortune 500 có kết quả học tập hạng C để từ đó, rút ra kết luận, tính thực tế trong công việc thật sự quan trọng hơn cả tri thức.
Nguyên lý thiết yếu tiếp theo, đối với anh Bảo, nằm ở khả năng thay đổi ở mỗi người. “Ngày nay xã hội thay đổi chóng mặt. Xu thế công nghệ, xu thế chuỗi, xu thế siêu thị… lên ngôi. Vì thế, thành công chỉ đến với ai nhận thức được thay đổi và có khả năng thay đổi” – anh Bảo nói. Kèm theo những thay đổi, chúng ta không được phép bỏ cuộc, cũng như không sợ sai sót, không sợ thất bại. “Thất bại là tên đại bịp chỉ cách thành công có nửa bước chân. Chúng ta không bao giờ được bỏ cuộc, đã đặt mục tiêu, đã tin thì phải kiên định”. Tất cả những điều đó sẽ giữ cho chúng ta một tâm hồn thanh thản, không nóng giận, bực tức, đau khổ, buồn rầu hay lo lắng, sợ hãi, đố kị,…
Điều cuối cùng trong thành công, đó chính là quan điểm đúng đắn về tiền bạc. Anh Bảo một lần nữa khẳng định: không nên tuyệt đối hóa đồng tiền, không nên lấy việc kiếm tiền làm mục đích chính. “Tiền bạc là thước đo lao động, nhưng nếu theo đuổi đam mê, đồng tiền sẽ theo đuổi chúng ta”– vị PTGĐ FPT tự tin chia sẻ.
Kết thúc phần trình bày của mình, diễn giả Đỗ Cao Bảo kết luận, những nguyên lý thành công cần phải dựa trên tố chất mà mỗi người có được từ lúc sinh ra.“Chúng ta thành công hay không là do nắm được sở trường, nguyên lý của bản thân”. Diễn ra trong gần 3 giờ đồng hồ, vị PTGĐ FPT đã đem đến nhiều kiến thức hữu ích, thực tiễn đến các cán bộ quản lý FPT Telecom.
Các thông tin tiếp theo trong chương trình “Tổng kết cán bộ quản lý FTEL 2018” sẽ liên tục được cập nhật tại FoxNews.